Thành quả kinh tế Việt Nam vẫn còn mong manh

18:29, 07/04/2014
|

(VnMedia) - Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Chấu Á - Thái Bình Dương nhận định, thành quả kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn còn mong manh và đang đối mặt với những rủi ro một vài rủi ro liên quan đến hàng loạt yếu tố bất lợi…
 
Theo Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Chấu Á - Thái Bình Dương vừa được Ngân hàng Thế giới công bố ngày hôm nay (7/4), mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô có cải thiện hơn trong năm 2013, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn ở dưới mức tiềm năng do phải đối mặt với các vấn đề về cơ cấu trong các doanh nghiệp nhà nước và trong lĩnh vực ngân hàng, và do những méo mó về mặt chính sách tiếp tục gây cản trở đầu tư tư nhân trong nước và cạnh tranh trong các ngành quan trọng.
 
Báo cáo cho biết, các điều kiện kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định dựa trên cơ sở lạm phát giảm và tăng cường các tài khoản đối ngoại. Tốc độ tăng trưởng ước đạt 5,4% trong năm 2013, tăng nhẹ so với tỷ lệ 5,3% trong năm 2012. Chính phủ đang phải đối mặt với những thách thức tài khóa ngày càng tăng do thu ngân sách giảm. Tăng trưởng có khả năng vẫn ở mức khiêm tốn trong năm 2014 do không có tiến bộ rõ rệt trong việc giải quyết các vấn đề về cơ cấu nói trên.

 Ảnh minh họa

Những thành quả đáng ghi nhận
 
Báo cáo phân tích, nền kinh tế của Việt Nam trở về tình trạng môi trường kinh tế vĩ mô tương đối ổn định trong suốt hai năm qua so với thời kỳ đầy biến động 2007-11. Các biện pháp bình ổn được thực hiện trong năm 2011 và 2012 đã giúp Việt Nam khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô thông qua giảm lạm phát, tăng cường các tài khoản đối ngoại, và ổn định thị trường ngoại hối. Chỉ số lạm phát CPI chung (Headline CPI) giảm xuống còn 6,6% trong năm 2013 so với 18,1% trong năm 2011 và 9,1% trong năm 2012. Tăng trưởng tín dụng và giá lương thực thực phẩm giảm đã giúp giảm tỷ lệ lạm phát.
 
Đồng thời, chênh lệch lợi suất trái phiếu Chính phủ và Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (Credit Default Swaps) của Việt Nam cũng đã thu hẹp, hiện đang ở xấp xỉ với mức trước khủng hoảng năm 2009. Tỷ giá tiền Đồng/Đôla Mỹ đã tương đối ổn định kể từ khi điều chỉnh chính thức 1% vào tháng Bảy năm 2013. Chênh lệch giữa thị trường tỷ giá chính thức và phi chính thức đã thu hẹp kể từ đó.
 
Xuất khẩu cũng được nhận xét là tăng mạnh, trong khi dòng vốn nước ngoài và kiều hối ổn định đã giúp Việt Nam đảo chiều được cán cân đối ngoại. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng nhanh nhờ hoạt động mạnh mẽ của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi thu nhập từ xuất khẩu hàng hóa giảm xuống, do giá cả sụt giảm, các mặt hàng xuất khẩu truyền thống yêu cầu sức lao động cao của Việt Nam như may mặc, giày dép và đồ nội thất tiếp tục duy trì tỷ lệ tăng trưởng cao.
 
Bên cạnh đó là sự đóng góp đáng kể của các sản phẩm công nghệ và giá trị cao, đã trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất và phát triển nhanh nhất trong năm 2013 (ví dụ như điện thoại di động và linh kiện, máy tính, hàng điện tử và phụ kiện, phụ tùng ô tô). Cán cân tài khoản vãng lai chuyển từ thâm hụt lớn ở mức 11% GDP trong năm 2008 đến mức thặng dư cao kỷ lục 6,5% GDP năm 2013. Tuy nhiên, thặng dư tài khoản vãng lai dự tính sẽ thu hẹp trong trung hạn khi nhập khẩu tăng tốc, với kỳ vọng phục hồi kinh tế diễn ra nhanh hơn.
 
