Đại biểu Quốc hội lắng nghe người đồng tính

13:26, 10/05/2013
|

(VnMedia) - Với con số ước tính khoảng 1,65 triệu người từ 15 đến 59 tuổi, cộng đồng người đồng tính Việt đang rất cần có sự quan tâm, lắng nghe của toàn xã hội, trong đó đặc biệt là những người làm luật...

 Ảnh minh họa

Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp: Cộng đồng LGBT đang đứng trước rất nhiều khó khăn và thách thức

 
Ngay trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, hôm nay (10/5), một cuộc hội thảo về những vấn đề của người đồng tính đã được tổ chức để các đại biểu Quốc hội lắng nghe thông tin, chia sẻ và thảo luận về thực trạng bảo vệ quyền của cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT).

 

Buổi hội thảo mang tên “Người đồng tính, song tính và chuyển giới: Những quy định pháp luật và quan điểm của cộng đồng”, có sự tham gia của đông đảo đại biểu Quốc hội.

 

Tại buổi hội thảo, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết: Điều 52, Hiến pháp năm 1992 quy định: mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Điều này đồng nghĩa với pháp luật không thừa nhận cũng như không cho phép có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào vì lý do giới tính hay xu hướng tính dục của cá nhân. Tuy nhiên, trên thực tế những vấn đề của cộng đồng của nhóm người LGBT vẫn đang là một khoảng trống trong chính sách, pháp luật Việt Nam . Một vài chính sách có liên quan lại tỏ ra còn bất cập trước các vấn đề thực tiễn. Chính vì vậy, cộng đồng LGBT đang đứng trước rất nhiều khó khăn và thách thức.

 

Một con số được ông Thảo đưa ra tại buổi hội thảo, đó là nếu tính theo “tỉ lệ an toàn” đã được nhiều nhà khoa học thừa nhận với mức 3%, thì Việt Nam có khoảng 1,65 triệu người đồng tính và song tính trong độ tuổi từ 15-59.


 Ảnh minh họa

 Hai người phụ nữ này đã chia sẻ về cuộc sống hạnh phúc hiện tại và những băn khoăn, lo lắng cho con cái của họ - ảnh: Tuệ Khanh

 

“Đa phần trong số họ đang phải chịu kỳ thị, định kiến, kể cả bạo lực và chịu những thiệt thòi về cơ hội học tập, công việc, hôn nhân và chăm sóc sức khỏe”- ông Thảo nhận định.

 

Đặc biệt, tại buổi hội thảo, nhiều ý kiến của những người trong cuộc chia sẻ về cuộc sống thực tế và mong muốn của họ đối với cuộc sống đã thu hút sự quan tâm của các nhà lập pháp.


"Tôi đang sống rất hạnh phúc với người bạn đời cùng là nữ và chúng tôi đang chăm sóc con gái của một trong hai người. Chúng tôi mong muốn con của chúng tôi không gặp phải sự kỳ thị nào từ cộng đồng, để cháu có thể lớn lên trong yêu thương như bất kỳ đứa trẻ nào khác" - một thành viên của cộng đồng LGBT chia sẻ.
 

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh dư luận xã hội đang rất quan tâm đến quyền kết hôn của người những người trong giới LGBT trong Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi và Hiến pháp sửa đổi.

 

Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cho rằng, việc thừa nhận hôn nhân cùng giới thể hiện mạnh mẽ quan điểm bảo vệ quyền bình đẳng của tất cả mọi người Việt Nam.

Mong được Hiến pháp bảo vệ

 

Là một người phụ nữ trên 50 tuổi, có đứa con trai là người đồng tính, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy bộc bạch rằng, đây là lần đầu tiên trong đời bà biết đến Hiến pháp và bà “mạnh dạn đón nhận cơ hội để xin được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng”.

 

Bà Thủy nói: “Phụ nữ chúng tôi được tạo hóa ban cho thiên chức làm mẹ, nhưng đâu có ban cho cái quyền được sinh con theo ý muốn, và những đứa con ra đời cũng đâu có quyền chọn giới tính cho mình?”

 

Bà Thủy cho biết, một khi người phụ nữ sinh toàn con gái thì bản thân người mẹ và người con gái đều không được phía nhà chồng yêu quý. Còn trong trường hợp người phụ nữ sinh con trai, mà mãi gần 20 năm sau mới biết con mình đồng tính, thì có những người chồng đã tìm con khác ngoài giá thú, có người lại quyết định ly hôn.

 

“Hạnh phúc của người phụ nữ mong manh quá” - bà Thủy chia sẻ.


 Ảnh minh họa

 Những người phụ nữ có con là người đồng tính chịu rất nhiều thiệt thòi - Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (áo xanh) chia sẻ

 

“Do vậy, tôi khẩn cầu nhà nước bảo hộ quyền lợi của người mẹ dù sinh con trai, con gái, đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính, chuyển giới, khuyết tật… Và điều mong mỏi lớn nhất là trong Hiến pháp cần có sự bảo vệ quyền con người cho những con người đồng tính, những con người khuyết tật, HIV, dân tộc ít người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Có như vậy thì người phụ nữ chúng tôi mới cảm thấy yên tâm lúc mang thai, không phải lo lắng cho đứa con chào đời thuộc về giới tính nào. Phụ nữ chúng tôi mới có đủ tâm trí, nghị lực nuôi dạy con cái tốt và cống hiến toàn tâm toàn ý cho xã hội được” - bà Thủy tha thiết đề nghị.


Tuệ Khanh - (tin, ảnh)

Ý kiến bạn đọc