Suy nghĩ từ bài văn xuất sắc về bệnh vô cảm

16:17, 17/11/2012
|

(VnMedia) - Thời gian gần, cư dân mạng “phát sốt” với bài văn của một học sinh lớp 9 viết về sự vô cảm. Phần lớn các ý kiến đều khen bài viết hay, sâu sắc. Điều đó đúng và không phải bàn cãi, chỉ có điều khi đọc nó, người ta có cảm giác: suy nghĩ của em “già quá”.

 

Không thể không khen bài viết bởi nó đã nói lên một thực trạng rất đau lòng của xã hội hiện đại, đó là sự vô cảm. Nhưng hãy để ý đến những đoạn viết như: “Tại sao một người còn chưa qua tuổi trưởng thành lại vô tư chém giết cả nhà người ta để lấy của cải? Xa hơn nữa là các công chức bình thản ăn tiền ủng hộ, trợ giúp những số phận đau thương, bất hạnh của người dân để kiếm lợi cho riêng mình?”, hay “Suy cho cùng, tình cảm là điều chi phối tất cả. Những người vô cảm là những người bị thiếu hụt tình yêu thương. Chính vì không cảm nhận được tình yêu thương mà người ta ngày càng lạnh giá. Một phần nữa cũng là do xã hội hiện đại quá bận rộn và đòi hỏi con người phải làm việc, làm việc và làm việc mà bỏ quên thời gian để trao nhau hơi ấm của tình thương, để ươm mầm cảm xúc”…

 

Chúng ta có thể vui vì xã hội còn có những con người, đặc biệt là lớp trẻ, lên án những hành vi thiếu đạo đức, thiếu tình người. Chúng ta cũng khen ngợi các em còn nhỏ mà hiểu biết, mà sâu sắc, nhưng chúng ta liệu có muốn con cái của mình trở thành những “ông cụ, bà cụ” như vậy?

 

Còn nhớ bức thư đoạt giải nhất cuộc thi viết thư UPU của một học sinh lớp 6. Trong bức thư nói về bệnh AIDS gửi đạo diễn Trương Nghệ Mưu có đoạn viết: “…Đó là một vị công chức suốt đời phấn đấu, giữ gìn thế mà chỉ một phút ham vui đã đánh mất đi tất cả”.

 

Không thể phủ nhận những bài văn đó rất hay. Nhưng tại sao một học sinh lớp 9 có thể biết được chuyện những “công chức” bình thản “ăn tiền”? Tại sao em lại có thể cảm nhận và viết một cách sâu sắc về một mảng tối của xã hội, đó là sự vô cảm? Tại sao một học sinh lớp 6 lại có thể hiểu và viết được về một công chức “ham vui” đã “đánh mất” tất cả?...


 Ảnh minh họa

 Tại sao em lại có thể cảm nhận và viết một cách sâu sắc về một mảng tối của xã hội, đó là sự vô cảm?

 

Trên đây chỉ là 2 ví dụ điển hình, nhưng thực tế thì các bậc phụ huynh ngày nay đều có chung một cảm nhận là con của họ “già quá”.

 

Dù lý do khiến các em trở nên già dặn trước tuổi, cảm nhận được những vấn đề mà lẽ ra chỉ có người lớn mới cảm nhận được là gì, thì theo tác giả bài viết này, đó cũng là một điều đáng phải suy nghĩ. Điều đáng nói là những điều các em viết không phải từ trí tưởng tượng, mà là sự thật, những sự thật đau lòng khiến người lớn giật mình suy nghĩ, “phải nhìn lại cái Tâm của mình” như một độc giả viết.

 

Tuổi thơ, lẽ ra các em phải được vô tư, vui vẻ đúng như cái tuổi của mình, được hưởng sự yêu thương, và nhìn thấy những tấm gương tốt đẹp để học hỏi.

 

Tuổi thơ, lẽ ra tâm hồn các em phải trong sáng, phải tràn đầy niềm tin vào những người lớn, vào xã hội chứ không phải nhìn thấy những công chức thản nhiên “ăn tiền” hay “ham vui” của lạ.

 

Các em được học rất nhiều điều trong sách đạo đức, nhưng cần hơn thế, đó là trong cuộc sống, các em phải nhìn thấy những tấm lòng vị tha, những hành động dũng cảm, những hơi ấm sẻ chia…

 

Các em sẽ lớn lên như thế nào khi thấy rằng, nhan nhản trong cuộc sống là những hành vi đáng xấu hổ của người lớn? Tấm gương nào để các em soi vào?

 

Sẽ tốt hơn cho chính các em, nếu có được những bài văn sâu sắc, cảm nhận về cái hay, cái đẹp của sống, của tình người. Nhưng các em chỉ có thể làm được điều đó, nếu xã hội có nhiều hơn những hình ảnh đẹp và bớt đi những hiện tượng đau lòng, bởi vì các em rất chân thật. Các em viết những gì mình nhìn thấy và cảm nhận.

 

Đó chính là trách nhiệm của người lớn chúng ta, từ môi trường gia đình cho đến nhà trường và xã hội.


Mỹ Hạnh

Ý kiến bạn đọc