Đại lý du lịch trực tuyến: Ai mạnh hơn ai?

08:31, 28/06/2017
|

(VnMedia) - Ngày 05/7/2017, lần đầu tiên “Ngày Du lịch trực tuyến” được tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh. Chủ đề "Đại lý du lịch trực tuyến: Ai mạnh hơn ai?" là một trong nhưng chủ đề “hot” của chương trình.

Ngành du lịch Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước phát triển khá nhanh và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới. Các công cụ trực tuyến đã tác động toàn diện và sâu sắc tới nhiều hoạt động du lịch, như quảng bá thương hiệu, tiếp thị, đặt chỗ…

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), chính sách lớn của Việt Nam là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Luật Du lịch sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2017 tạo cơ sở pháp lý tốt hơn cho kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, dường như Việt Nam chưa thực sự chủ động triển khai du lịch trực tuyến. Du lịch trực tuyến chưa đồng hành xứng tầm với Vẻ đẹp bất tận của đất nước chúng ta.

a
Ảnh minh họa

Ngày 05/7/2017, lần đầu tiên “Ngày Du lịch trực tuyến” được tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh. Trong đó, mục tiêu của chương trình là thu hút sự quan tâm cao hơn từ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp tới du lịch trực tuyến, thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nghiệp du lịch với doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan như công nghệ thông tin, tiếp thị trực tuyến, thanh toán trực tuyến, bảo hiểm...

Cũng theo VECOM, Ngày Du lịch trực tuyến năm nay trao đổi về bốn chủ đề lớn. Chủ đề thứ nhất sẽ là Du lịch trực tuyến - xu hướng không thể đảo ngược. Lãnh đạo và chuyên gia hàng đầu từ Tổng cục Du lịch, Cục Thương mại điện tử, Nielsen, Google… sẽ đưa ra các dự báo, nhận định về xu hướng phát triển tất yếu của du lịch trực tuyến và những khía cạnh chính sách, pháp luật, cạnh tranh mà các bên liên quan cần nhận thức rõ.

Chủ đề thứ hai là Đại lý du lịch trực tuyến - ai mạnh hơn ai? Sự thống trị của các đại lý du lịch trực tuyến (OTAs) nước ngoài đã có những tác động tích cực đối với du lịch nước ta, đặc biệt trong việc thu hút du khách quốc tế. Tuy nhiên, các OTA nội có thể cạnh tranh được với các OTA ngoại không? Nếu không, những hâu quả nào có thể xảy ra? Nhà nước và các tổ chức xã hội nghề nghiệp cần hỗ trợ như thế nào cho các OTA nội trong bối cảnh không vi phạm các cam kết kinh tế quốc tế? Đại diện của nhiều OTA cùng các bên liên quan sẽ cùng nhau vẽ lên bức tranh OTA với ngành du lịch trong giai đoạn tới.

Hai chủ đề tiếp theo “Du lịch trực tuyến - khởi đầu từ doanh nghiệp” và “Phát triển du lịch trong thời đại số” trao đổi về tầm quan trọng của việc triển khai công nghệ thông tin và thương mại điện tử tại mỗi đơn vị kinh doanh du lịch, từ việc xây dựng và vận hành website, ứng dụng cho di động, triển khai các giải pháp, phần mềm chuyên ngành. Du lịch trực tuyến gắn chặt với chiến lược tiếp thị số, thanh toán điện tử, bảo hiểm trực tuyến cũng như các giải pháp bảo mật thông tin cá nhân, an toàn dữ liệu. Ảnh hưởng của mạng xã hội và kinh tế chia sẻ trong kinh doanh du lịch sẽ như thế nào trong vài năm tới? Các chuyên gia từ nhiều thương hiệu du lịch uy tín và những tên tuổi trực tuyến lớn như Facebook, Mắt Bão, Webmoney... sẽ mang tới nhiều thông tin hữu ích.

Ngày Du lịch trực tuyến 2017 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp với Tổng cục Du lịch và Cục Thương mại điện tử tổ chức. Thông tin về sự kiện và đăng ký tham dự tại đây: https://otd.vecom.vn/

Đinh Bách


Ý kiến bạn đọc