Suy giảm khả năng cạnh tranh
 
Theo Báo cáo, mặc dù các cân đối kinh tế vĩ mô được cải thiện và các tài khoản đối ngoại được củng cố, tỷ lệ tăng trưởng GDP vừa phục hồi bền vững vẫn còn bị ngăn trở do sự chậm chạp trong cải cách cơ cấu và do mức độ không chắc chắn của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Cầu trong nước vẫn còn yếu do lòng tin của khu vực tư nhân thấp, khu vực doanh nghiệp nhà nước có tỷ suất vay nợ quá cao, khu vực ngân hàng thiếu vốn, và một lý do nữa là ngân sách nhà nước đang suy giảm.
 
Về phía cung, các đánh giá so sánh khả năng cạnh tranh của các nước cho thấy rằng Việt Nam hiện đang bị suy giảm khả năng cạnh tranh so với các nền kinh tế có trình độ tương đương. Tiếp sức cho tăng trưởng trong trung hạn đòi hỏi phải tiếp tục quan tâm tới một số cải cách cơ cấu – trong đó chú trọng vào các ngân hàng và doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và tháo bỏ rào cản đối với đầu tư tư nhân trong nước.
 
Tỷ lệ lạm phát giảm đã tạo cơ hội cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) nới lỏng quy định lãi suất nhằm kích cầu khu vực tư nhân. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng chỉ tăng dần dần: tổng tín dụng cho nền kinh tế từ hệ thống ngân hàng ước tính đã tăng khoảng 9% trong năm 2013 so với kế hoạch năm là 12%. Các hoạt động tín dụng chùng xuống khi các ngân hàng, với bảng cân đối phải chịu thêm gánh nặng từ tỷ lệ nợ xấu cao, e sợ những rủi ro ngày càng gia tăng và đang dự kiến sẽ tháo bớt đòn bẩy tài chính. Nhu cầu tín dụng vẫn còn yếu, thể hiện sự tự tin kinh doanh thấp trong khu vực tư nhân.
 
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, những điểm yếu của ngành tài chính vẫn còn tồn tại, tạo thành trở ngại cho tình hình kinh tế chung. Nợ xấu trong ngành ngân hàng tiếp tục là một mối lo ngại lớn, mặc dù cơ sở dữ liệu kém chất lượng và yêu cầu công bố thông tin hạn chế làm ngăn cản khả năng ước tính chính xác độ lớn của nợ xấu.
 
Để nỗ lực để đối phó với nợ xấu của ngành ngân hàng, chính phủ đã thành lập Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC), có trách nhiệm mua, phục hồi, và tái cơ cấu các khoản nợ xấu của các ngân hàng. Tuy nhiên, Báo cáo cũng cho biết, có những lo ngại về năng lực hoạt động của VAMC, về sự thiếu nguồn lực (bao gồm cả tài chính) để đáp ứng nhu cầu vốn hóa ngành ngân hàng, và về tiến độ thực hiện, cũng như các vấn đề khác. Các vấn đề về vỡ nợ, mất khả năng thanh toán, và quyền của bên cho vay cũng sẽ cần phải được giải quyết để hỗ trợ tái cơ cấu nợ doanh nghiệp.
  
Lạm phát có thể nằm trong trong chỉ tiêu

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn vào khoảng 5,5% trong năm 2014. Điều này dựa trên giả định rằng đường lối thận trọng trong kinh tế vĩ mô sẽ được thực hiện thông qua việc theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng và tiếp tục tập trung cải cách cơ cấu (với sự quan tâm đặc biệt đến tái cơ cấu các khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng, và giải phóng đầu tư khu vực kinh tế tư nhân trong nước). Các tài khoản thương mại và tài khoản vãng lai dự kiến vẫn thặng dư trong năm 2014, mặc dù ở mức thấp hơn so với năm 2013. Lạm phát có thể nằm trong trong chỉ tiêu của chính phủ là 7% vào năm 2014 với giả định tăng trưởng tín dụng khiêm tốn và sẽ không xảy ra những cú sốc lớn từ phía cung.
 
Mặc dù vậy, những thành quả kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn còn mong manh và đang đối mặt với những rủi ro một vài rủi ro liên quan đến các yếu tố bất lợi: tổng cầu của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn yếu và rất dễ bị ảnh hưởng bởi bất kỳ diễn biến kinh tế tiêu cực nào; tuy xác xuất nhỏ nhưng vẫn còn rủi ro nữa là các cơ quan chức năng có thể buộc phải nới lỏng quan điểm chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng để kích cầu khu vực tư nhân còn yếu; và đà cải cách cơ cấu có thể lại tiếp tục chậm chạp , khiến cho tăng trưởng GDP tiếp tục ở mức thấp và làm giảm bền vững tài khóa..


Ngọc Quỳnh

Ý kiến bạn đọc