Những điều ít biết về cuộc sống của võ sĩ Sumo

15:56, 23/09/2016
|

(VnMedia) - Nói tới Sumo, ai cũng biết đó là môn võ cổ truyền của Nhật Bản. Rất dễ để nhận ra các võ sĩ ở môn này do thể hình của họ đều thuộc hạng khổng lồ. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về các võ sĩ cũng như môn võ nổi tiếng này.

Thể hình khổng lồ của các võ sĩ Sumo
Thể hình khổng lồ của các võ sĩ Sumo

Không phải ai cũng có thể trở thành một võ sumo thực thụ. Cuộc tuyển chọn có rất nhiều những yêu cầu khắc nghiệt và trải qua một quá trình luyện tập gian khổ. Những yêu cầu để có thể trở thành sumo đó là đã tốt nghiệp trung học cơ sở, ít hơn 23 tuổi, cao trên 1m65 và nặng trên 56 kg.

Sau lượt kiểm tra sát hạch, những người có đủ tiêu chuẩn trở thành sumo sẽ bắt đầu được vào trường và thực hiện một chế độ huấn luyện nghiêm ngặt, ăn uống theo tiêu chuẩn để có thể tăng trọng lượng. Thời gian tập luyện mỗi ngày thường bắt đầu từ 5 giờ sáng với một cái bụng đói để giúp cho lượng trao đổi chất có thể tiết kiệm giảm xuống tối đa. 11 giờ trưa các võ sĩ bắt đầu nghỉ và dùng bữa sáng.

Sau khi ăn, các võ sĩ có thể làm việc cá nhân, nhưng hầu hết là ngủ để tích trữ năng lượng, tăng cân (cân nặng là một vấn đề quan trọng trong việc học tập làm sumo và có khả năng quyết định đến chiến thắng trong cuộc đấu). Quá trình “vỗ béo” các võ sĩ với chế độ ăn vô cùng gian khổ, nên bạn cũng đừng thấy ngạc nhiên nếu một võ sĩ sumo có thể ăn vài cân thịt và tới 10 bát cơm.

Kết thúc các khóa đào tạo, họ trở thành các võ sĩ sumo và lần lượt được xếp vào các cấp bậc khác nhau trong giới, tùy theo năng lực, thành tích và kinh nghiệm thi đấu. Cụ thể gồm 6 cấp: Yokozuna, Ozeki, Sekiwate, Komusubi, Maegashira và Jyuryo.

Các võ sĩ thường ăn rất nhiều
Các võ sĩ thường ăn rất nhiều

Theo onetour, mỗi cấp bậc của võ sĩ sumo lại có các quy định riêng về kiểu búi tóc và trang phục. Các đẳng cấp võ sĩ sẽ không mặc lẫn lộn các kiểu trang phục để tỏ lòng tôn trọng những đối thủ của mình.

Hình thức thi đấu môn sumo khá đơn giản, trên một võ đài đất nện có một vòng tròn đường kính 4,55m, người thắng cuộc chỉ cần đẩy đối thủ ra khỏi vòng hoặc đánh ngã ngửa đối phương. Các miếng đánh gồm vật, vỗ, kéo, xô, khóa và các đòn theo kiểu nhu đạo, không được sử dụng các đòn đấm, đá và cắn.

Khi bắt đầu trận đấu sẽ có nghi lễ nhập đài, nhiều giai đoạn khác nhau như lễ giậm chân, lễ khởi động, lễ tẩy uế Shinto. Hai đấu sĩ tiến về góc đài, bốc một nắm muối ném vào sàn đấu, rồi cúi xuống nhìn nhau trừng trừng. Phong cách riêng và uy lực của từng võ sĩ được thể hiện rõ nét ngay từ cái nhìn đầu tiên này. Sau khi lễ Shinto kết thúc, hai võ sĩ dùng hết sức mạnh lao vào nhau với cú đầu tiên gọi là Tachi-Ai. Một trận thi đấu sumo diễn ra rất nhanh nhưng kịch liệt, thường không quá 1 phút.

Nghi thức trước khi diễn ra trận đấu sumo
Nghi thức trước khi diễn ra trận đấu sumo

Các nhà thi đấu quốc gia hàng năm thường tổ chức giải đấu vào tháng 1 và tháng 5. Các giải đấu thường thu hút rất nhiều khán giả khắp nơi trên thế giới. Những thời điểm này, lượng khách du lịch có thể lên tới con số hàng triệu người.

Hiện nay, có rất nhiều võ sĩ sumo đến từ các nước khác như Mông Cổ, Bulgaria… nhưng sumo vẫn là nét văn hóa truyền thống, một nghi lễ tôn giáo trong nền văn hóa Nhật Bản.

Cuộc sống của một sumo thường khá đơn giản. Một võ sĩ sumo thường không phải lo lắng về chuyện tiền bạc vì đây là một trong những nghề nghiệp có mức lương khá cao. Nhưng sumo lại không phải là một nghề lâu dài, qua những thời điểm của đỉnh cao phong độ thì nhiều võ sĩ sẽ chuyển sang buôn bán hoặc rút về sân sau để làm những huấn luyện viên hỗ trợ.

Minh Quang (Travel)


Ý kiến bạn đọc