Lãnh đạo Đà Nẵng công bố quan điểm về bảo tồn và phát triển ở Sơn Trà

19:49, 27/06/2017
|

Sáng 27/6, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chủ trì cuộc họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2017. Và đúng như dự đoán, Sơn Trà đã trở thành vấn đề được đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí trên địa bàn quan tâm nhất!

Quan điểm của lãnh đạo TP Đà Nẵng như thế nào?

Tại đây, ông Huỳnh Đức Thơ đã lần đầu tiên chính thức công bố quan điểm của lãnh đạo TP Đà Nẵng về việc xử lý các vấn đề đang nổi cộm ở Sơn Trà mà ông cho rằng “có lẽ nhiều nhà báo cũng chờ đợi quan điểm của TP”. Theo ông, sau khi xảy ra vụ việc xây dựng trái phép ở Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa và có văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì lãnh đạo TP Đà Nẵng đã chủ động đề xuất kết hợp việc xử lý với rà soát quy hoạch du lịch ở bán đảo Sơn Trà.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chính thức công bố quan điểm của lãnh đạo TP Đà Nẵng trong việc xử lý các vấn đề ở bán đảo Sơn Trà... (Ảnh: HC)
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chính thức công bố quan điểm của lãnh đạo TP Đà Nẵng trong việc xử lý các vấn đề ở bán đảo Sơn Trà... (Ảnh: HC)

“Quan điểm của TP Đà Nẵng, đã được chúng tôi báo cáo với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy, là phải đi tìm sự cân bằng hợp lý và tích cực giữa bảo tồn những giá trị sinh thái, môi trường, cảnh quan thiên nhiên… thế nào đó để hài hòa hợp lý nhất với khả năng có thể khai thác được bán đảo Sơn Trà phục vụ cho phát triển KT-XH. Giống như giải một phương trình mà phát triển nhân với hệ số X nào đó để cân bằng được với bảo tồn. Vấn đề hiện nay là đi tìm hệ số X đó, hay nói khác hơn là đi tìm mức độ phát triển như thế nào cho phù hợp!” – ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Theo ông Huỳnh Đức Thơ, hiện dư luận có nhiều luồng ý kiến. Có ý kiến đề nghị giữ nguyên hiện trạng ở Sơn Trà nhưng chưa rõ “giữ nguyên hiện trạng” là giữ nguyên như thế nào. Hiện nay, ngoài khu du lịch Intercont đã hoạt động thì có một số dự án khác đang xây dựng dở dang. Giữ nguyện hiện trạng với các dự án đang dở dang đó thế nào? Có phải vẫn để tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh? Luồng ý kiến thứ hai là tối đa hóa việc bảo tồn và giảm tối thiểu việc phát triển. Và luồng ý kiến thứ ba là cân bằng cho phù hợp.

Ông cho hay, thực trạng hiện nay trên bán đảo Sơn Trà – với 25 dự án đã được cấp phép từ nhiều năm trước, trong đó có 18 dự án có lưu trú du lịch, là một yếu tố cần phải xem xét. Tổng diện tích đất giao, đất thuê và giao để quản lý khoảng 1.400ha. Gồm đất giao (trả tiền đất) chỉ 77ha; đất thuê 800ha; đất giao để trồng rừng hơn 500ha. Hầu hết các dự án này đã hoàn thành thủ tục đất đai. Phần đất giao đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và đã lấy sổ đỏ từ 5 – 7 năm trước. Đất thuê cũng đã ký hợp đồng thuê từ lâu. Riêng đất giao để quản lý trồng rừng không thu tiền sử dụng đất là đất của TP chứ không phải của các nhà đầu tư.

Ông Huỳnh Đức Thơ nói: “Như vậy phần đất giao và thuê khoảng hơn 870ha. Một số dự án đã triển khai, một số đang triển khai, một số chưa triển khai. Nếu ngay từ đầu không có những dự án này thì việc giải bài toán Sơn Trà không phải quá khó, nhưng bây giờ phải xử lý các dự án hiện hữu như vậy thì không phải muốn là được ngay mà phải là quá trình rà soát, cân nhắc thật kỹ rồi chọn lựa ra một điểm cân bằng như thế nào đó phù hợp theo hướng tích cực nhất!”.

Giải bài toán đang đặt ra không hề đơn giản

Ông Huỳnh Đức Thơ cũng nêu rõ: “Trong quá trình thảo luận và càng về sau thì nhận thức của chúng tôi càng nghiêng về phía tăng cường cho việc bảo tồn, giữ gìn hệ sinh thái. Tất nhiên cũng phải tính toán cho phù hợp với mức độ khai thác phát triển hợp lý. Nhiều quan điểm của cộng đồng mạng, báo chí ủng hộ quyết liệt việc bảo tồn, giữ nguyên trạng thì trong đó cũng bao gồm cả nội hàm làm thế nào khai thác bán đảo Sơn Trà như khai thác du lịch sinh thái, tham quan… mà không ở, không nghỉ dưỡng, không làm những khách sạn nhiều tầng ở đó!”.

Ông cho hay, hiện việc rà soát ở Sơn Trà đang được tiến hành khẩn trương nhưng vấn đề không hề đơn giản. Do lẽ, rà soát rồi thì còn phải tính đến việc giải bài toán đặt ra như thế nào. Khi giao đất trước đây thì còn hoang hóa, đất rất rẻ nhưng bây giờ thì hết sức đắt đỏ. Nếu tính toán thu hồi thì phải hỗ trợ, bồi thường, bố trí lại… Đây là vấn đề rất nan giải với số lượng đất đai lên tới gần 900ha, đặt biệt là quy ra tiền.

