Trung Quốc liên tiếp xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa

06:36, 29/10/2015
|

(VnMedia) - Việc cái gọi là ‘chính quyền thành phố Tam Sa’ tuyên bố hoàn thành xây dựng hai ngọn hải đăng ở các đảo, đá thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tiếp tục là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam của phía Trung Quốc.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình

 

Hôm nay (28/10), trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tuyên bố hoàn thành hai ngọn hải đăng trên đảo Duy Mộng và đá Hải Sâm thuộc cụm Lưỡi Liềm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Chúng tôi đã nhiều lần bác bỏ cái gọi là ‘thành phố Tam Sa’. Việc cái gọi là ‘chính quyền thành phố Tam Sa’ tuyên bố đã hoàn thành việc xây dựng hai ngọn hải đăng ở các đảo, đá thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tiếp tục là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm gia tăng căng thẳng, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định ở khu vực. Dù dưới bất kỳ hình thức nào hay mục đích gì, những hoạt động của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đều không có giá trị.

Một lần nữa, chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ DOC và chấm dứt ngay các hoạt động sai trái nêu trên”.

Việc Trung Quốc tuyên bố hoàn thành hai ngọn hải đăng trên đảo Duy Mộng và đá Hải Sâm thuộc cụm Lưỡi Liềm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam diễn ra đúng nửa tháng sau khi Trung Quốc khánh thành 2 ngọn hải đăng tại đá Châu Viên và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Hôm 13/10, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cũng đã lên tiếng bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa của phía Trung Quốc. Ông Hải Bình khi đó tuyên bố: “Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.  Mọi việc làm của các bên khác trên quần đảo Trường Sa mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị.

“Việc Trung Quốc xây dựng 02 ngọn hải đăng tại đá Châu Viên và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, làm tình hình thêm căng thẳng, phức tạp. Việt Nam kiên quyết bác bỏ và phản đối mạnh mẽ hành động này của phía Trung Quốc”.

Như vậy, Trung Quốc liên tiếp xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.

Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Từ nhiều thế kỷ nay, ít nhất là từ thế kỷ 17, Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi hai quần đảo này còn là vô chủ. Các nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này một cách hòa bình, liên tục, phù hợp với luật pháp quốc tế mà không gặp phải sự phản đối của bất cứ quốc gia nào.

Trong thời kỳ Pháp thuộc (từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20), Chính phủ Pháp đã nhân danh Việt Nam tiếp tục quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời phản đối yêu sách của các nước khác đối với hai quần đảo này.

Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng đã được thừa nhận tại Hội nghị San Francisco tháng 9 năm 1951 – Hội nghị giải quyết vấn đề quy thuộc các vùng lãnh thổ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 với sự tham gia của 51 quốc gia. Tại Hội nghị này, Trưởng Phái đoàn Quốc gia Việt Nam, Thủ tướng chính phủ Bảo Đại Trần Văn Hữu đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp bất cứ sự phản đối nào từ 50 quốc gia tham dự còn lại. Mặt khác, đề xuất của đoàn Liên Xô trao chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc đã bị đa số đại biểu trong Hội nghị phản đối với tỷ lệ số phiếu là 46 phiếu chống.

Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương khẳng định các bên tham gia tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Theo Hiệp định, Pháp sẽ rút khỏi lãnh thổ của Việt Nam theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam và trong thời hạn thỏa thuận giữa các bên. Phù hợp với Hiệp định Giơ-ne-vơ, sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam năm 1956, Việt Nam Cộng hòa đã tiếp quản việc quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam Cộng hòa đã tuyên bố khẳng định chủ quyền và có các hành vi thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này. Trung Quốc là một trong những nước tham gia Hội nghị quốc tế về Đông Dương tại Giơ-ne-vơ 1954 biết rất rõ điều này và Trung Quốc có trách nhiệm tôn trọng các văn kiện quốc tế của Hội nghị đó.

Hải Yến


Ý kiến bạn đọc