Những tiếng... "rên" đầu năm học

13:49, 24/09/2013
|

(VnMedia) - “Phụ huynh ngộp thở trước… “mùa nộp tiền”; “Sau họp phụ huynh là 20 khoản thu”; “Nỗi sợ mang tên “họp đầu năm”; 6 điều phụ huynh sợ hãi đầu năm học… những tiêu đề trên các báo những ngày vừa qua được các phụ huynh đặc biệt chú ý...

>>Vợ chồng cãi nhau vì... "đồng phục vở" của con

Năm học mới vừa bắt đầu chưa được một tháng nhưng những ngày gần đây, hàng loạt thông tin tiêu cực trong lĩnh vực này được báo chí đăng tải khiến các bậc phụ huynh thêm phần lo lắng cho sự học hành của con em mình.
 
Tin xấu trên mặt báo

Theo báo An ninh Thủ đô, tại Hà Nội, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Tôi được nghe phản ánh có trường thu tới 4 triệu đồng chỉ riêng để mua sắm đồng phục, chưa kể các khoản thu khác”.
 
Trong khi đó, phụ huynh trường THPT Thạch Bàn phản ánh phải đóng gần 3 triệu đồng tiền trường đầu năm, trong đó riêng đồng phục là gần 2 triệu đồng để may 2 bộ đồng phục mùa hè, một bộ thể thao và một áo vest.
 
Còn tại trường THCS Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức, một huyện ngoại thành Hà Nọi, đầu năm đã thu của mỗi học sinh hơn 2 triệu đồng, trong đó có tiền phô tô 30.000đồng/HS/học kỳ, khám bệnh: 20.000 đồng/HS, gửi xe:100.000 đồng/HS, vệ sinh: 250.000 đồng/HS/năm, ngoài ra là tiền điện, tiền nước, tiền quỹ lớp…
 
Đặc biệt, nhiều phụ huynh cho biết rất bức xúc về tình trạng một số trường thuộc quận Ba Đình quy định ép phụ huynh phải mua vở Hồng Hà, đúng mã số…
 
Tại Bắc Ninh, trên trang Soha đăng tải bức xúc của phụ huynh trường tiểu học Đông Tiến (Yên Phong, Bắc Ninh) cho biết, theo thời khóa biểu, lịch dạy thêm và học thêm cho học sinh là 5 tiết, nhưng thực tế, nhà trường tự ý cắt giảm giờ học chỉ còn tương đương với 4 tiết học nhưng ẫn thu nguyên tiền của 5 tiết. Phụ huynh thẳng thắn yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc tìm hiểu xem số tiền thu không đúng này (của 600 học sinh), đã được chi dùng như thế nào.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tờ Gia đình và Xã hội đưa tin, để được kể chuyện, thậm chí... giã lưng buổi ngủ trưa, mỗi học sinh phải đóng 200.000/tháng. Như vậy, nếu một lớp có 50 học sinh thì tiền công gãi lưng + kể chuyện mỗi tháng sẽ là... 10 triệu đồng. Trong khi đó, một trường khác cho phép học sinh được tự do chọn món ăn và vì vậy, mỗi học sinh sẽ phải đóng thêm... 300.000 đồng/tháng.

Ảnh minh họa

Phụ huynh "hoa mắt" trước các khoản thu - ảnh: GĐ&XH


Ngao ngán trên diễn đàn

Những ngày đầu năm học này, điều mà nhiều phụ huynh, đặc biệt là các bà mẹ nhắc đến với nỗi “ngao ngán” nhiều nhất, chính là chuyện đóng tiền đầu năm. Vì sợ động chạm, sợ ảnh hưởng đến chuyện học của con mình, những nỗi bức xúc này được nhiều người lựa chọn cách giải tỏa là đưa lên face book hoặc lên các diễn đàn.
 