“Chúng tôi nhẩm tính quỹ đất TP ở đâu ra để bố trí lại cho người ta. Tính nát óc với hàng trăm ha như thế, mà phải tìm những khu vực đắc địa. Chưa kể còn phải đụng đến giải phóng mặt bằng để bố trí lại cho các dự án đó, hoặc phải bồi thường theo giá thị trường. Việc này chúng tôi sẽ rà soát lại, sẽ tính toán. Trong quá trình đó, chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến qua các cuộc hội thảo, sẽ hợp tác với Hiệp hội Du lịch, giới chuyên gia, các nhà chuyên môn để giải bài toán về sự phát triển như thế nào mà không xung đột với môi trường, vẫn bảo vệ và tôn tạo được những giá trị về môi trường, cảnh quan tự nhiên, sinh thái của Sơn Trà.

Tại cuộc họp báo sáng 27/6 (Ảnh: HC)
Tại cuộc họp báo sáng 27/6 (Ảnh: HC)

Tôi cho rằng chúng ta nên bày tỏ quan điểm về Sơn Trà theo một tinh thần rất khoa học, cầu thị và tích cực. Chúng tôi cam đoan sẽ không để cho những yêu tố kinh tế lấn át đi, làm phương hại đến những giá trị tự nhiên của môi trường, cảnh quan đặc sắc của bán đảo Sơn Trà. Đảng bộ, chính quyền TP Đà Nẵng nhận thức rất rõ, hiểu rất rõ tầm quan trọng của bán đảo Sơn Trà. Tuy nhiên khi tiến hành xử lý những vụ việc cụ thể đang đặt ra thì cần có thời gian để giải bài toán nhằm tìm lối ra.

Ví dụ hôm nay chúng tôi dừng lại dự án của người ta một thời gian thì chúng tôi sẽ phải đối mặt với việc bị kiện tụng. Bởi vì người ta đã bỏ hàng ngàn tỉ vào dự án thì người ta phải triển khai. Còn không cho triển khai thì chính quyền phải trả lời, phải giải quyết thiệt hại của họ. Nghĩa là đụng đến những vấn đề pháp lý chứ không phải đơn giản như chuyện nhà của mình, muốn là được. Chúng tôi phải cân đối, phải tính toán để giải quyết!” - ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Chắc chắn sẽ đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo cán bộ, nhân dân

Theo ông Huỳnh Đức Thơ, sau khi rà soát, UBND TP Đà Nẵng sẽ báo cáo các phương án trong tập thể Ban Thường vụ Thành ủy. Có thể có nhiều phương án, mỗi phương án như vậy đều có mặt lợi, mặt hại, mặt tích cực và mặt ảnh hưởng, được cái này, mất cái khác… nhằm thảo luận cho rốt ráo. Từ đó có kết luận của tập thể lãnh đạo cao nhất của TP Đà Nẵng, nêu rõ những đề xuất, kiến nghị cụ thể trên tinh thần ủng hộ việc gìn giữ, bảo tồn bán đảo ở một cách thức thật hợp lý, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo mọi người.

“Chắc chắn chúng tôi sẽ làm được việc đó. Trên con đường tiến tới chỗ đó, chúng tôi phải giải quyết rất nhiều vấn đề như đã nói ở trên nên cần có thời gian. Về phía doanh nghiệp thì người ta cũng bức xúc vì đã vay ngân hàng rồi nên cần phải triển khai dự án. Chúng tôi phải đối diện với những việc đó và giải quyết cái gì cũng phải vừa có lý, vừa có tình để vừa hài hòa đối với doanh nghiệp, vừa bảo vệ được những mục tiêu ở Sơn Trà. Chỗ này cần có thái độ thích hợp, không nên quá cực đoan mà phải thật sự khoa học!” – ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.

Trong quá trình giải quyết những vấn đề đó, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết lãnh đạo Đà Nẵng sẽ luôn lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý có cơ sở khoa học để củng cố cho những chính sách sắp tới của TP nhằm giải quyết hiện trạng ở Sơn Trà theo hướng tích cực. Với thời gian Chính phủ cho phép là 3 tháng, tức tới ngày 30/8, hiện Đà Nẵng đang đợi Bộ VH-TT-DL phối hợp tổ chức một số hội thảo, mời các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành đóng góp những tiếng nói, những luận cứ kết hợp với việc rà soát thực tiễn trên địa bàn.

“Từ đó đưa ra phương hướng giải quyết phù hợp mà tôi hy vọng là sẽ đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo cán bộ, nhân dân cũng như của lãnh đạo Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến bán đảo Sơn Trà – ông Huỳnh Đức Thơ nói, và ông nhấn mạnh thêm - Chúng tôi không hề đứng trước một áp lực nào của doanh nghiệp về chuyện này, nếu có thì đó là mình phải xử lý những vấn đề khi rà soát và cắt giảm một số dự án, phải giải quyết việc bồi thường, hỗ trợ lại cho doanh nghiệp. Đó là áp lực lớn, chứ ngoài ra không có vấn đề gì!”.

Ông cho hay, con số cụ thể sẽ có sau khi rà soát nhưng ông tin rằng sẽ giảm hơn con số 1.600 phòng trong quy hoạch. Việc rà soát gồm có hai phần. Thứ nhất là rà soát quy hoạch, nếu có những điểm không phù hợp thì Đà Nẵng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để kiến nghị lại. Thứ hai là rà soát từng dự án cụ thể, đụng vấn đề đến đâu thì sẽ tìm cách tháo gỡ đến đó. Sau khi rà soát xong, UBND TP Đà Nẵng sẽ có báo cáo với tập thể Ban Thường vụ để có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo!

Theo Infonet


Ý kiến bạn đọc