Du lịch trực tuyến: Xu hướng mới của thời đại công nghệ

11:17, 08/07/2017
|

(VnMedia)- Việt Nam chưa thực sự chủ động triển khai du lịch trực tuyến. Du lịch trực tuyến chưa đồng hành xứng tầm với Vẻ đẹp bất tận của đất nước chúng ta. Trong khi ở phạm vi rộng hơn, du lịch trực tuyến đang tạo ra cơ hội mới giúp du lịch có bước phát triển đột phá.

Du lịch trực tuyến: Thị trường hấp dẫn

Theo thống kê, doanh số du lịch trực tuyến toàn cầu năm 2016 tăng 14% và đạt khoảng 565 tỷ USD. Thị trường châu Á – Thái Bình Dương và châu Mỹ La tinh góp phần chủ yếu cho sự tăng trưởng này. Thị trường Bắc Mỹ vẫn là thị trường du lịch trực tuyến lớn nhất năm, nhưng từ năm 2017, châu Á – Thái Bình Dương sẽ chiếm ngôi đầu (sớm hơn một năm so với dự báo trước đó). Theo đánh giá, thị trường du lịch trực tuyến phát triển khá mạnh và là thị trường đầy hấp dẫn. Có 76% tỉ lệ khách du lịch quốc tế sử dụng công cụ trực tuyến để hỗ trợ cho việc đặt dịch vụ du lịch.

Tổ chức Du lịch Thế giới nhận định cuộc cách mạng công nghệ và mạng xã hội là yếu tố quan trọng tạo nên sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch trong những năm gần đây. Sự gia tăng mạnh của tầng lớp khách lẻ (free and independent traveler –FIT) sử dụng dịch vụ của các đại lý du lịch trực tuyến (online travel agents – OTAs) đã thay đổi đáng kể thị trường du lịch. Tại khu vực Đông Nam Á, Google dự đoán quy mô của du lịch trực tuyến sẽ tăng mạnh từ 22 tỷ USD năm 2015 lên 90 tỷ USD vào năm 2025.

34% du khách Việt sử dụng internet để book dịch vụ du lịch

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng năm 2017 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6 triệu lượt khách, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016. Mới đây Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đánh giá du lịch nước ta đạt mức tăng trưởng vào loại cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, năm 2016 Việt Nam chỉ đứng thứ 5 trong các nước ASEAN về số lượng khách quốc tế với hơn 10 triệu lượt và chỉ bằng một phần ba so với Thái Lan.

Đầu năm 2017 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết đặt ra mục tiêu tới năm 2020 du lịch cơ bản là ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm du lịch có chất lượng cao; thu hút 17-20 triệu lượt khách quốc tế; 82 triệu lượt khách nội địa; đóng góp 10% GDP; tổng thu 35 tỷ USD với 20 tỷ USD xuất khẩu, tạo 1,6 triệu việc làm trực tiếp; Tới năm 2030 du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và đứng hàng đầu trong các nước ASEAN. Trong tháng 6 vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Du lịch sửa đổi, tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho phát triển ngành du lịch trong giai đoạn tới. Trong Luật sửa đổi này đã có điều khoản giao nhiệm vụ cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch quy định cụ thể giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.

Mới đây, Bộ VHTT&DL đã đề xuất Chính phủ các giải pháp để đạt mức tăng trưởng 30% trong năm 2017, phấn đấu đưa du lịch nước ta trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch và mở rộng danh sách các nước được thí điểm áp dụng cấp thị thực điện tử (e-visa).

Hai giải pháp trên đều gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Ở phạm vi rộng hơn, du lịch trực tuyến đang tạo ra cơ hội mới giúp du lịch có bước phát triển đột phá.

Tuy nhiên, dường như Việt Nam chưa thực sự chủ động triển khai du lịch trực tuyến. Du lịch trực tuyến chưa đồng hành xứng tầm với Vẻ đẹp bất tận của đất nước chúng ta. Tại Việt Nam, tỷ lệ khách du lịch sử dụng internet để đặt các dịch vụ du lịch mới chiếm 34% trong đó chủ yếu vẫn là hình thức book dịch vụ trực tiếp với nhà cung cấp. 

Bên cạnh đó thị phần du lịch trực tuyến trong nước đang nghiêng về các doanh nghiệp du lịch nước ngoài. Sự thống trị của các đại lý du lịch trực tuyến (OTAs) nước ngoài đã có những tác động tích cực đối với du lịch nước ta, đặc biệt trong việc thu hút du khách quốc tế. Tuy nhiên, các OTA nội có thể cạnh tranh được với các OTA ngoại không? Nếu không, những hậu quả nào có thể xảy ra? Nhà nước và các tổ chức xã hội nghề nghiệp cần hỗ trợ như thế nào cho các OTA nội trong bối cảnh không vi phạm các cam kết kinh tế quốc tế? Đại diện của nhiều OTA cùng các bên liên quan sẽ cùng nhau vẽ lên bức tranh OTA với ngành du lịch trong giai đoạn tới.

Các dịch vụ du lịch trực tuyến các công ty nước ngoài đang khai thác tốt tại thị trường Việt Nam

Các dịch vụ du lịch trực tuyến các công ty nước ngoài đang khai thác tốt tại thị trường Việt Nam

Theo báo cáo của Nielsen tại "Ngày Du lịch trực tuyến" được tổ chức mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, cách thức tiếp cận trực tuyến sẽ ngày càng quan trọng với ngành du lịch. 

Xu hướng tìm kiếm trực tuyến trong 3 tháng tới, du lịch đều ở vị trí được quan tâm

Xu hướng tìm kiếm trực tuyến trong 3 tháng tới, du lịch đều ở vị trí được quan tâm

Chính vì vậy việc đẩy mạnh hình thức du lịch trực tuyến này là xu hướng tất yếu tại Việt Nam trong thời gian tới đây. Trong Luật Du lịch mới được Quốc hội thông qua vào tháng 6 vừa qua cũng dành phần để hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực du lịch. Tổng cục Du lịch cũng đang đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Thông tin riêng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực du lịch.

Lam Nguyên


Ý kiến bạn đọc