Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chung quy hoạch TP Huế

19:21, 08/05/2014
|

(VnMedia) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, theo đó, Huế sẽ được xây dựng để trở thành một đô thị công nghiệp tri thức…

Ảnh minh họa


Theo đó, phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch bao gồm thành phố Huế hiện hữu (70,99km2) và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị thuộc phạm vi của các thị xã: Hương Thủy, Hương Trà và một phần huyện Phú Vang (thị trấn Thuận An và các xã lân cận); diện tích khoảng 348,54 km2. Về ranh giới, phía Đông đến bờ biển Thuận An, phía Tây đến Bình Điền, phía Bắc đến sông Bồ - Tứ Hạ và phía Nam đến đường tránh Huế.
 
Theo tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Huế sẽ được phát triển thành một trong 6 đô thị cấp Quốc gia trong hệ thống đô thị Việt Nam, là một trong 3 thành phố di sản của Đông Dương với tư cách là “Thành phố Festival, trung tâm du lịch văn hóa đặc sắc của châu Á”. Đặc biệt, Huế được quy là xây dựng trở thành một đô thị công nghiệp tri thức và là một đô thị môi trường kiểu mẫu.
 
Quy mô dân số đến năm 2020 của thành phố Huế là khoảng 615.000 người; đến năm 2030 khoảng 674.000 người và đến năm 2050 là khoảng 1.000.000 người.
 
Về định hướng phát triển không gian đô thị, Huế sẽ phát triển theo mô hình cụm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm và 4 đô thị phụ trợ; các đô thị được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai, bố trí dải cây xanh giữa các đô thị để hạn chế phát triển lan tỏa của các đô thị và phòng tránh lũ lụt; tạo lập cụm đô thị di sản - văn hoá - cảnh quan thân thiện với môi trường.
 
Theo Quy hoạch, đô thị trung tâm của Huế sẽ bao gồm khu vực thành phố Huế hiện nay và khu đô thị mới An Vân Dương, với tổng diện tích khoảng 8.200 ha, dân số đến năm 2030 khoảng 440.000 người.
 
4 đô thị phụ trợ của Thành phố Huế sẽ bao gồm: Hương Thủy thuộc xã Hương Thủy, là cửa ngõ phía Nam của đô thị trung tâm, có chức năng phức hợp của trung tâm công nghiệp, cung cấp dịch vụ công cộng cho thành phố và khu vực Hương Thủy; phát triển các chức năng cư trú, công nghiệp, du lịch, dịch vụ.
 
Đô thị phụ trợ 1 là Thuận An, có tổng diện tích khoảng 4.500ha, dân số đến năm 2030 khoảng 35.000 người. Đô thị này đóng vai trò cửa ngõ hàng hải và cung cấp dịch vụ công cộng cho khu vực Phú Vang, có các chức năng đặc thù như du lịch sinh thái biển, đầm phá, là động lực để Huế là đô thị hướng biển và là khu vực hạn chế phát triển dân cư mật độ cao.
 
Đô thị phụ trợ 3 là Hương Trà, với tổng diện tích khoảng 7.800ha, dân số đến năm 2030 khoảng 87.000 người. Theo quy hoạch, sẽ tăng cường chức năng công nghiệp với trung tâm là khu công nghiệp Tứ Hạ. Đây cũng là khu vực cung cấp dịch vụ công cộng cho khu vực thị xã Hương Trà.
 
Đô thị phụ trợ 4 là Bình Điền, với tổng diện tích khoảng 1.800ha, đóng vai tròn kết nối thành phố Huế với khuv ực phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời là trung tâm khu vực phía Tây đô thị Thừa Thiên Huế trong tương lai. Theo quy hoạch, đô thi này sẽ được phát triển chức năng du lịch và kết nối du lịch với thành phố Huế qua sông Hương.
 
Trung tâm hành chính, sự nghiệp có diện tích khoảng 120 ha, bao gồm: Trung tâm hành chính, chính trị tỉnh (đặt tại khu đô thị mới An Vân Dương và một phần tại khu đô thị cũ phía Nam thành phố); Trung tâm hành chính, chính trị thành phố và các huyện, thị xã; trung tâm hành chính các phường, xã thuộc thành phố Huế và một phần của thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và huyện Phú Vang.
 
Về định hướng không gian phát triển công nghiệp, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung có diện tích khoảng 1.200 ha; gồm Khu công nghiệp Phú Bài (820 ha); Khu công nghiệp Tứ Hạ (250 ha); Khu công nghiệp Thủy Phương (50 ha); cụm công nghiệp làng nghề Hương Sơn (50 ha); cụm công nghiệp Bình Điền (30 ha).
 
Trong định hướng đầu mối hạ tầng kỹ thuật, thành phố Huế sẽ nâng cấp, phát triển sân bay quốc tế Phú Bài đến năm 2030 đạt tiêu chuẩn sân bay dân dụng cấp 4E, trong khi đó, sẽ tiếp tục định hướng xây dựng ga đường sắt mới nhằm chuyển hệ thống đường sắt ra ngoài trung tâm thành phố.
 
Về cảng biển, sẽ đầu tư xây dựng cảng Thuận An, đảm bảo đến năm 2020 tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000 DWT phù hợp với quy hoạch phát triển cảng biển được duyệt.


Mỹ Hạnh

Ý kiến bạn đọc