- Phát biểu thảo luận tại nghị trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) cho rằng, các doanh nghiệp công nghệ, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam chưa dám dấn thân, chạy hết tốc độ do thiếu hành lang và những bảo đảm an toàn pháp lý cần thiết..
Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Thành Công, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp mới dựa trên các công nghệ tiên tiến, như trí tuệ nhân tạo, robot thông minh, internet vạn vật IOT. Tốc độ phát triển của những đột phá trong công nghệ là không có tiền lệ trong lịch sử.
“Nếu như trước đây, để đạt được con số 50 triệu người sử dụng điện thoại cần 75 năm, radio gần 38 năm, tivi cần 13 năm thì gần đây Internet chỉ cần 4 năm và Facebook chỉ cần hơn 3 năm” – ĐB tỉnh Ninh Bình dẫn chứng.
Theo ĐB Nguyễn Thành Công, những đột phá công nghệ diễn ra trong nhiều lĩnh vực kể trên với tốc độ rất nhanh và tương tác thúc đẩy nhau, đang tạo ra một thế giới được số hóa, tự động hóa ngày càng trở nên hiệu quả và thông minh hơn. Việc ứng dụng các công nghệ mới không chỉ làm thay đổi lối sống, sinh hoạt của người dân, cách thức đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp công nghệ mà cả cách thức quản trị quốc gia của nhà nước.
Cách mạng công nghiệp cũng tác động tới nhiều lĩnh vực pháp luật, như sở hữu quyền tài sản, sở hữu trí tuệ, tài chính, ngân hàng, bảo hộ dữ liệu cá nhân, an sinh xã hội, chính phủ số, quản trị công, chứng cứ số, tố tụng trực tuyến…
Đáng chý ý, theo ĐB Nguyễn Thành Công, việc xuất hiện các loại tài sản mã hóa, các phương tiện thanh toán mới, việc xuất hiện các dạng tranh chấp, vi phạm pháp luật và tội phạm mới trên môi trường số làm phát sinh nhu cầu điều chỉnh pháp luật mới mà hệ thống pháp luật truyền thống chưa dự liệu hết.
“Trong khi việc ứng dụng các công nghệ mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy nhanh quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và Chính phủ số, xây dựng thành phố thông minh, thì đồng thời cũng đòi hỏi một nền tảng pháp lý thích hợp để triển khai mô hình này” – ĐB Nguyễn Thành Công nhấn mạnh.
Theo ĐB Công, việc ứng dụng các thành tựu công nghệ mới cũng tác động trực tiếp tới cách thức xây dựng và thực thi pháp luật, đòi hỏi việc xây dựng, thực thi và phản ứng chính sách phải nhanh chóng và kịp thời.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thành Công nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp công nghệ, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, các chuyên gia Việt Nam hoàn toàn có thực lực và sức mạnh để cạnh tranh trong nền kinh tế mới nhưng chưa dám dấn thân, sáng tạo hết mình, chưa dám chạy hết tốc độ do thiếu hành lang và những bảo đảm an toàn pháp lý cần thiết hoặc do những hạn chế, bất cập trong chính sách pháp luật hiện hành bao gồm cả thực thi pháp luật chưa hiệu quả, đồng bộ và nhạy bén”.
Ông Nguyễn Thành Công dẫn chứng: Có hiện tượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo không đăng ký hoạt động ở Việt Nam mà chuyển sang các quốc gia khác đăng ký hoạt động do những lo ngại về an toàn pháp lý.
Cho rằng khung khổ pháp lý, nhất là các đạo luật và văn bản quy phạm pháp luật thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư mạo hiểm, quản lý tài sản kỹ thuật số, huy động vốn, cộng đồng kinh tế chia sẻ, bảo hộ dữ liệu cá nhân, chia sẻ và kết nối các cơ sở dữ liệu vẫn chưa được quan tâm, ban hành đầy đủ…, ĐB Nguyễn Thành Công đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm sớm có kế hoạch cụ thể để hoàn thiện thể chế, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Hằng (đoàn Bắc Ninh) cũng cho rằng việc thiếu quy định, quy chuẩn trong việc thực hiện thành phố thông minh đang gây khó cho các địa phương.
Theo bà Hằng, Thủ tướng đã ban hành Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030. Tỉnh Bắc Ninh cũng đã triển khai 8 dự án trọng điểm về thành phố thông minh như dự án trung tâm dữ liệu thành phố thông minh mạng Wan nội tỉnh kết nối giữa 162 cơ quan, đơn vị với Trung tâm dữ liệu thành phố thông minh, hệ thống camera giám sát trên địa bàn thành phố...
Tuy nhiên, thách thức hiện nay là chưa có hệ thống tiêu chuẩn đầy đủ, hay tiêu chí cho mô hình thành phố thông minh; Quy định quy trình về đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước hiện còn chồng chéo, có nhiều vướng mắc, nhất là đầu tư công; Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; Nhiều nội dung mới chưa có quy định nên việc tư vấn thẩm định về mô hình thành phố thông minh của các Bộ đối với tỉnh cũng vẫn còn lúng túng…
ĐB Trần Thị Hằng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng và ban hành các quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn các cơ chế, chính sách về đô thị thông minh về mô hình thành phố thông minh; Sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho phát triển công nghệ thông tin.