Lái xe đâm 5 học sinh thương vong chịu hình phạt nào?

06:48, 03/04/2015
|

(VnMedia) - Liên quan đến vụ tai nạn kinh hoàng khiến 5 em học sinh thương vong xảy ra tại Phú Thọ, luật sư cho biết, hành vi của tài xế đã vi phạm các qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, có thể chịu hình phạt tù đến 15 năm...

>> Bắt lái xe gây tai nạn khiến 5 học sinh thương vong
  >> Phó Thủ tướng yêu cầu điều tra xe biển xanh gây tai nạn
>> Tai nạn kinh hoàng, 4 học sinh thương vong

Ảnh minh họa
Hiện trường vụ tai nạn

Như đã đưa tin, vào khoảng 13h30 chiều 1/4, ông Nguyễn Xuân Hợi (32 tuổi, ở Phú Thọ) điều khiển xe biển xanh BKS 19C - 0829, gây ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng cho nhóm 5 học sinh của Trường THCS Thanh Hà, trong đó 1 em tử vong, 4 em trọng thương.

Để làm rõ hành vi vi phạm của lái xe, VnMedia đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) về sự việc.

- Thưa luật sư, qua sự việc trên, luật sư có nhận định như thế nào về hành vi vi phạm của lái xe?

Theo quan điểm của tôi, đây là vụ tai nạn giao thông gây hậu qủa đặc biệt nghiêm trọng cho các học sinh trên đường đi học về. Bộ luật hình sự tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

Về vụ tai nạn xảy ra, theo bản ảnh chụp vị trí tai nạn, địa điểm xe ô tô gây tai nạn cho các cháu học sinh là ngã 3 đường, nằm trong khu dân cư.

Theo lời khai ban đầu của lái xe, khi xe đi từ đường mới xã Đỗ Sơn và Sơn Cương (người dân gọi là đường Cụm công nghiệp Làng nghề phía Nam Thanh Ba) rẽ ra Tỉnh lộ 320 để về Tp. Việt Trì thì gặp một chiếc xe máy từ bên trong đi ra. Cùng lúc này, sát bên lề đường bên phải còn có 2 chiếc xe đạp nữa cũng đang vào cua rẽ ra Tỉnh lộ 320. Trước tình huống trên, lái xe Hợi đã không làm chủ tốc độ đánh lái để tránh nên đã đâm thẳng vào tốp học sinh đang ở sát lề đường. Hậu quả có 1 cháu bị tử vong và 4 cháu bị thương tích.

Hành vi của lái xe đã có lỗi vi phạm qui định của Luật giao thông đường bộ. Cụ thể, lái xe đã vi phạm qui định sau:

+  Khoản 5 - Điều 4 Luật giao thông đường bộ: Nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ: Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ. 

+ Điều 12 Luật giao thông đường bộ: Tốc độ xe và khoảng cách giữa các xe:

1. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo "Cự ly tối thiểu giữa hai xe" phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo.

2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tốc độ xe và việc đặt biển báo tốc độ; tổ chức thực hiện đặt biển báo tốc độ trên các tuyến quốc lộ.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc đặt biển báo tốc độ trên các tuyến đường do địa phương quản lý.

+ Thông tư 13 ngày 17/7/2009 Quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ: Các trường hợp phải giảm tốc độ khi Qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức và qua khu vực có trường học; khu vực đông dân cư.

Ở vụ tai nạn xảy ra, hậu quả do lỗi vi phạm luật giao thông đường bộ của lái xe đã dẫn tới hậu quả 1 cháu bị tử vong và 4 cháu bị thương tích. Hành vi của lái xe đã vi phạm các qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 202 BLHS.

Thiệt hại nghiêm trọng xảy ra là dấu hiệu bắt buộc của trong cấu thành của tội phạm này. Hành vi vi phạm chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại về tính mạng, thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe hoặc tài sản của người khác.

Căn cứ Khoản 4 Mục I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối Cao hướng dẫn áp dụng các tình tiết "gây thiệt hại nghiêm trọng", "gây hậu quả rất nghiêm trọng", "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự qui định như sau:

4.1. Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ nếu chỉ căn cứ vào thiệt hại xảy ra, thì gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự:

Làm chết một người; Gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên; Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%; Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng; Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người, với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng; Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.

4.2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây là "gây hậu quả rất nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự:

Làm chết hai người; Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e tiểu mục 4.1 mục 4 này; Gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên; Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%;  Gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm c, d, đ và e tiểu mục 4.1 mục 4 này; Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng.

4.3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây là "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 202 Bộ luật Hình sự:

Làm chết ba người trở lên; Làm chết hai người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e tiểu mục 4.1 mục 4 này; Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm c, d, đ và e tiểu mục 4.2 mục 4 này; Gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên; Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của những người này trên 200%; Gây tổn hại cho sức khoẻ của ba hoặc bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây thiệt hại về tài sản được hướng dẫn tại điểm e tiểu mục 4.2 mục 4 này; Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên.

Ảnh minh họa
Luật sư Nguyễn Anh Thơm

- Trong vụ việc này, chủ phương tiện phải có trách nhiệm liên đới bồi thường không, thưa luật sư?

Căn cứ theo Điều 632 Bộ luật dân sự “Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra” có qui định chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Căn cứ Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối Cao hướng dẫn áp dụng một số qui định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Về nguyên tắc chung chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.

Nguyên tắc bồi thường là xét trên cơ sở chủ phương tiện, là người có điều kiện về kinh tế hơn thì người đó bồi thường trước. Người lái xe thuê không có tài sản để đảm bảo việc bồi thường.

Trong vụ án này, theo quan điểm của tôi thì Chủ xe phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các Bị hại, sau đó chủ phương tiện có thể khởi kiện lái xe để giải quyết đòi lại số tiền đó ở vụ kiện dân sự khác. Nếu không khởi kiện thì thì hai bên tự thỏa thuận về số tiền chủ phương tiện đã bồi thường.

Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ

1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.


Khánh Công

Ý kiến bạn đọc