Bắc Giang xuất hiện hàng trăm mảnh đất "ma" khi mở đường

10:36, 09/10/2015
|

 (VnMedia) - Trong quá trình giải phóng măt bằng đường tỉnh lộ 293, người dân xã Lục Sơn (Lục Nam, Bắc Giang) bỗng phát hiện UBND xã đứng tên sở hữu 156 lô đất, tổng diện tích 10 ha. Điều đáng nói, người dân không hề biết vị trí 156 lô đất này nằm ở đâu.

Đường tỉnh lộ 293 có chiều dài toàn tuyến 90km, tổng mức đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng từ vốn trái phiếu chính phủ và nguồn vốn khác. Tuyến đường này chạy qua nhiều xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang như Trường Sơn, Lục Nam, Mai Sui… thuộc huyện Lục Nam, Bắc Giang.

Tháng 2/ 2014, Huyện Lục Nam bắt đầu giải phóng mặt bằng để làm đường. Đoạn đường chạy qua xã Lục Sơn dài 12km, diện tích đất lấy trải rộng trên 6 thôn Đèo Quạt, Vĩnh Tân, Trại Cao, Khe Nghè, Hồng, Bãi Đá. Các thôn này được xếp diện nghèo nhất huyện Lục Nam, người dân sinh sống tại đây chủ yếu người dân tộc thiểu số Cao Lan.

Lạ UBND xã đứng tên sở hữu đất ở

Theo ghi nhận của PV, mặc dù việc bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều vấn đề khúc mắc, song người dân xã Lục Nam vẫn chấp hành chủ trương giao đất cho Nhà nước làm đường.

Tuy nhiên, kể từ khi huyện Lục Nam công khai bảng tổng hợp diên tích đất để lấy làm đường, người dân xã Lục Sơn bỗng phát hiện UBND xã đứng tên sở hữu 156 lô đất trong đó có cả đất ở lâu năm, đất trồng cây lâu năm trong khi thực tế xã không hề có đất tại 6 thôn này. Và mọi mẫu thuẫn, bức xúc của người dân bắt đầu nảy sinh từ đây. Nhiều năm nay, người dân xã Lục Sơn đã phải lao tâm khổ tứ đi khiếu kiện khắp các cơ quan ban ngành để đòi lại sự công bằng. 

Trong bản danh sách mà PV có được thì UBND xã Lục Nam đang đứng tên 156 lô đất. Cụ thể, thôn Bãi Đá là 61 lô, thôn Đèo Quạt 24 lô, thôn Trại Cao 34 lô, thôn Hồng 12 lô, thôn Vĩnh Tân 25 lô. Tổng số đất của UBND xã Lục Sơn là gần 10 ha, trong đó có lô diện tích lên đến 5.000-6.000m. Theo bảng kê, các lô đất của UBND xã Lục Sơn đứng tên có đất ở lâu năm, đất trồng cây lâu năm, đất sông suối, đất giao thông…

Tuy nhiên, theo đối chiếu của người dân - những người đã từng sinh sống tại xã Lục Sơn từ những năm 1963 đến nay thì UBND xã không thể có đất ở, đất trồng cây lâu năm tại các thôn. Vì thực tế, con đường tỉnh lộ 293 đi qua đều lấy đất hai tuyến đường cũ trong đó, nhà dân ở san sát nhau, đất nhà ai thì đều có tên, có tuổi.

  Ảnh minh họa

  Một bản danh sách đất thuộc sở hữu của UBND xã Lục Sơn

Ông Nguyễn Đình Hét – Bí thư thôn Vĩnh Tân (xã Lục Sơn, huyện Lục Nam) cho biết “Tôi là người trực tiếp đi đo đất cho người dân. Tôi cũng thấy bất bình vì tại sao thôn Vĩnh Tân lại dôi thêm 25 lô đất với diện tích 500-1.500m2. Khốn nỗi, các lô đất này đều đề tên UBND xã. Khi đo đất làm đường, nhà dân ở san sát nhau thì lấy đâu ra 25 lô đất này. Tại các cuộc họp với huyện, xã, chúng tôi đã chất vấn, yêu cầu lãnh đạo xã chỉ cho dân xem các lô đất đó là lô nào nhưng lãnh đạo xã không chỉ được” – ông Hét nói.
 

