- Vào 10h00 ngày 25/9/2020 (Thứ Sáu) tại Ngôi nhà Di sản, số 87 Mã Mây, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội sẽ diễn ra lễ khai mạc hoạt động văn hóa Tết Trung thu truyền thống. Để đảm bảo phòng chống dịch Covid, ngoài tổ chức hoạt động tại các điểm, năm nay Ban tổ chức tương tác trực tuyến phát livestream trên trang fanpage facebook “PHỐ CỔ HÀ NỘI”.
Với mục đích bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, đem đến cho các cháu thiếu nhi một không gian vui chơi bổ ích và cơ hội tìm hiểu về các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh khu Phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.
Năm 2020, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội tiếp tục tổ chức các hoạt động trưng bày, tương tác tại các điểm di tích trong khu Phố cổ Hà Nội trong dịp Tết trung thu truyền thống.
Tết trung thu 2020 đến khi diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn nhiều phức tạp, lượng du khách tham quan khu phố cổ Hà Nội sụt giảm nghiêm trọng, các phụ huynh phần nhiều cũng e ngại khi cho con tới chơi tại các địa điểm công cộng, tập trung đông người.
Trước tình hình hiện tại, bên cạnh cách trải nghiệm tương tác truyền thống Ban quản lý Phố cổ Hà Nội sẽ phối hợp với một số trường học và các gia đình trong và ngoài nước để triển khai cách trải nghiệm, tương tác theo phương thức TRỰC TUYẾN (Livestream), sử dụng các công nghệ hỗ trợ để nghệ nhân, thợ thủ công giao lưu, hướng dẫn các gia đình và các bé làm đồ chơi truyền thống.
Thời gian hoạt động: Tại các điểm di tích: 07 ngày từ ngày 25/9 đến ngày 01/10/2020.
Một số chương trình đáng chú ý:
Giới thiệu không gian gia đình Hà Nội đón Tết Trung thu tại Ngôi Nhà Di sản 87 Mã Mây, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm.
Tết Trung thu đối với người Việt Nam là một dịp quan trọng, diễn ra vào ngày 15 của tháng 8 (Âm Lịch) và đã có từ ngàn năm nay, đây là thời gian mặt trăng tròn nhất, sáng nhất, cũng là thời gian thu hoạch xong mùa vụ và người dân bắt đầu tổ chức những lễ hội, mà tiêu biểu trong đó là lễ hội trăng rằm.
Trong dịp này, các gia đình cùng quây quần, vui vẻ sau thời gian lao động vất vả. Tục phá cỗ, trông trăng cũng thể hiện sự quan tâm chăm sóc, giáo dục trẻ em cả vật chất lẫn tinh thần một cách cụ thể, tinh tế, sinh động và độc đáo của người Việt Nam. Mâm cỗ đêm rằm Trung thu không chỉ để ăn, mâm cỗ này cho mắt ngắm, tai nghe, mũi ngửi. Ta thấy hồn trăng soi vào chiếc bánh nướng, bánh dẻo, nhìn thấy ánh mắt trẻ thơ tràn đầy trong những đồ chơi kỳ thú. Bởi lẽ đó, Tết trung thu còn là tết dành cho trẻ em, là dịp các em được vui chơi thỏa thích, được thỏa trí tưởng tượng và sáng tạo của bản thân trong các món đồ chơi đa dạng và giàu ý nghĩa.
Giới thiệu cách làm đồ chơi truyền thống tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội - 50 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm
Ông cha ta quan niệm trò chơi và đồ chơi không đơn thuần để giải trí mà còn là công cụ giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ. Những món đồ chơi trung thu truyền thống Việt Nam như ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đèn ông sao, tàu thủy sắt tây, con giống bột … là lời nhắn nhủ, gửi gắm mong muốn của cha ông với thế hệ trẻ về tinh thần hiếu học, khuyến khích sự học, sự sáng tạo.
Hàng năm, Ban quản lý phố cổ Hà Nội đều phối hợp với các nghệ nhân, thợ thủ công tới từ các làng nghề lân cận Hà Nội tham gia trưng bày, giới thiệu và hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống tại khu phố cổ nhân dịp Tết Trung thu.
Năm nay, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội tiếp tục phối hợp với các nghệ nhân và thợ thủ công giới thiệu cách làm đồ chơi truyền thống: Đèn Ông sao, Ông Tiến sĩ, Ông đánh gậy; Mặt nạ giấy bồi; Con phỗng đất; Con giống bột; Diều giấy…
Trang trí, Sắp đặt không gian giới thiệu về Tết Trung thu truyền thống tại Đình Kim Ngân – 42, 44 Hàng Bạc, phường Hàng Bạc và Trung tâm Thông tin Di sản – 28 Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm.
An An