Chùa Hương: Thịt thú không treo móc mà bày trên đĩa

07:29, 07/02/2015
|

(VnMedia) - " Ban tổ chức đã yêu cầu bà con không treo móc thịt thú, gia cầm… mà sẽ bày trong đĩa, trong tủ kính để tránh phản cảm".

>> “Không có chuyện bán thịt thú rừng ở chùa Hương”

Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương cho biết sáng 6/2 trong buổi họp báo diễn ra tại UBND huyện Mỹ Đức.
 
Theo ông Nguyễn Văn Hậu, để chuẩn bị chu đáo, phục vụ tốt hơn cho lễ hội Chùa Hương, UBND huyện và Ban tổ chức đã thành lập tổ kiểm tra xử lý vi phạm liên ngành gồm CATP, kiểm lâm, thú y, y tế để làm tốt kiểm tra xử lý vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, vừa đảm bảo sức khỏe cho du khách, vừa tránh để diễn ra hình ảnh phản cảm như một số năm trước.
 
Theo đó, UBND huyện đã thống nhất với bà con, kiên quyết không để tồn tại tình trạng treo móc động vật, gia súc gia cầm. Thay vào đó, bà con sẽ giới thiệu thực phẩm trên khay, đĩa, tủ kính có chế độ điều hòa đảm bảo an toàn thực phẩm chứ không dán giấy bóng mờ như mọi khi nữa để đảm bảo gọn gàng, sạch sẽ.
 
“Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Ban tổ chức đã chỉ đạo phòng y tế, trung tâm y tế tập huấn về kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo quản thực phẩm cho bà con có nhu cầu làm hàng ăn uống phục vụ du khách. Đồng thời, những trường hợp này sẽ được khám sức khỏe và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh an toàn thực phẩm” – ông Hậu cho biết.

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương: Chúng tôi đã tuyên truyền để bà con không treo móc thịt thú mà chỉ bày trên đĩa, trong tủ kinh...

Nhím, dúi, lợn rừng, đà điểu… là thú nuôi

Những năm gần đây, tổ chức bảo vệ động vật hoang dã liên tục kêu gọi chấm dứt bán thịt thú rừng tại Chùa Hương, với lý do vừa gây phản cảm và vừa là kẽ  hở để nạn săn bắn thú rừng tiếp tục diễn ra phức tạp.
 
Liên quan đến vấn đề này, ông Hậu cho biết, bản thân ông đã được xem clip chủ trang trại nuôi sinh sản các loại thú vẫn được bày bán tại lễ hội như nhím, đà điểu, hươu, nai, dúi, lợn mán, lợn rừng. Ngoài ra, các cửa hàng đều có giấy tờ chứng minh xuất xứ nguồn gốc của những loại thực phẩm này đều là vật nuôi chứ không phải thú quý hiếm. “Hương Sơn giờ không còn những loại thú rừng này sinh sống nhiều để có thể săn bắn được mà toàn là vật nuôi sinh sản tại các trang trại”, ông Hậu khẳng định.
 
Cũng theo ông Trưởng Ban tổ chức thì việc bán các sản phẩm gia cầm, gia súc… tại Chùa Hương, một phần là nhu cầu về công ăn việc làm của người dân, một phần cũng là phục vụ nhu cầu của du khách.
 
Cần hỏi giá, mặc cả trước khi sử dụng dịch vụ

Mùa lễ hội trước, dư luận đã từng bức xúc trước hiện tượng du khách bị bắt chẹt khi sử dụng tại Chùa Hương. Đây cũng là mối e ngại được các phóng viên đặt ra tại buổi họp báo. Trả lời câu hỏi này, ông Trưởng ban tổ chức lễ hội cũng thừa nhận, năm 2014 chỉ có 1 trường uống một ấm trà và sử thêm một số đồ khác nữa phải trả tới 300.000 đồng.
 
“Ngay sau khi có thông tin, chúng tôi đã giao cho Công an ở khu vực Thiên Trù-Hương Tích gọi chủ hàng ra làm việc và lập biên bản, xử lý hành chính. Để tránh tình trạng này trong mùa Lễ hội 2015 chúng tôi đã yêu cầu niêm yết giá, nhưng có quầy có tới hàng trăm mặt hàng và không niêm yết hết. Vì vậy, khách mua hàng nên hỏi giá, thỏa thuận trước khi mua hàng hay sử dụng dịch vụ”, ông Hậu khuyến cáo.
 
