Nợ đọng bảo hiểm xã hội có thể bị truy tố

14:38, 05/04/2013
|

(VnMedia) - Những doanh nghiệp đã thu tiền 1% lương của người lao động để nộp bảo hiểm nhưng lại chây ỳ, không nộp cho bảo hiểm xã hội sẽ bị truy tố ra pháp luật - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết trong buổi đối thoại trực tuyến tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sáng 5/4.


 Ảnh minh họa

 Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền - ảnh: VGP

 

Theo thống kê trên cả nước năm 2012, số tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) là trên 5.000 tỷ đồng, tập trung tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh vàdoanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài nguyên nhân là do tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản không có khả năng đóng BHXH, còn một nguyên nhân khác là các chế tài xử lý vi phạm Luật BHXH hiện nay còn hạn chế, chỉ ở mức dân sự. Chính vì vậy có nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét nghiên cứu đưa việc xử lý nợ đọng bảo hiểm của doanh nghiệp từ dân sự sang hình sự nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động.

 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng khẳng định, nợ đọng BHXH gần đây rất lớn, nằm ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên 40%,doanh nghiệp FDI là 14%. "Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đóng BHXH cho người lao động. Thậm chí có những doanh nghiệp đã thu tiền đóng BHXH của người lao động nhưng lại không đóng, dẫn đến việc khi người lao động đến thời gian được nghỉ, được hưởng chế độ thì phía BHXH lại nói là doanh nghiệp chưa nộp" - Bộ trưởng cho biết.

 

Để giải quyết vấn đề này, năm 2012, Bộ LĐ - TB&XH đã có văn bản kiểm tra các doanh nghiệp có nợ đọng đồng thời yêu cầu địa phương đôn đốc tích cực để yêu cầu chủ doanh nghiệp đóng. Chính vì vậy nợ đọng BHXH giảm 13,7% so với năm 2011.

 

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ sử dụng lao động nợ đọng bảo hiểm xã hội là từ chính sách. "Mức phạt chậm đóng BHXH chỉ chiếm 10%, nhưng nếu vay bên ngoài, lãi suất lên đến 15-20%/năm. Vì vậy, doanh nghiệp chấp nhận nợ BHXH để có vốn quay vòng" Bộ trưởng nhận định và cho rằng, cần phải xử lý nghiêm những doanh nghiệp này.

"Chúng tôi đã gửi công văn sang Bộ Tư pháp đề nghị xem xét các quy định pháp lý để có thể xử lý hành vi nợ đọng tiền BHXH mà người lao động đã đóng nhưng doanh nghiệp lại chưa đóng cho BHXH theo hướng hình sự” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

Với các giải pháp đồng bộ, tích cực, Bộ trưởng hy vọng số nợ BHXH sẽ giảm hẳn. Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Hải Chuyền, đối với những doanh nghiệp quá khó khăn cũng cần phải xem xét, có sự chia sẻ từ phía nhà nước cũng như người lao động.

 Ảnh minh họa

Những doanh nghiệp đã thu tiền bảo hiểm xã hội của người lao động nhưng vẫn không đóng cho Bảo hiểm sẽ bị đưa ra toà - ảnh minh hoạ

 

Tiếp tục xem xét tuổi nghỉ hưu của nữ giới

 

Tại buổi đối thoại trực tuyến sáng nay, vấn đề tuổi nghỉ hưu của nữ giới tiếp tục được quan tâm. Theo Bộ luật Lao động được ban hành tháng 6/2012, Điều 187 quy định nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi nghỉ hưu, những trường hợp đặc thù có thể nghỉ trước theo quy định tại Khoản 2. Trong khi đó, khoản 3 quy định người lao động có trình độ chuyên môn cao, người lao động làm quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu quá tuổi nhưng không quá 5 năm theo quy định tại khoản 1 điều này.

 

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, đây là vấn đề nhạy cảm và khó. “Chúng tôi được Chính phủ giao chuẩn bị Nghị định này và chúng tôi rất thận trọng, mở rộng thông tin xin ý kiến hai chiều. Có ý kiến cho rằng những người có kinh nghiệm, nhất là nữ nên kéo dài thời gian nghỉ hưu để phát huy năng lực và cũng là thực hiện bình đẳng giới. Nhưng theo luồng ý kiến khác, nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ có thể ảnh hưởng đến thế hệ trẻ, những người được đào tạo cơ bản nhưng hiện nay không có việc làm. Có những địa phương có 15 nghìn đến 25 nghìn người đã được đào tạo nhưng chưa có việc làm, họ sẽ hỏi rằng chúng ta nghĩ gì về trường hợp này?” - Bộ trưởng đặt vấn đề.

 

Vì vậy, bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, hiện Bộ đang rất cân nhắc và tham khảo ý kiến một cách thận trọng hơn để tới đây trình Chính phủ phương án theo đúng các quy định của luật, nhưng đồng thời xử lý được vấn đề mà 2 luồng ý kiến trên đặt ra.

“Sẽ phải có lộ trình từng bước để những người có khả năng được tiếp tục trọng dụng và phát huy, nhưng các bạn trẻ vẫn có cơ hội việc làm. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xin ý kiến và tới đây hoàn thiện phương án để được đồng thuận cao” - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nói.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc