Tiền cấp dưỡng nuôi con: Món nợ khó đòi

13:39, 23/04/2013
|

(VnMedia) - Theo quy định của pháp luật, “người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con” là một nghĩa vụ của cha, mẹ khi ly hôn. Tuy nhiên trên thực tế, đây quả thực là một “món nợ khó đòi”...

 

Món nợ khó đòi

 

Chị Trần Thị Thu Lan (Nghĩa Tân, Hà Nội) ly hôn với chồng đã 3 năm nay. Khi ra tòa, chồng chị đã đồng ý để chị nuôi cả 2 đứa con, còn anh ta sẽ có trách nhiệm đóng góp, chu cấp tiền nuôi con cho chị. Anh ta còn bảo, chị hãy cho con học ở trường nào tốt nhất trong Thành phố, không cần phải lo chuyện tiền nong.

 

Tuy nhiên, sau vài tháng đầu “suôn sẻ”, kể từ khi tái hôn, anh ta bắt đầu lờ tịt nghĩa vụ làm cha đối với 2 đứa con của mình.

 

Vốn là người có lòng tự trọng cao, chị Lan rất ngại phải nhắc nhở chồng cũ về khoản tiền trợ cấp. Tuy nhiên từ năm ngoái, khi nền kinh tế suy thoái, công việc găp nhiều khó khăn, thu nhập giảm sút, tiền học thêm của các con ngày một tốn kém nên chị Lan đành bảo đứa con trai lớn gọi điện nhắc nhở bố. Thế nhưng, anh ta cứ ậm ậm ừ ừ, tháng thì đưa muộn, tháng thì khất lần... Không những thế, người vợ mới của anh ta cũng bắt đầu can thiệp vào chuyện chu cấp cho con riêng của chồng. “Mỗi lần trông thấy phiếu báo tiền nhập học của cháu là cô đau cả đầu. Cháu hãy nói với mẹ, không có tiền thì đừng cho con học trường tư thục nữa, vào trường công mà học” - con trai chị Lan ấm ức kể lại cho mẹ nghe lời phàn nàn của mẹ kế.

 

“Tôi không bao giờ ngờ được là anh ta lại trở nên vô trách nhiệm đến thế. Trước kia, anh ta vốn không đến nỗi ki kiệt và cũng rất thương con, chỉ phải cái tội hay gái gẩm lăng nhăng. Nhưng từ khi ly hôn, càng ngày anh ta càng trở nên tồi tệ đối với chính con đẻ của mình. Biết cuộc sống của mẹ con tôi khó khăn nhưng anh ta chẳng hề động lòng” – chị Lan thất vọng nói.

 

Trường hợp những người vợ sau khi li hôn bất lực trước việc đòi khoản đóng góp nuôi con của chồng cũ như chị Lan là rất phổ biến. Thậm chí, có người nuôi con một mình hàng chục năm trời mà không hề nhận được bất kỳ khoản đóng góp nào của chồng cũ. Mặc dù pháp luật cũng đã có quy định, nhưng phần lớn các bà mẹ chỉ trông chờ vào sự tự nguyện của những người chồng cũ chứ hiếm khi nhờ đến luật pháp. Lý do có thể do một phần ngại ngần, nhưng cái chính là họ cũng không mấy tin tưởng vào tính khả thi của Luật.


 Ảnh minh họa

 Tiền cấp dưỡng nuôi con luôn là một "món nợ khó đòi"...

 

Đóng góp cũng không đủ chi phí

 

Không kể những người vô trách nhiệm luôn chây ì trước nghĩa vụ đóng góp nuôi con sau khi ly hôn, ngay cả khi họ thực hiện một cách nghiêm túc theo luật định thì khoản đóng góp đó cũng không đáp ứng được nhu cầu thực tế.

 

Điều 56 của Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “Khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Mức cấp dưỡng cho con do cha, mẹ thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết". Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp sau khi ly hôn, khoản tiền cấp dưỡng chưa bảo đảm được quyền lợi của đứa con.

 

Quy định của Tòa án về mức cấp dưỡng là căn cứ vào mức thu nhập, giá cả thị trường tại thời điểm xét xử vụ án. Tuy nhiên, khi cha mẹ ly hôn hầu hết người con còn ở tuổi rất nhỏ có trường hợp 14, 15 năm sau mới đủ 18 tuổi. Mức cấp dưỡng không thay đổi trong khi thị trường giá cả biến động đã và đang trở thành gánh nặng cho những người trực tiếp nuôi dưỡng con sau khi ly hôn.

 

Quy định mức cấp dưỡng theo lương tối thiểu

 

Theo Điều 60 luật hiện hành quy định: “Khi ly hôn, nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình”. Tuy nhiên, quy định này rất khó đi vào thực tiễn trong các trường hợp ly hôn, mỗi người có mức thu nhập, điều kiện cụ thể và hoàn cảnh sống khác nhau. “Để đảm bảo nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống cho những người con có cha mẹ ly hôn được phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần thì pháp luật cần quy định cụ thể hơn về mức cấp dưỡng” - UBND thành phố Cần Thơ góp ý cho việc sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình.

 

Theo đề xuất của cơ quan này, nên quy định mức cấp dưỡng tính trên phần trăm thu nhập của người phải cấp dưỡng hoặc lấy mức tiền lương tối thiểu vào từng thời điểm làm định khung, để quy định mức cấp dưỡng. Dù người phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng không phải là người làm công ăn lương thì con của họ cũng cần phải được đảm bảo mức sống tối thiểu. Khi có sự thay đổi về mức lương, cơ quan thi hành án căn cứ vào đó áp dụng. Như thế sẽ có thể bảo đảm quyền lợi cho người được cấp dưỡng và tránh thiệt thòi cho người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn…

 

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, quyền nhận cấp dưỡng là quyền của người con khi cha mẹ ly hôn nên người trực tiếp nuôi dưỡng không có quyền từ chối cấp dưỡng. Việc từ chối cấp dưỡng sẽ dẫn tới quyền lợi chính đáng của người con không được đảm bảo. Vì vậy, Luật sửa đổi cũng cần quy định về vấn đề này.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc