70 tuổi phạm tội vẫn áp dụng khung hình phạt tử hình

20:18, 08/04/2015
|

(VnMedia)- Theo phân tích, nhiều người ở lứa tuổi 70 còn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, còn có thể là người cầm đầu các tổ chức tội phạm vì thế cần cân nhắc có bỏ khung hình phạt tử hình khi phạm tội ở tuổi này...

>> Pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự?
>> Sửa Luật Hình sự để phòng, chống tội phạm
>> Không giảm án tử hình với tội tham ô tài sản và nhận hối lộ

Ảnh minh họa


70 tuổi vẫn có thể cầm đầu các tổ chức tội phạm

Báo cáo tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự án luật Hình sự sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thay mặt cơ quan soạn thảo cho biết, Dự thảo Bộ luật Hình sự bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh như: cướp tài sản; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh. Bên cạnh đó, cũng tách tội vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy thành các tội danh độc lập và chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy. Còn đối với các tội danh khác thì mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Dự thảo Bộ luật cũng mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân- Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết. Theo đó, ngoài 2 đối tượng là phụ nữ có thai và phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi như quy định hiện hành, thì bổ sung thêm 2 đối tượng. Cụ thể, người từ 70 tuổi trở lên; người bị kết án tử hình không thuộc các đối tượng nêu trên nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất là 1/2 số tiền, tài sản do phạm tội mà có, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Liên quan đến việc đối tượng phạm tội 70 tuổi được bỏ hình phạt tử hình, báo cáo thẩm tra dự án luật Hình sự (sửa đổi) của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng nêu rõ, Khoản 2 và Điểm b khoản 3 Điều 39 dự thảo quy định không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với người phạm tội từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc tại thời điểm thi hành án. Về vấn đề này, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội có hai loại ý kiến:

Ý kiến thứ nhất, tán thành với quy định của dự thảo, nhằm khẳng định tính nhân đạo của pháp luật nước ta và theo thông lệ chung của nhiều nước;

Ý kiến khác cho rằng, theo quy định hiện hành, người từ 60 tuổi trở lên là người cao tuổi. Trong khi tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã được nâng cao, trình độ dân trí và đời sống vật chất ngày càng được cải thiện, người 70 tuổi nhìn chung vẫn còn khả năng về thể lực và trí lực, sự chênh lệch so với lứa tuổi thấp hơn không nhiều. Thực tế, nhiều người ở lứa tuổi này còn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, còn có thể là người cầm đầu các tổ chức tội phạm (xâm phạm an ninh quốc gia, khủng bố, rửa tiền), cầm đầu đường dây buôn bán ma túy hoặc chủ mưu các băng, nhóm tội phạm...Vì vậy, cần có sự phân hóa cụ thể nhóm tội và trường hợp phạm tội cụ thể để áp dụng, bảo đảm hiệu quả trong phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Trong phiên họp cho ý kiến về dự án luật Hình sự (sửa đổi) hôm qua, Phó Chủ tịch Quốc hội
Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, tuổi thọ của chúng ta nâng cao rồi. Tuổi 70 là chống đối mạnh mẽ nhất đấy. Tôi không hiểu lý do gì mà lại quy định như thế. Tôi đồng ý là giảm tuổi thành niên xuống và tăng tuổi ông già lên.

Đây cũng là quan điểm của bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Bà Trương Thị Mai cho rằng, trên thực tế nhiều ông 70 tuổi còn trẻ lắm, không nên bỏ án tử hình. Chỉ 80 tuổi mới nên bỏ.

Nộp tiền cũng không thoát án tử

Bên cạnh việc cho ý kiến về việc cần cân nhắc khi bỏ án tử hình cho người phạm tội 70 tuổi, vấn đề nộp tiền thay cho thi hành án tử hình cũng được đưa ra phân tích.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hình sự (sửa đổi) của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu, điểm c khoản 3 Điều 39 Dự thảo quy định về việc không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình, nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất 1/2 số tiền, tài sản do phạm tội mà có.

Về vấn đề này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc bổ sung quy định không thi hành án tử hình trường hợp nêu trên cần cân nhắc kỹ, vì thực tiễn thi hành không có vướng mắc. Nếu cần thiết phải bổ sung điều kiện này để giảm án tử hình trên thực tế thì cần có sự phân hóa, loại trừ các đối tượng cụ thể, tránh xu hướng mọi trường hợp đều có thể dùng tiền để thoát án tử hình.

Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã thay mặt ban thẩm tra dự án Luật Hình sự (sửa đổi) đề nghị, để bảo đảm thống nhất áp dụng chính sách hình sự, đề nghị cân nhắc loại trừ các nhóm đối tượng sau: Người đã phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng, các tội phạm về ma túy; Người phạm tội là người tổ chức, người phạm tội có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, người thực hiện tội phạm một cách man rợ, dã man, tàn bạo hoặc có nhiều tình tiết tăng nặng.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc