Làm thế nào để phụ nữ nhận lương cao?

14:44, 24/09/2013
|

(VnMedia)- Các con số thống kê chính thức cho thấy có khoảng 72% phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động ở Việt Nam, nhưng họ vẫn ở đằng sau nam giới trong rất nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như vấn đề lương bổng và cơ hội tiếp cận với đào tạo và thăng tiến nghề nghiệp.

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh hoạ


Việt Nam có một cánh cửa cơ hội để đảm bảo bình đẳng giới tại nơi làm việc và hỗ trợ quan hệ lao động lành mạnh nhưng cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa, đây là điều được thể hiện rõ trong cuộc hội thảo về việc thực hiện Bộ luật lao động sửa đổi và Luật công đoàn mới do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và tăng cường sức mạnh của phụ nữ (UN Women) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). 

Hội thảo tụ hội các cán bộ của Bộ, tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động, các hiệp hội doanh nghiệp, công đoàn và các tổ chức phi chính phủ.

Bộ luật lao động sửa đổi có hiệu lực kể từ tháng 5 năm nay đã có nhiều phát triển mang tính tích cực liên quan đến bình đẳng giới trong công việc, chẳng hạn như quy định cấm quấy rối tình dục tại nơi làm việc, quy định mới về lao động giúp việc gia đình và cả quy định về nguyên tắc trả lương bình đẳng cho công việc có giá trị ngang nhau. Nó cũng có những quy định cụ thể đề cập đến những nhu cầu cụ thể của lao động nữ, đặc biệt là liên quan đến bảo vệ thai sản, chẳng hạn như tăng nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng.

“Việc sửa đổi Bộ luật lao động và Luật công đoàn thể hiện những nỗ lực của đất nước trong việc hoàn thành những nghĩa vụ quốc tế của mình và đáp ứng với những tiêu chuẩn đòi hỏi phải tạo ra một “môi trường công việc tăng cường sức mạnh giới” – Bà Shoko Ishikawa, đại diện UN Women tại Việt Nam chia sẻ.

“Nhưng bất chấp một vị thế rõ ràng hơn cho bình đẳng giới trong Bộ luật lao động, phụ nữ vẫn phải đối mặt với những chướng ngại và thách thức cụ thể do những định kiến về giới, những thứ đôi khi đã ăn sâu bén rễ trong văn hóa và truyền thống chung” – bà Ishikawa cũng nói thêm. 

Phó chủ tịch VCCI, ông Phạm Gia Túc cũng tán thành Bộ luật lao động sửa đổi nhưng nhấn mạnh rằng việc thực thi luật cũng sẽ đầy thách thức.

“Các doanh nghiệp với số lượng lớn lao động nữ phải chịu chi phí sản xuất cao hơn, do đó họ sẽ thích thuê những lao động trẻ và đã qua đào tạo hơn để tiết kiệm thời gian, chi phí và lấp đầy chỗ trống khi cần thiết” – ông Túc cho biết.

Trong khi nhận thức được những thách thức, Giám đốc văn phòng ILO tại Việt Nam – ông Gyorgy Sziraczki chỉ ra rằng “không nên chỉ coi thúc đẩy bình đẳng giới là việc tăng chi phí cho doanh nghiệp mà hơn hết nên coi đó là việc đầu tư để đem lại lợi ích trung hạn”. Những người sử dụng lao động thuê, giữ và đào tạo lao động nữ sẽ thu được lợi ích lớn hơn do tăng được năng suất lao động và tính cạnh tranh – ông Sziraczki bổ sung thêm.

Việc cải thiện sự tham gia và tiếng nói của phụ nữ trong các tổ chức đại diện cho lợi ích của người lao động, trong các quá trình quản trị và ra quyết định và việc khuyến khích các cơ quan công lập, đặc biệt là các bộ và cơ quan của chính phủ trở thành “người sử dụng lao động kiểu mẫu” về mặt thực hành bình đẳng giới trong hoạt động của họ là quan trọng như nhau – ông Sziraczki nói.

Các con số thống kê chính thức cho thấy có khoảng 72% phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động ở Việt Nam, nghĩa là có rất nhiều phụ nữ Việt Nam có việc làm so với hầu hết các nước đang phát triển trên toàn cầu.

Tuy nhiên, họ vẫn ở đằng sau nam giới trong rất nhiều lĩnh vực chẳng hạn như vấn đề lương bổng và cơ hội tiếp cận với đào tạo và thăng tiến nghề nghiệp. Ngoài ra, có một lượng lớn phụ nữ làm việc trong nền kinh tế phi chính thức, họ là những người có cuộc sống bấp bênh, dễ bị tổn thương và nằm ngoài phạm vi áp dụng của Bộ luật lao động.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc