Kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng hành chính

12:30, 12/02/2015
|

(VnMedia)- Theo Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao Bùi Ngọc Hoà, địa vị pháp lý của Kiểm sát viên khi tham gia giải quyết vụ án hành chính còn có những bất cập, cần được cân nhắc để có những bổ sung, sửa đổi.

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ.

Những bất cập về kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng hành chính.

Theo báo cáo Tổng kết 3 năm thi hành Luật Tố tụng hành chính của Toà án nhân dân tối cao, theo quy định tại Điều 23 Luật tố tụng hành chính thì Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính. Tuy nhiên, phương thức để Viện kiểm sát nhân dân thực hiện quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính (kiểm sát trực tiếp hay kiểm sát qua văn bản), địa vị pháp lý của Kiểm sát viên khi tham gia giải quyết vụ án hành chính cũng còn có những bất cập, cần được cân nhắc để có những bổ sung, sửa đổi. Ví dụ: tại phiên tòa sơ thẩm, theo quy định tại khoản 1 Điều 160 Luật tố tụng hành chính thì: “Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng hành chính, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước khi Hội đồng xét xử nghị án”.

Quy định nêu trên có điểm chưa hợp lý đó là theo quy định của Hiến pháp thì Viện kiểm sát chỉ thực hiện việc kiểm sát hoạt động tư pháp (tức là kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử) mà không kiểm sát về việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng. Bên cạnh đó, nếu Viện kiểm sát chỉ thực hiện việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật, không phát biểu về nội dung vụ án và quan điểm về việc giải quyết vụ án thì Kiểm sát viên tham gia phiên tòa sơ thẩm có phải là người tiến hành tố tụng hay không? Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên có được hỏi các đương sự không? nếu được thì hỏi về những vấn đề gì? Về nội dung vụ án hay về thủ tục tố tụng? Đây là những vấn đề chưa được làm rõ.

Ngoài những vướng mắc, bất cập nêu trên, theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật tố tụng hành chính: “Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, nếu họ không có người khởi kiện thì Viện kiểm sát có quyền kiến nghị Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú cử người giám hộ đứng ra khởi kiện vụ án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người đó”. Với quy định này, thực tế sẽ rất khó có người đứng ra khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự nếu quyết định hành chính, hành vi hành chính có liên quan đến lợi ích của họ do chính Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (hoặc cơ quan hành chính cấp trên) nơi người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự cư trú. 

Về bảo đảm tranh tụng trong tố tụng hành chính

Tại báo cáo Tổng kết 3 năm thi hành Luật tố tụng hành chính cũng chỉ ra việc bảo đảm tranh tụng trong xét xử là chủ trương lớn được xác định trong nhiều văn kiện của Đảng; được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận là một nguyên tắc trong tổ chức, hoạt động của Tòa án nhân dân. Tuy nhiên, nguyên tắc này chưa được cụ thể hóa trong các luật tố tụng nói chung và Luật tố tụng hành chính nói riêng. Bởi vậy, nội hàm của “tranh tụng” chưa được làm rõ; quyền, nghĩa vụ của những người tham gia tranh tụng còn chưa đầy đủ; phạm vi tranh tụng, trách nhiệm của Tòa án, Thẩm phán và Hội thẩm trong việc bảo đảm quyền tranh tụng của đương sự chưa được quy định cụ thể hoặc còn bất cập, đặc biệt là trong việc thu thập, cung cấp và tiếp cận chứng cứ.

Trên thực tế, khái niệm “tranh tụng” mới chỉ được hiểu là việc tranh luận tại phiên tòa và chỉ mang tính thực chất trong những vụ án có Luật sư tham gia hoặc trong những vụ án mà đương sự có trình độ hiểu biết pháp luật nhất định; đồng thời, bên bị kiện cử người có đủ thẩm quyền, nắm rõ sự việc liên quan đến khiếu kiện tham gia phiên tòa. Những vụ án mà người khởi kiện có điều kiện kinh tế khó khăn, không thuê Luật sư bảo vệ quyền, lợi hợp pháp cho mình hoặc những vụ án mà bên bị kiện ủy quyền cho người không phải là người quản lý, điều hành lĩnh vực liên quan đến khiếu kiện, ủy quyền cho Luật sư tham gia tố tụng thì việc tranh tụng tại phiên tòa chưa bảo đảm; chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp đã đề ra.  


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc