Việt Nam đăng cai SEA Games 31: Bài học từ Asiad 18!

11:02, 06/04/2015
|

(VnMedia) - Liên đoàn thể thao Đông Nam Á gửi đề nghị Việt Nam đăng cai SEA Games 31, với con số dự trù 100 triệu USD khiến dư luận chưa quên bài học vụ xin rút lui tổ chức Asiad 18.

Từ thành công đăng cai SEA Games 2003

Kể từ lần đầu tiên trở lại hội nhập vào năm 1989, Việt Nam mới nhận lời đăng cai ngày hội thể thao lớn nhất của thể thao Đông Nam Á vào năm 2003. Không chỉ ghi dấu ấn với việc xây dựng hình ảnh con người Việt Nam thân thiện, hiếu khách, thể thao Việt Nam cũng ghi dấu ấn với vị trí số 1 toàn đoàn, với 158 HC vàng, 97 HC bạc, 91 HC đồng.

Cũng từ bước ngoặt này, thể thao Việt Nam luôn duy trì vị thế trong top 3 ở những kỳ Đại hội tiếp theo. Tính ra trong 6 kỳ SEA Games đã qua, thể thao Việt Nam đã trở thành nền thể thao khu vực hàng đầu và đặt dấu ấn để tiếp cận trình độ Á vận hội.

Ngoài ra việc xây dựng cơ sở vật chất để phục vụ SEA Games cũng giúp các địa phương có thêm cơ sở để đào tạo VĐV, HLV trong chương trình dài hạn phục vụ các môn Olympic. Rất nhiều nhà vô địch châu Á và thế giới cũng xuất hiện kể từ lần đầu tiên thể thao Việt Nam đăng cai SEA Games đúng 13 năm trước.  

Sau thời gian Hà Nội đăng cai SEA Games 22, đến lượt TP HCM đứng trước cơ hội đăng cai SEA Games 31 vào năm 2021. Cụ thể trong thư tay vừa gửi lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch ngày 19/3 vừa qua, ông Chris Chan - Chủ tịch Ủy ban Thể thao và luật của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á gửi lời mời Việt Nam xác nhận tổ chức SEA Games 2021.

Liên đoàn thể thao Đông Nam Á đề nghị Ủy ban Olympic Việt Nam xin phép Chính phủ xác nhận bằng văn bản về việc tổ chức SEA Games 31 năm 2021 và công bố văn bản đó tại phiên họp hội đồng Liên đoàn thể thao Đông Nam Á vào ngày 4/6 tới ở Singapore.

Ảnh minh họa

Việt Nam từng gặp bài học xương máu khi rút lui đăng cai ASIAD 18
vì không đủ tiềm lực tài chính và kinh nghiệm tổ chức một kỳ Á vận hội.

Việt Nam chỉ có 2 tháng để quyết định tính từ thời điểm lá thư của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á được gửi về việc đăng cai sớm SEA Games hơn dự kiến 2 năm. Rất nhiều nhà lãnh đạo và chuyên môn khẳng định rằng, việc đăng cai SEA Games là cần thiết. Giống như đăng cai SEA Games 12 năm trước, lần tổ chức tại TP HCM tạo thêm động lực phát triển cho Thể thao Việt Nam, và đó cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của Thể thao Việt Nam đối với thể thao Đông Nam Á trong tư cách thành viên. Chưa kể cơ hội quảng bá văn hóa, thể thao và du lịch cũng như động lực để vươn tầm của TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung qua sự kiện lần này.

Tất nhiên ở lần thứ hai đăng cai tổ chức SEA Games cũng phải có sự chuẩn bị nghiêm túc ngay từ bước đầu, chứ không đơn giản là chuyện đến hẹn lại lên, nhất là sau khi Việt Nam từng gặp bài học xương máu về việc đăng cai Asiad 2019. Cũng chỉ vì áp lực tài chính quá lớn để đăng cai Á vận hội buộc Việt Nam phải rút lui vào phút cuối, dù Hội đồng Olympic châu Á đã lựa chọn chúng ta tổ chức Đại hội thể thao lớn nhất châu lục. 

100 triệu USD hay lại 1 tỉ USD tổ chức !?

