- Ban Quản lý vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) vừa có đề xuất tăng mức thu phí tham quan vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, nhưng chỉ cho các ý kiến đóng góp đồng ý hoặc không đồng ý đến hết 16h30 ngày hôm nay 25/10. Đáng nói, đề xuất này mới chỉ được đưa ra vào ngày 22/10!
Ngày 22/10, Ban quản lý vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã ban hành công văn số 934 về việc xin ý kiến cho dự thảo Đề án điều chỉnh tăng mức thu phí tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long (lần 2).
Ngày 24/10/2019, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, dịch vụ du lịch nhận được văn bản về việc xin ý kiến cho dự thảo Đề án điều chỉnh tăng mức thu phí tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long do Ban quản lý vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) gửi.
Văn bản này yêu cầu các ý kiến tham gia bằng văn bản đề nghị ghi rõ nhất trí hoặc không nhất trí hoặc có ý kiến khác gửi về Ban quản lý chậm nhất đến 16h30 ngày 25/10/2019. Tính đến giờ đó, nếu các đơn vị không có ý kiến tham gia bằng văn bản gửi về Ban quản lý coi như đã đồng ý với dự thảo Đề án. Tức là từ lúc văn bản tới tay doanh nghiệp đến khi hết thời hạn góp ý, doanh nghiệp có hơn 1 ngày để… nghiên cứu!
Theo đó, phí tham quan tuyến 1: Cảng Tàu - Công viên Vạn Cảnh (Thiên Cung, Đầu Gỗ, hòn Chó Đá, Hang Ba Hang, hòn Đỉnh Hương, hòn Trống Mái - Gà Chọi), tăng 300.000 đồng (mức thu hiện tại là 250.000 đồng).
Tuyến 2: Cảng Tàu - Công viên các hang động (bãi tắm Soi Sim, Ti Tốp, hang Sửng Sốt, động Mê Cung, hang Bồ Nâu, hang Luồn, hang Trống, hang Trinh Nữ, hồ Động Tiên), tăng 300.000 đồng (mức thu hiện tại là 250.000 đồng).
Tuyến 3: Cảng Tàu - Trung tâm văn hóa biển (Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn, hang Tiên Ông, hồ Ba Dầm, đền Bà Men, Áng Dù), tăng từ 200.000 đồng lên 250.000 đồng.
Tuyến 4: Càng Tàu - Trung tâm giải trí biển (hang Cỏ, hang Thầy, Cống Đỏ, hang Cạp La, Vông Viêng, Khu sinh thái Tùng Áng - Cống Đỏ, công viên Hòn Xếp) và tuyến 5 (hòn Chó Đá, hang Ba Hang, hòn Đỉnh Hương, hòn Trống Mái, bến Gia Luận - Cát Bà, Hải Phòng) tăng từ 200.000 đồng lên 250.000 đồng.
Đối với phí các tuyến cho du khách ngủ đêm trên vịnh: lưu trú 1 đêm, tham quan tuyến 1,2,3,4 tăng từ 950.000 đồng lên 1,5 triệu đồng/người; lưu trú 2 đêm và tham quan tuyến 1,2,3,4 tăng từ 1,05 triệu đồng lên 1,7 triệu đồng/người.
Có thể thấy mức phí tham quan ban ngày (tàu rời bến tham quan từ 6h30 - 16h30 cập bến) có mức tăng trung bình 22% (tỉ lệ tăng so với năm 2019); mức phí tham quan, lưu trú nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long (thời gian lưu trú tối đa 1 đêm là 24 tiếng, thời gian lưu trú tối đa 2 đêm là 48 tiếng kể từ thời điểm xuất bến) có mức tăng trung bình là 63% so với giá hiện nay.
Về nguyên nhân tăng giá này, văn bản 934 của Ban quản lý vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) ghi rõ để nhằm đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm ngày càng cao của du khách; phục vụ cho việc xây dựng phương án giãn tuyến, phân tải khách tại các tuyến điểm cho khoa học, hợp lý, đảm bảo môi trường...
