Khó "cai nghiện" bệnh thành tích trong giáo dục

07:24, 29/01/2013
|

(VnMedia) - Bệnh thành tích trong học tập đã trở nên trầm trọng đến mức, ai cũng biết, ai cũng nói, ai cũng lên án, ai cũng muốn chống, nhưng rồi ai cũng phải lao theo mà chưa có cách gì gỡ ra được, để rồi mỗi năm vẫn có nhiều trẻ em bị bệnh tâm thần, thỉnh thoảng lại thêm một học sinh tự tử...

>>Những đứa trẻ chết vì kỳ vọng của cha mẹ
 

"Nghiện" thành tích từ cao xuống thấp

 

Nhiều năm nay, báo chí đã từng tốn không biết bao nhiêu giấy mực để nói về bệnh thành tích trong giáo dục. Cả các chuyên gia, cả giáo viên và học sinh, cả gia đình và nhà trường, tất thảy đều lên tiếng phản đối bệnh thành tích. Thế nhưng, tất cả mọi người cùng đang góp tay vào khiến bệnh thành tích trở nên trầm kha hơn.

 

Nữ hiệu phó của một trường tiểu học ở Hà Nội cho biết, trong phong trào chống bệnh thành tích, có rất nhiều điều bất cập. “Trong khi từ Bộ Giáo dục trở xuống đều kêu gọi chống bệnh thành tích, thì trong báo cáo tổng kết của các trường bao giờ cũng phải nêu xem thành tích nhà trường có bao nhiêu học sinh giỏi, bao nhiêu em học sinh yếu kém, bao nhiêu giáo viên đoạt danh hiệu dạy giỏi… Trường ít học sinh giỏi hơn không thể được khen thưởng, lớp ít học sinh giỏi hơn thì cô bị cắt thưởng. Cô giáo chủ nhiệm lớp không đạt chỉ tiêu thì mất uy tín. Thế thì chống thành tích kiểu gì?”.

 

Trong khi đó, một lãnh đạo trường khác cũng cho biết, sau khi được “tập huấn” về việc cần phải chống lại căn bệnh thành tích, trường anh đã quyết tâm hạ chỉ tiêu học sinh giỏi. Tuy nhiên, bản đăng ký kế hoạch chỉ tiêu đầu năm học của trường anh đã bị trả lại. “Cấp trên yêu cầu chúng tôi sửa vì… đăng ký ít học sinh giỏi quá. Chúng tôi đăng ký là dựa trên thực lực của học sinh, nhưng vì bị cấp trên ép nên khi về, tôi lại phải ép lại giáo viên. Chính vì thế mà có nhiều em nếu chi li ra thì chưa đủ giỏi vẫn “bị” nâng lên thành giỏi.” - vị Hiệu trưởng này tâm sự.

 

Năm vừa qua, ngay cả những trường tiểu học ở nông thôn Hà Nội cũng phải đạt chỉ tiêu học sinh giỏi khoảng 25-30%. Còn ở Thành phố thì tỷ lệ này còn cao hơn rất nhiều. “Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, con người ta có đến 90% là trung bình, chỉ khoảng 10% là giỏi. Thế nhưng ngày nay nhiều lớp có đến 50, 70% học sinh là giỏi, vậy thì không thành tích thì là cái gì?” - cô giáo Phạm Thúy N. đặt câu hỏi.

 

Mặc dù không muốn, nhưng để đạt chỉ tiêu thành tích, các giáo viên đã nghĩ ra không ít cách đối phó.

 

“Lớp cháu là lớp chuyên toán nên các cô môn phụ cũng nới tay. Thể dục, nhạc, họa, giáo dục công dân, tin học… đều chỉ cần học qua loa là được 9, 10. Vì vậy, gần như bạn nào cũng được học sinh giỏi” - một học sinh lớp chuyên cấp II cho biết.

 

Trong khi đó, hầu như những ai có con học tiểu học đều không khỏi bức xúc trong cách dạy văn ngày nay. Để học sinh được điểm cao, các giáo viên đều cho đề để học sinh làm trước ở nhà, rồi bố mẹ sửa, rồi cô sửa… rồi khi kiểm tra thì chép vào. Kết quả là thì văn toàn 9 với 10.

 

Thậm chí, có học sinh kể, nếu kỳ thi nào mà cả lớp đều bị điểm thấp, giáo viên sẽ cho làm thêm một bài phụ để… cộng điểm.

 

“Ngày xưa học sinh kém có thể lưu ban. Có em lưu ban đến mấy năm. Nhưng theo quy định mới của ngành giáo dục, một lớp không thể có 3 độ tuổi. Vì vậy, đã lưu ban một năm rồi thì năm sau có dốt mấy vẫn phải cho lên lớp. Phải tìm đủ mọi cách để cho học sinh đó lên được lớp” - một cô giáo chia sẻ.


Điển hình về bệnh thành tích trong học tập, chắc chắn phải kể đến những kỳ thi tốt nghiệp THPT mà có lẽ người viết bài này cũng không cần nhắc đến ở đây.

 Ảnh minh họa

 Bệnh thành tích đã khiến cho cả gia đình, nhà trường và học sinh khốn khổ nhưng đến nay vẫn chưa tìm được lối thoát - ảnh  minh họa


Phụ huynh cũng… nghiện theo

 

Căn bệnh thành tích đã trầm kha đến mức, bây giờ các bậc phụ huynh đã quá quen với việc con cái họ được 9 - 10 điểm, được học sinh giỏi rồi. Bây giờ, muốn chống bệnh thành tích nhưng thấy con được điểm 8 đã cuống lên.

 

“Cứ mỗi chiều đi làm về, câu đầu tiên mẹ hỏi cháu là được mấy điểm. Nếu 10 điểm thì mẹ tươi như hoa, nhưng chỉ cần được điểm 9 mẹ đã trợn mắt hỏi: Sao lại được có 9 điểm? Rồi mẹ bắt đầu la mắng, ca cẩm, thậm chí còn phạt nữa. Vì thế, mỗi khi không được điểm 10 cháu rất sợ” - Anh Tú, một học sinh lớp 9 tâm sự.

 

Nhiều người cho biết, con họ buộc phải được điểm cao, buộc phải đi học thêm ngày đêm không phải là để lấy kiến thức mà để thi được vào các trường nổi tiếng như trường Amsterdam hoặc các trường chuyên khác. Đó cũng là cơ hội để sau này các em có thể tìm được học bổng để đi du học. Kỳ vọng này tạo nên những cơn sốt học thêm, dạy thêm và đặc biệt là tạo áp lực rất lớn cho nhiều học sinh.

 

“Điều quan trọng không phải mình không biết những điểm 9, 10 là vô nghĩa. Mình cũng biết những kiến thức kiệ 9-10 đó chả giúp ích gì được cho cuộc sống của bọn trẻ sau này. Tuy nhiên, nó lại là cầu nối để bọn trẻ đến được với môi trường tốt. Thi vào cấp II cũng cộng điểm học sinh giỏi. Thi vào cấp III cũng thế. Con mình không “giỏi” chỉ có thiệt!” – chị Nguyễn Trâm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.

 

Đây chính là một thực tế khiến cho các bậc phụ huynh, dù có tư tưởng tiên tiến nhất cũng bị khuất phục, và cái vòng luẩn quẩn của chuyện chống bệnh thành tích nhưng vẫn thích nhiều học sinh giỏi hầu như chưa có hồi kết.


Mỹ Hạnh

Ý kiến bạn đọc