Về tình trạng đổi tiền lẻ, ông Hậu cho biết, năm nay Ban tổ chức đã nghiêm cấm việc đổi tiền lẻ trục lợi tại lễ hội. “Chúng tôi tuyên truyền, nhắc nhở không đổi tiền lẻ tại lễ hội. Du khách có nhu cầu thì nên chuẩn bị từ nhà” - ông Hậu nói.
 
Trong khi đó, Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương cho biết, vài năm nay, trong Chùa Hương đã không còn tình trạng vứt tiền lẻ vào các khe suối, giếng… Trụ trì chùa cũng thông tin thêm, việc đốt vàng mã, sóc thẻ xem bói không xảy ra trong khu vực chùa chiền.

“Còn việc đốt tiền vàng âm phủ thì trong chùa đã hạn chế tối đa. Việc mang tiền âm phủ cúng Phật là sai, tuy nhiên nếu một số ít bà con cố tình mang đến thì nhà chùa cũng khó quản lý.” – Thượng tọa Thích Minh Hiền nói và cho biết thêm, thời gian gần đây có hiện tượng tiền giả bằng Polimer in mệnh giá của Việt Nam, Mỹ… của Trung Quốc được bán rất nhiều ngoài đường và nhiều người thích mua để cúng lễ, sau đó mang về nhà thờ chứ không đốt trong chùa.

Ảnh minh họa

Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì Chùa Hương


 
Miễn phí tham quan 3 ngày Tết

Một điểm mới, lần đầu tiên được thực hiện tại Lễ hội Chùa Hương năm nay là miễn vé thắng cảnh cho du khách trong các ngày 30, mùng 1 và mùng 2 Tết. Chùa Hương là một trong 10 điểm tham quan được miễn vé tham quan theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội.
 
Theo đó, du khách được miễn 50.000 đồng vé thắng cảnh, tuy nhiên vé đò Suối Yến là 40.000 đồng/lượt cả vào lẫn ra với đò chất lượng cao; 35.000 đồng/lượt cả vào lẫn ra với đò thường cũng như tiền đi cáp treo thì du khách vẫn phải trả. Ông Hậu cho biết, trong ngày 2 Tết, ước tính cũng phải có đến không dưới 1 vạn du khách đến Chùa Hương.
 
Không bắt buộc du khách mặc áo phao

Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn, Trưởng ban tổ chức lễ hội Chùa Hương cho biết, Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương đã tổ chức tập huấn Luật Giao thông đường thủy nội địa, văn hóa ứng xử du lịch và quy chế tổ chức lễ hội. Người chỉ điều khiển phương tiện vận chuyển khách trên suối phải có chứng chỉ chuyên môn hoặc giấy chứng nhận điều khiển phương tiện; các xuồng, đò chở khách phải có phao cứu sinh nhưng không bắt buộc tất cả du khách phải mặc áo phao. “Đi lễ hội mà phải mặc áo phao xanh đỏ thì trông cũng hơi phản cảm. Vì vậy, chúng tôi đã treo các gối phao cứu sinh trên thuyền. Ngoài ra, trên Suối Yến, đoạn nào nước sâu chúng tôi đều biết nên đã treo sẵn phao cứu sinh tại đó” – ông Hậu cho biết.
 
Cũng theo ông hậu, đến nay, phương tiện số lượng đò đã chuẩn bị đầy đủ đảm bảo an toàn cho du khách về lễ hội và sẵn sàng có hàng nghìn chiếc đò phục vụ du khách từ mùng 2 tết. Vệ sinh môi trường đường thủy được dọn dẹp sạch sẽ, các tuyến đường bộ giao cho công trường thu gom, phân loại và xử lý rác. Bố trí các vụ trí xử lý rác, vận hành lò đốt rác; bố trí các điểm có sọt đựng rác đảm bảo hợp lý. Cùng đó, công tác an ninh trật tự cũng được tăng với lực lượng tham gia của huyện và Thành phố đã tăng cường khoảng 200 đồng chí vì phạm vi lễ hội rộng lớn.
 
Về băn khoăn của phóng viên liên quan đến số lượng khá đông các thuyền máy chạy trên Suối Yến có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ông Hậu cho biết, số thuyền này chủ yếu của các lực lượng chức năng như Công an giao thông, Ban tổ chức, công ty môi trường, nhà chùa, chi nhánh điện… “Những thuyền máy này tuyệt đối không gây nên tình trạng váng dầu trên Suối Yến” - ông Hậu khẳng định.
 


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc