Những lưu ý khi lưu thông sau các xe cồng kềnh

06:59, 18/04/2014
|

(VnMedia)- Khi đi trên đường, nếu gặp các loại xe cồng kềnh như xe công nông đang chở đầy hàng, một chiếc máy kéo, xe thồ… Nếu muốn vượt thì phải làm thế nào?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Theo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Bộ Công an), trong quá trình lưu thông trên đường, nếu gặp các loại xe chở hàng cồng kềnh nêu trên, cần tuân thủ quy tắc xin vượt được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 14 Luật giao thông đường bộ như sau:

Thứ nhất:  Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.

Thứ 2: Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.

Đối với các chủ phương tiện khi chở hàng cồng kềnh cần chú ý: Việc xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông cần phải tuân thủ các quy định về tổng trọng lượng của xe, tải trọng trục xe, chiều cao, chiều rộng, chiều dài xếp hàng hóa được phép của xe và không vượt quá tải trọng thiết kế của xe được ghi trong giấy đăng ký xe; Hàng hóa xếp trên xe phải gọn gang, chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường, không kéo lê hàng trên mặt đường và không gây cản trở cho việc điều khiển xe.

Điều khiển xe máy ở những đoạn dốc lên nguy hiểm, cần giữ khoảng cách với các phương tiện đi trước cùng chiều như thế nào?

Về thắc mắc này, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt cho biết, tại khoản 1 điều 12 Luật giao thông đường bộ quy định: Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo "Cự ly tối thiểu giữa hai xe" phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo.

Thông tư số 13/2009-TT-BGTVT ngày 17/7/2009 của Bộ giao thông vận tải quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. Theo Thông tư này, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn giữa hai xe cơ giới.

Đối với đường cao tốc, đường cấp cao, đường khai thác theo quy chế riêng, khi mặt đường khô ráo thì khoảng cách an toàn ứng với mỗi tốc độ được quy định rất cụ thể, ví dụ: tốc độ lưu hành đến 60km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe là 30m; tốc độ lưu hành trên 60km/h đến 80km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe là 50m…

Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hoặc quy định nói trên. Ví dụ với tốc độ lưu hành đến 60km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe trên 30m.

Thông tư cũng quy định trong một số trường hợp cụ thể như có chướng ngại vật trên đường; chuyển hướng xe chạy hoặc tầm nhìn bị hạn chế; qua cầu, cống hẹp, khi lên gần đỉnh dốc, khi xuống dốc… người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép đến mức không nguy hiểm (tức là có thể dừng lại một cách an toàn).

Lao từ trong ngõ ra đâm vào người khác bị xử lý ra sao?

Cục Cánh sát giao thông đường bộ, đường sắt cho rằng, t
ại khoản 3 điều 24 Luật giao thông đường bộ quy định:

Tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.

Đường chính: là đường bảo đảm giao thông chủ yếu trong khu vực.

Đường nhánh: là đường nối vào đường chính.

Đường ưu tiên là đường mà trên đó phương tiện tham gia giao thông đường bộ được các phương tiện giao thông đến từ hướng khác nhường đường khi qua nơi đường giao nhau, được cắm biển báo hiệu đường ưu tiên.

Như vậy, với tình huống trên, nếu anh A đang đi trên đường chính, gặp anh B điều khiển xe từ trong ngõ đâm vào, tai nạn xảy ra trách nhiệm thuộc về  anh B.

Để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện xe cơ giới cần chú ý quan sát, giảm tốc độ tới mức an toàn tại nơi đường giao nhau, tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Trong trường hợp người điều khiển xe gắn máy trên đường giao thông nông thôn, do thiếu quan sát nên đâm vào một con vật bất ngờ chạy qua đường và xảy ra tai nạn. Trong trường hợp này ai là người chịu trách nhiệm? Chủ của con vật có phải chịu trách nhiệm không? Tại sao?

Đây là tình huống có thể bắt gặp nhiều ở khu vực nông thôn. Chúng ta đều biết, tập quán nuôi thả gia súc, gia cầm, vật nuôi đã có từ lâu đời trong các vùng nông thôn Việt Nam. Gần đây cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, việc chăn nuôi theo hình thức này tuy có giảm bớt nhưng chưa phải là hết hẳn; đặc biệt ở các tuyến đường thuộc khu vực nông thôn, người dân thường thả rông trâu, bò, gia cầm… Từ đó, đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông do người đang chạy xe máy, xe ô tô va phải súc vật trên đường hoặc súc vật bất ngờ lao ra đường.

Tại Điểm c khoản 2 điều 35 Luật giao thông đường bộ quy định “Không được thả rông xúc vật trên đường bộ”.

Như vậy trong trường hợp trên chủ của xúc vật đã vi phạm luật giao thông đường bộ; phải chịu trách nhiệm và phải bồi thường thiệt hại do xúc vật gây ra cho người khác theo quy định của pháp luật.


Nhật Lâm

Ý kiến bạn đọc