  Ảnh minh họa

  Con đường qua suối thôn Bãi Đá có diện tích khoảng 600 m2 nhưng trong bảng tổng hợp số lượng đất suối lấy để làm đường được tăng gấp đôi.

Còn tại thôn Bãi Đá, số lô đất của UBND xã được kê trong bản nhiều nhất 56 lô. Trong đó, diện tích các lô đất rất lớn lên đến 5.000 -6.000 m2. Ông Nguyễn Quang Tiến - Nguyên trưởng thôn Bãi Đá cho biết, “tôi cũng là người đi đo đất cho dân để làm sổ đỏ tôi chưa thấy đất nào là đất của UBND xã. Chúng tôi hỏi lãnh đạo xã Lục Nam thì được biết các lô đất ghi trong bản kê là của xã chính là đất giao thông, đất sông suối. Tuy nhiên, cả thôn tôi chỉ có 6 đầu suối và 11 tuyến đường ngang. Diện tích đất sông suối, đất giao thông bị lấy để mở đường không nhiều, vậy mà tự nhiên lại “mọc” ra 56 lô đất trong đó có những lô diện tích lên đến 6.000 -7.000 m2. Đây là điều rất khuất tất, chính quyền huyện cần làm rõ” ông Trụ nói.

"Phù phép" biến đất dôi dư thành đất ở?

Để tìm hiểu rõ nguồn gốc 156 lô đất dôi dư này, PV đã tìm gặp UBND xã Lục Sơn, ông Nguyễn Văn Luyến – chủ tịch xã cho biết, 156 lô đất mà xã đứng tên là đất công cộng bao gồm các điểm suối như bên trên suối, lòng suối, đất đường giao thông cũ … Đây không phải là các lô đất khống mà cán bộ lập ra để lấy tiền tư túi.

Tuy nhiên, khi PV đưa ra bảng danh sách đất kê khai trong đó UBND xã đứng tên cả lô đất ở lâu năm thì ông Chủ tịch không lý giải được.

Cụ thể, tại thôn Bãi Đá có 1 lô đất ở nông thôn rộng hơn 900 m2 đứng tên UBND xã. Theo lý giải của chủ tịch xã Lục Sơn, lô đất này là đất của công ty TNHH MTV Mai Sơn đóng trên địa bàn xã vì vậy đất này thuộc đất của xã!?

Khi xác minh lại từ phía người dân, PV được biết, tại thôn Bãi Đá chỉ có Lâm trường Mai Sơn chứ không có Công ty TNHH MTV Mai Sơn như ông Chủ tịch nói.

Một ví dụ khác, trong danh sách đã xuất hiện rất nhiều lô đất là đất trồng cây lâu năm (ký hiệu LNK) đứng tên UBND xã. Trước câu hỏi của PV vì sao UBND xã lại có đất trồng cây lâu năm thì vị Chủ tịch lý giải “đất LNK là đất trồng cây lâu năm của dân. Xã không có đất trồng cây lâu năm. Nếu trong danh sách ghi như vậy thì lãnh đạo xã sẽ cho kiểm tra lại xem có nhầm lẫn gì hay không?”

Để nắm rõ vị trí các lô đất của xã, PV đã đề nghị lãnh đạo xã cho xem bản quy hoạch 1/500 để đối chiếu nhưng ông Chủ tịch khất lần với lý do không kịp chuẩn bị.

Vậy có hay không việc chính quyền xã Lục Sơn cố tình khai thêm, khai khống 156 lô đất để lấy tiền đền bù của Nhà nước,  người dân xã Lục Sơn đang rất mong chờ các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

Anh Đào


Bài 2: Lãnh đạo huyện Lục Nam nói gì?


Ý kiến bạn đọc