Trên webtretho, một bà mẹ liệt kê: “Hôm qua đi họp phụ huynh cho con, tổng thiệt hại hết 1,3 triệu bao gồm: 500k (nghìn – PV) mua điều hòa, 500k làm đường dây, công tơ điện, mua máy bơm nước mới, và mua đồng phục biểu diễn cho đội trống và đội văn nghệ của trường; 100k hội phụ huynh nhà trường; 200k hội phụ huynh lớp. Từ đầu năm nộp các khoản nọ kia khoảng 700k nữa là tổng tháng 9 này đã nộp cho trường 2 triệu chưa kể tiền ăn học của tháng 9 là 1 triệu nữa”.
 
Có phụ huynh viết: “Con mình về nói cô dặn mẹ đi họp nhớ mang theo 2 triệu nhé, thế mà còn không đủ, phải vay thêm của bác phụ huynh ngồi cạnh”! Nhưng cũng có phụ huynh chỉ buông một câu đầy chán nản: “Từ đầu năm đến nay đóng góp cho thằng cu lớp 2 cũng ngót ghét 4 triệu rồi!”
 
Tuy nhiên, cũng có phụ huynh hết sức ngạc nhiên khi đi họp đầu năm mà không thấy cô giáo nhắc nhở phải đóng khoản tiền nào. “Hôm qua nhà em đi họp cho bé con, mang theo tiền sẵn để có gọi thì đóng như năm trước nhưng lại không nghe cô giáo đả động gì về tiền cơ sở vật chất hay tiền hội phụ huynh gì cả”!?.
 
Đáp lại thắc mắc rất “lạ” này, một bà mẹ có kinh nghiệm hơn khẳng định: “Đây là cô chưa thu thôi. Vì nhiều trường họ tách ra thu làm nhiều lần. Ví dụ, khoản bảo hiểm y tế, tai nạn 290k +80k =370 họ thu một lần. Các khoản đóng góp khác khoảng 500 k thu một lần. Tiếp đến quỹ lớp và các khoản linh tinh khoảng 700 sẽ thu một lần khác.Tiền đồng phục lại đóng riêng, cộng vào cũng nhiều nhưng thu làm nhiều lần do bị phụ huynh kêu ca”.
 
Trên thực tế, một số trường cũng đã áp dụng chiêu “tách nhỏ” các khoản thu. Có trường thu các loại tiền bảo hiểm cùng với tiền ăn ngay đầu tháng 9 chứ không thu vào kỳ họp phụ huynh cùng các khoản khác; có trường “hẹn” thu quỹ lớp vào tháng sau (mặc dù đã thông báo số tiền sẽ phải đóng ngay tại buổi họp phụ huynh”…

“Phụ huynh ngộp thở trước… “mùa nộp tiền”; “Sau họp phụ huynh là 20 khoản thu”; “Nỗi sợ mang tên “họp đầu năm”; "6 điều phụ huynh sợ hãi đầu năm học"; "Lạm thu tiền trường: Bài tập cũng phải mất tiền mua"; "Mượn tay hội phụ huynh lạm thu tiền trường"; "chưa nhổ được tận gốc lạm thu tiền trường"; "Lạm thu núp bóng xã hội hóa giáo dục"; "Tiền trường đầu năm học: vẫn nóng chuyện lạm thu"; "Những kiểu lạm thu tiền trường quái chiêu"… là những tiêu đề trên các báo những ngày vừa qua đã được các phụ huynh đặc biệt chú ý bởi nó đã nói lên tâm trạng của đa số phụ huynh. Thậm chí, nếu search trên mạng, người ta còn tìm thấy một trang facebook với tiêu đề “Hội những người sợ… họp phụ huynh”. Điều đó đủ cho thấy nỗi bức xúc và lo lắng của phụ huynh trong mùa tựu trường của con – "mùa nộp tiền" của bố mẹ.

Điều đáng nói là câu chuyện này đã diễn ra ra nhiều năm nay, từ khi học phí được cho là thấp và đến nay, khi học phí được tăng với lý do thu để "bù chi", thì mọi chuyện vẫn không có chuyển biến gì, mà chỉ "biến tướng" cách thu mà thôi.


Ngọc Quỳnh

Ý kiến bạn đọc