Tư duy đột phá - Cánh cửa mới cho phát triển du lịch

14:26, 28/10/2016
|

(VnMedia) - Để lội ngược dòng trong phát triển du lịch, 7 năm nay một tổ chức gồm nhiều nhà khoa học tâm huyết đã liên tục đưa vào thị trường du lịch những sản phẩm mang tính đột phá. Lối tư duy mới này đã khiến nhiều địa phương có những sản phẩm du lịch độc đáo.

Lạ lẫm những sản phẩm du lịch táo bạo

Tháng 3/2011, tại Hội An (Quảng Nam) diễn ra một hội thảo với nội dung khá lạ: “Biến Mưa, bão, lụt miền Trung thành sản phẩm du lịch”. Đây là dự án thay đổi tư duy ứng xử với biến đổi khí hậu do các nhà khoa học của Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững (STDe) nghiên cứu và trao tặng cho miền Trung.

Theo quan điểm của các nhà khoa học STDe, thay cho “trốn chạy” và “chống lại” các yếu tố thời tiết bất lợi, dự án đề xuất các giải pháp để du lịch có thể “sống chung” và tìm kiếm cơ hội từ chính những yếu tố bất lợi đó. Dự án hiện đang được một số doanh nghiệp du lịch ứng dụng triển khai tại T.P Huế và T.P Hội An.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngay sau thành công của dự án này, STDe tiếp tục "trình làng" du lịch một loạt dự án khác: Dự án “Mô hình khách sạn “Bóng đêm”- là mô hình khách sạn tiết kiệm năng lượng điện ở mức tối đa nhưng lại khai thác được nhiều giá trị và vẻ đẹp của bóng tối để giúp khách du lịch có những trải nghiệm hoàn toàn mới và tạo được doanh thu cho du lịch.

Dự án này được trao tặng giải thưởng cống hiến của cuộc thi “Ý tưởng Kinh tế Xanh 2011” và đã ký được hợp đồng chuyển giao công nghệ cho 3 doanh nghiệp tại Hội chợ Techmart Quốc tế 2013;  Dự án “Sản phẩm du lịch từ Rơm Đường Lâm”: Giúp người dân làng cổ Đường Lâm khai thác tận dụng rơm để làm ra nhiều sản phẩm du lịch khác nhau như: Nhà nghỉ bằng Rơm, đồ lưu niệm rơm, thời trang rơm,…Giảm thiểu được việc đốt rơm gây ô nhiễm môi trường và khai thác hiệu quả hơn các giá trị của cánh đồng. Hiện nay, dự án này đang được phối hợp với người dân Đường Lâm để triển khai vào thực tế, đi vào hoạt động trong tháng 4/2015.

Một sản phẩm du lịch khác cũng khá thú vị là dự án “Sản phẩm Du lịch từ gió Bạc Liêu”. Dự án này đã giúp cho nhà máy điện gió Bạc Liêu có một hướng phát triển mới để phát triển chuỗi sản phẩm du lịch từ Gió, tạo thêm nguồn thu nhập lớn từ việc khai thác “cánh đồng điện gió Bạc Liêu”... Dự án cũng được UBND tỉnh Bạc Liêu hết sức ủng hộ và đứng ra kết nối với các doanh nghiệp trong Tỉnh triển khai vào thực tế trong năm 2015.

Phát triển du lịch có cần tư duy đột phá?

Theo STDe, sau 7 năm đơn vị này đi vào hoạt động, với 15 bộ sản phẩm du lịch mang “tư duy đột phá”, được dư luận đánh giá cao về tính sáng tạo. Các hoạt động này vẫn bám sát sứ mệnh: "Thay đổi tư duy trong việc khai thác tài nguyên để tạo ra bước đột phá cho du lịch Việt Nam". STDe đã đầu tư trọng điểm cho các công trình nghiên cứu có “Tư duy đột phá”, giải quyết các thách thức lớn nhất của du lịch Việt Nam hiện nay như vấn đề cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu...