Dự kiến, mức điều chỉnh này sẽ được áp dụng chính thức từ tháng 01/2020.
Liên quan đến việc điều chỉnh tăng giá tham quan vịnh Hạ Long của Ban quản lý vịnh lần này, nhiều doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch tại đây tỏ ra rất bất ngờ và lo lắng bởi mức điều chỉnh này "quá cao". Không ít chủ tàu e ngại với mức phí cao tới cả triệu đồng như vậy thì du khách sẽ phải đưa ra những phép tính so sánh và lựa chọn khi tham quan.
Đại diện một doanh nghiệp lữ hành cho biết, hiện nay nhiều công ty đã báo giá hết năm 2021 cho đối tác trong nước và nước ngoài rồi. Doanh nghiệp đứng ngồi không yên vì lo sợ uy tín, công việc kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Hình ảnh điểm đến của Việt Nam cũng sẽ ảnh hưởng vì kiểu quản lý như thế này.
Trao đổi với VnMedia, chị Trúc Dân, một du khách cho biết: Vịnh Hạ Long là một thắng cảnh nổi tiếng không chỉ với người dân Việt Nam mà cả quốc tế, vì thế tôi cũng rất muốn được ghé thăm thắng cảnh nổi tiếng này. Nhưng, mới mức giá mới mà báo chí vừa phản ánh, tôi cũng sẽ cân nhắc có nên đi thăm hay không. Bởi, đi du lịch không chỉ có một mình, "nếu cả nhà 4 đến 6 người đi thăm Vịnh, sẽ phát sinh thêm từ 2 đến 3 triệu đồng, còn chi phí phát sinh như ăn uống, nước giải khát trong quá trình thăm quan, đấy thực sự là việc phải tính toán lại", chị Trúc Dân nói.
Trao đổi với báo chí, ông Đào Mạnh Lượng - Chi hội trưởng Chi hội Tàu du lịch Hạ Long cho biết hiện đang tiến hành họp các DN nên chưa thể trả lời ngay. Kết quả sẽ thông tin cho báo chí sớm nhất.
Đây không phải là lần đầu tiên Ban quản lý vịnh Hạ Long đưa ra đề xuất tăng phí thăm quan thắng cảnh nổi tiếng này. Trong lần đề nghị tăng phí trước, năm 2018, trao đổi với báo chí, ông Hồ Quang Huy - Phó Chủ tịch UBND TP.Hạ Long cho biết, việc tăng phí này dựa theo lộ trình và căn cứ thực tế mức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh vịnh so với một số di sản thế giới cũng như các nước trong khu vực. Việc tăng mức phí này dự kiến tác động không nhiều đến đối tượng khách du lịch tham quan vịnh vào ban ngày do mức điều chỉnh chỉ tăng từ 20% đến 25%.
Số tiền phí thu về được trích lại 11% cho Ban Quản lý vịnh Hạ Long thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, 89% số tiền còn lại sẽ giao cho UBND TP thực hiện các mục tiêu phát triển vịnh.
Trước đề xuất này, nhiều doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Hạ Long cho rằng, phí tham quan ban ngày 300.000 đồng/người/tuyến sẽ là mức phí cao nhất so với các điểm di sản, di tích ở Việt Nam. Nếu nhìn vào việc điểm đến này liên tục tăng phí trong mấy năm qua thì đề xuất điều chỉnh lần này chính là tận thu. Mức phí tham quan nghỉ đêm từ 900.000 đồng, trong khi chi phí một đêm ở khách sạn 4 sao chỉ khoảng 600.000 đồng là chưa hợp lý. Nếu tính cả chi phí ăn uống, thuê tàu…, giá tour cho một du khách tham quan vịnh Hạ Long có thể lên tới 2-3 triệu đồng/người. Mức này là quá cao so với mặt bằng chung và khiến những du khách ít tiền không có cơ hội tham quan vịnh, trong khi đây là di sản thiên nhiên. Ở Campuchia, các di sản nổi tiếng như Angkor, người dân địa phương được miễn phí tham quan.
Nhật Lâm