Còn nhớ dự trù chuẩn bị Asiad 18 trên sân nhà, lãnh đạo đầu ngành thể thao dự trù kinh phí ở tầm 150 triệu USD. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ, ban ngành cho rằng con số kể trên chưa dự đoán chính xác mức chi phí để xây dựng các công trình phục vụ Đại hội. Rất nhiều TP đăng cai đổ số tiền cực lớn để đăng cai Asiad, như Quảng Châu – thành phố Trung Quốc rơi vào tình trạng nợ xấu (32 tỉ USD) sau đăng cai Asiad 16, trong khi Incheon (Hàn Quốc) được tiết lộ đã chi 1,2 tỉ USD cho việc tổ chức kỳ Đại hội thể thao châu Á vừa qua. Hay TP Busan (Hàn Quốc) tốn 2,9 tỉ USD chỉ vì việc xây dựng cơ sở vật chất cho Asiad 2002.

Nhất là bối cảnh những khó khăn của nền kinh tế, cùng ngân sách hạn hẹp không cho phép Việt Nam chi một khoản tiền lớn để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, bao gồm một làng vận động viên và nhiều công trình khác. Việt Nam cũng không có kinh nghiệm tổ chức một giải thể thao tầm cỡ và gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị dẫn đến việc con số đầu tư sẽ chênh lệch lớn với chi phí dự toán ban đâu. 

Bài toán khó đặt ra với Việt Nam lúc này nếu nhận lời đăng cai SEA Games 31 thì sẽ đăng cai ở đâu và nguồn kinh phí dự trù thế nào. Chúng ta không thể tái diễn tình trạng gật đầu đồng ý rồi lại xin rút lui vì khó khăn tài chính và khâu tổ chức như trường hợp Asiad 18.

Thủ đô Hà Nội từng là thành phố chính của Việt Nam đăng cai SEA Games 22 năm 2003. Bởi vậy lần đăng cai thứ 2 này, nhiều ý kiến nghiêng về TP.HCM - trung tâm kinh tế năng động nhất Việt Nam. Tuy nhiên, kinh phí để tổ chức tại TP.HCM sẽ lớn hơn ở Hà Nội rất nhiều vì bối cảnh của TP này khác hẳn Hà Nội.

Ảnh minh họa

TP HCM sẽ phải xây sân vận động mới nếu tổ chức SEA Games 2021.

Một lãnh đạo Ủy ban Olympic Việt Nam đưa ra con số dự trù hơn 100 triệu USD (hơn 2.000 tỉ VNĐ), vốn chỉ bằng 2/3 con số dự trù từng gây nhiều tranh cãi trong đề án xin đăng cai Asiad 18. Đây là đề án thiếu thực tế và chính xác nếu so với chính SEA Games 2003. Ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao cho biết: “Tổng chi phí lần tổ chức SEA Games 22 ở Hà Nội khoảng 5.000 tỉ VNĐ, tương đương 250 triệu USD. Nếu TP HCM đứng ra tổ chức, tôi chỉ tính 2 hạng mục cơ bản cần phải xây dựng là một sân vận động đạt tiêu chuẩn giống sân Mỹ Đình (khoảng 70 triệu USD) và một khu liên hợp thể thao dưới nước (khoảng 30 triệu USD) đã hết khoản dự trù 100 triệu USD". 

Trong khi sau 12 năm, mức độ trượt giá đã cao hơn nên TP HCM sẽ tổ chức giải đấu với con số phải chí ít gấp đôi TP Hà Nội tổ chức SEA Games 2003. Nếu như vậy, con số chí ít TP HCM phải đổ ra khoảng 400 đến 500 triệu USD. Đây là con số không hề nhỏ trong việc phải xây dựng mới sân vận động thay sân Thống Nhất quá nhỏ và nằm ở trong trung tâm TP là vấn đề đặt ra. Chưa kể việc sửa chữa những nhà thi đấu cũ và đồng bộ hóa các cơ sở vật chất mới cùng việc xây dựng Làng VĐV, đường xá, khách sạn... phục vụ SEA Games 31 cũng đặt ra nhiều tính toán trong việc hoạch định cụ thể với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Ủy ban Olympic Việt Nam trong hai tháng còn lại. 


Nhật Minh

Ý kiến bạn đọc