Đừng bỏ lỡ cơ hội check-in "Nét xưa" tại phố cổ Hà Nội

14:29, 18/11/2016
|

(VnMedia)- Vào tối nay, 18/11, không gian "Nét xưa" tái hiện cuộc sống cung đình xưa mới chính thức khai mạc, nhưng toàn bộ công tác chuẩn bị cho sự kiện này đã được hoàn tất và đến đây, bạn sẽ cảm nhận được một không gian sống động, không thể không check-in!

Tại điểm triển lãm ở Trung tâm giao lưu ăn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ), không gian sắp đặt triển lãm được bố trí ở khu vực ngoài trời và trong nhà. Với 1000 cái xa (hay còn gọi là “vay”) vàng óng - dụng cụ để quấn sợi quay tơ - được treo khắp phố Đào Duy Từ dài hơn 200m, tạo thành mái vòm độc đáo khiến không gian nơi đây toát lên vẻ lung linh, sống động.

Theo họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, người chịu trách nhiệm chính về không gian sắp đặt này, sự xuất hiện của cổng làng ở 2 đầu con phố “khóa lại, khép lại không gian” để tạo ra giới hạn, điểm nhấn và mang đến không khí náo nhiệt của hoạt động lao động, sản xuất ở làng dệt truyền thống nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa giàu bản sắc.

Những chiếc vay màu vàng vừa gợi nhớ vẻ thân thuộc, giản dị của làng quê, vừa mang màu vàng sang trọng của hoàng gia tạo sự kết nối với không gian trong nhà - nơi trưng bày những bộ trang phục cung đình do nghệ nhân nhân dân Vũ Giỏi phục chế trong gần 30 năm qua. Bên cạnh đó, ở mỗi đầu cổng làng sẽ đặt hai bức tượng thôn nữ cỡ lớn được các nghệ nhân làng Sơn Đồng chế tác. Tất cả nhằm khơi gợi lên không gian của làng nghề truyền thống Việt Nam.

Trong tòa nhà 50 Đào Duy Từ, ngoài việc dành chỗ để trưng bày các bộ trang phục áo dài dân tộc, không gian còn được trang trí bằng những bình vôi lớn, nhỏ tượng trưng cho sự sinh sôi, phát triển và 100 hạt gạo mô phỏng dài 50cm, làm bằng composite để gợi lên trong tâm trí người xem những điều đặc trưng thuộc về Việt Nam. Cùng với đó là những tấm màn che màu vàng quây lại với nhau tạo không gian triển lãm ước lệ theo lối cung đình.

Nỗ lực tạo ra chuỗi hoạt động văn hóa để tôn vinh di sản Việt Nam, ban tổ chức và những đơn vị, cá nhân phối hợp thực hiện muốn trưng bày những di sản văn hóa cũng như sản phẩm thể hiện tài nghệ của nghệ nhân trước công chúng. Việc tạo ra không gian mở khiến những di sản trở nên gần gũi hơn trong cuộc sống đời thường chứ không chỉ là những giá trị văn hóa lâu đời thường chỉ được nhắc đến trong lịch sử.

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức cho biết: “Trước đây, chúng ta chỉ được nhìn di sản văn hóa trong các bảo tàng. Việc tạo ra không gian trang trọng xứng tầm để nâng niu, tôn vinh di sản văn hóa và tạo ra sự kế thừa tiếp nối những di sản văn hóa của cha ông trong các sản phẩm thiết kế thời trang là cách tốt nhất để di sản tiếp tục “sống” trong đời sống đương đại”.

Và bạn nhớ, đừng bỏ qua cơ hội đến đây để thăm thú và check-in nhé. 

Những hình ảnh tại không gian ngoài và trong 50 Đào Duy Từ, Hà Nội:

Hình ảnh bên trong 50 Đào Duy Từ:

 

 

 

 

 

Và sắc màu lung linh ngoài phố:

 

 Nhật Lâm


Ý kiến bạn đọc