Hội thảo “ Tour du lịch Mùa lúa chin tại làng cổ Đường Lâm” tháng 9/2014
Hội thảo “Tour du lịch Mùa lúa chín tại làng cổ Đường Lâm” tháng 9/2014. Ảnh: STDe.
Trả lời cho câu hỏi có cần có tư duy đột phá trong phát triển du lịch ở Việt Nam, TS Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch của STDe nhấn mạnh, n hìn vào bức tranh thực trạng phát triển sản phẩm du lịch ở Việt Nam, nhiều chuyên gia du lịch đầu ngành có chung một đánh giá rằng: Tài nguyên du lịch của Việt Nam có nhiều thế mạnh nổi trội, nhưng sản phẩm du lịch của chúng ta lại khá nghèo nàn, thiếu tính đa dạng, độc đáo và không đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu đa dạng của khách du lịch.

Theo TS Nguyễn Thu Hạnh, so sánh với một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như : Singapore, Malaysia hay Thái Lan,… mặc dù tài nguyên sẵn có không nhiều, nhưng vì sao họ đã tạo ra nhiều đột phá trong phát triển sản phẩm du lịch…

"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này: từ khâu quản lý, hoạch định chiến lược và liên kết phát triển sản phẩm du lịch cho đến khâu triển khai vào thực tế,…cái khó từ tài chính, cái khó từ con người,…và trên hết là cái khó trong rào cản về TƯ DUY NHẬN THỨC", TS. Nguyễn Thu Hạnh nhấn mạnh.

Cũng theo vị Chủ tịch STDe, tư duy cũ, kinh nghiệm cũ, dù đã lạc hậu nhưng là cách nghĩ an toàn của số đông xã hội, đã khiến cho Việt Nam không có được con đường sáng tạo của riêng mình.

"Thế mạnh sẽ trở thành điểm yếu khi chúng ta không có tầm nhìn rộng và tri thức sâu sắc trong việc nhìn nhận và đánh giá giá trị của nguồn tài nguyên. Tư duy ăn sẵn với “nền kinh tế cơ bắp” dựa nhiều vào nhân công giá rẻ và nền kinh tế dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, với tầm nhìn ngắn hạn đã khiến cho các nguồn tài nguyên của Việt Nam nhanh chóng cạn kiệt.

Chúng ta đã phải chứng kiến vẻ đẹp của di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long đang biến mất từng ngày dưới bàn tay khai thác thô bạo của con người. Còn di sản văn hóa thì sao? Di tích, đền đài, lễ hội, làng cổ,... cũng sẽ mãi là vẻ đẹp tiềm ẩn nếu như chúng ta không biết cách để bảo tồn, tôn vinh và thổi hồn để di sản có thể “sống lại” và thích nghi với nhu cầu của thời đại...", TS. Nguyễn Thu Hạnh nói.

TS. Nguyễn Thu Hạnh cũng khẳng khái cho rằng, với hơn 3.000 km bờ biển, chúng ta đang sở hữu một kho báu tài nguyên dồi dào với nhiều bãi cát dài, đẹp và rất nhiều cảnh quan, di sản văn hóa có đẳng cấp quốc tế như: Hạ Long, Huế, Hội An,…những tài nguyên đó có khoảng mười giá trị thì chúng ta mới chỉ khai thác được khoảng hai, đến ba giá trị bề nổi thôi. Còn nhiều giá trị tiềm ẩn khác, đòi hỏi phải có góc nhìn toàn diện, sâu sắc và tinh tế hơn, mang nhiều tư duy khoa học hơn, chưa được chúng ta quan tâm đầu tư thích đáng…

Để đẩy mạnh được ngành kinh tế không khói này, TS. Nguyễn Thu Hạnh nhấn mạnh rằng, chúng ta cần đột phá trong tư duy, dù thay đổi nhận thức không phải là việc một sớm một chiều nhưng khi nhiều quan điểm mang tính đột phá được đưa ra, xã hội cũng sẽ có cái nhìn "thiện cảm" hơn với những sản phẩm du lịch phi truyền thống. "Đó sẽ là cơ hội để chúng ta phát triển", TS. Nguyễn Thu Hạnh nói.

Lam Nguyên


Ý kiến bạn đọc