Đổi giờ học cũng có nhiều cái lợi?

14:01, 02/02/2012
|

(VnMedia) - Khi kế hoạch đổi giờ của Hà Nội được thực hiện, rất nhiều ý kiến cho rằng nó làm xáo trộn lịch sinh hoạt của gia đình và đặc biệt là ảnh hưởng lớn đến các cháu học sinh. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến phân tích rằng, nếu thực hiện nghiêm sẽ có nhiều cái lợi.

 

Rớt nước mắt thương con về quá muộn

 

Theo khá nhiều ý kiến của các phụ huynh có con đang là học sinh THPT, thì việc vào học lúc 7 giờ sáng đã khiến các con phải đi học quá sớm, nhất là vào thời điểm mùa đông như hiện nay.

 

“Các con học sinh cấp III bây giờ bài vở nhiều, tối nào cũng phải học đến khuya. Vậy mà sáng lại phải dậy từ rất sớm để còn ăn sáng và kịp đi đến trường. Nếu lớp vào học lúc 7 giờ sáng thì để chắc chắn, bố mẹ phải đưa con đến sớm hơn khoảng 10-15 phút. Chính vì vậy, các con sẽ rất mệt mỏi. Hơn nữa, đi sớm trời rất lạnh. Đưa con đi học sớm thấy thương lắm” - chị Phan Thị Hòa, nhà ở phố Hoàng Quốc Việt, có con học trường chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông) xót xa nói.

 

Nhưng có lẽ, điều lo lắng, xót xa nhất với các con là buổi chiều về quá muộn. 7 giờ tối tan học, nếu có về thẳng nhà thì cũng phải 7h30 mới có mặt. Bố mẹ không tiện đường đón con, về nhà rồi lại phải lần nữa ra đường, vừa tốn xăng, vừa tốn thời gian. Còn chờ ở trường thì không có ai về lo cơm nước. Để con đi xe đạp trời tối thì không yên tâm.

 

“Con trai tôi trước đây đi học bằng xe đạp, thường về nhà vào lúc 6h chiều. Nghỉ ngơi một chút, ăn uống rồi đi học thêm ca tối để chuẩn bị thi đại học. Nay 7 giờ tan, không có thời gian để về nhà, ăn cũng không kịp chứ nó gì đến nghỉ ngơi. Tan lớp ra, mẹ chuẩn bị cho cái bánh mì, vừa nhai vừa đến lớp học thêm. Tối về mệt nhoài, cơm chưa kịp ăn lại lao vào học. Thương con mà ứa nước mắt” - chị Thoa (Trung Hoà, Nhân Chính) nói.


 Ảnh minh họa

 Đổi giờ, nhiều học sinh phải ở ngoài đường khi trời đã tối


Nhưng có lẽ, lo lắng nhất là những phụ huynh có con gái học cấp III. “Từ trước đến nay, tôi hầu như không bao giờ cho con gái đi ra đường một mình vào buổi tối. Cháu học cũng không cách nhà xa lắm nên thường đi bộ. Về đến nhà buổi chiều muộn lắm cũng chỉ khoảng 6 giờ. Bây giờ đổi giờ thế này, để con gái đi buổi tối một mình tôi không thể nào yên tâm được. Mà đưa đón thì không thể vì tôi là y tá, làm công việc trực theo ca. Bây giờ, tôi thực sự rất bối rối” - chị Nga, công tác tại một bệnh viện cho biết.


Sẽ góp phần giảm học thêm, trái tuyến?

 

Tuy nhiên, không phải không có ý kiến cho rằng, việc đổi giờ học xét về mặt nào đó cũng có cái lợi đối với các con.

 

Theo một học sinh (giấu tên): “Trước đây sau khi tan học cháu thường phải lao đi học thêm, thậm chí học 2 đến 3 ca buổi tối. Dù có nói thế nào thì bố mẹ cháu cũng vẫn bắt đi vì cho rằng, tất cả các bạn khác đều học như thế, nếu cháu không học thì không thể làm nên trò trống gì. Nhưng nay, do giờ học chính về muộn nên chắc chắn bố mẹ sẽ phải cắt bớt chương trình học thêm, và như vậy cũng sẽ đỡ mệt mỏi hơn”.

 

Đồng ý kiến này, một phụ huynh từ trước luôn phản đối việc học thêm quá nhiều thậm chí đã tỏ ra… mừng vì theo anh này, việc các con đồng loạt phải cắt bỏ học thêm do đổi giờ có lẽ cũng là một sự công bằng đối với những con không có điều kiện học thêm. “Tôi luôn phản đối chuyện học thêm quá nhiều, nhưng vợ con tôi lại lo lắng con sẽ bị thiệt thòi vì các bạn khác học thêm nhiều, nếu mình không học thêm thì sẽ khó chạy đua được. Nhưng nay, có thể sẽ có sự thay đổi” - phụ huynh này nói.

 

“Nhiều bố mẹ có con học cấp III lo lắng nhất chuyện con họ không học thêm thì khó thi đại học, nhưng theo tôi, nếu tất cả cùng không học thì sẽ chẳng có gì lo lắng cả. Hơn nữa, điều này cũng sẽ bình đẳng với học sinh các vùng khác, con cái họ có học nhiều thế đâu mà vẫn đỗ đại học đấy thôi?” - một phụ huynh khác nói.

 

Trong khi rất nhiều phụ huynh lo lắng việc đưa đón con thì một số người đánh giá, về mặt quản lý nhà nước, khó khăn này sẽ khiến tình trạng học trái tuyến có cơ hội được cải thiện. Những người không có điều kiện đưa đón con sẽ phải chấp nhận cho con học trường gần nhà.

 

Về mặt giao thông, một số ý kiến cũng cho rằng, việc đổi giờ sẽ giúp tăng tần suất sử dụng xe buýt của đối tượng là học sinh THPT, đúng như mục đích của Thành phố và ngành giao thông.

 

Về những lo lắng của phụ huynh khi con cái về muộn, ảnh hưởng tới sinh hoạt, một phụ huynh còn thẳng thắn: “Tôi thấy nhiều bố mẹ ngày ngày đưa đón con đến dăm bảy lần để đi học thêm khắp các lò cũng vẫn tự nguyện mà chẳng kêu ca gì. Rồi thì hàng đoàn học sinh cứ tan học là ăn bánh mì cầm hơi để đi học thêm thì chẳng sao. Thế mà vì chuyện đổi giờ thì lại kêu ca. Hình như, mọi người cứ tìm cớ để mà kêu thì phải”.

 

Tuy nhiên, có một điều mà có vẻ rất nhiều người đang có chung ý kiến, đó là việc đổi giờ này “rất khó đem lại hiểu quả chống tắc đường như Ngành GTVT và Thành phố kỳ vọng”.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc