Khi nào bạn cần gọi Cảnh sát phản ứng nhanh?

18:01, 30/04/2013
|

(VnMedia)- Lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh có trụ sở thường trực và số máy điện thoại khẩn cấp gọi Công an là 113. Tuy nhiên, trong trường hợp nào bạn cần gọi đến lực lượng này? Sau đây là những gợi ý của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm.

Lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân, có trách nhiệm tiếp nhận thông tin và giải quyết ban đầu theo thẩm quyền những vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự và yêu cầu chính đáng của nhân dân đề nghị Công an giúp đỡ.

Lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh có trụ sở thường trực và số máy điện thoại khẩn cấp gọi Công an là 113.

Gọi cảnh sát 113 khi nào   
 
Bạn cần gọi lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh 113 trong các tình huống: Tội phạm đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra; Phát hiện một người bị nghi là tội phạm hoặc có dấu hiệu phạm tội; Có người bị thương hoặc đang gặp nguy hiểm; Khi bạn quan sát thấy ai đó có những hành vi đáng ngờ hoặc những kiện, gói, túi xách ... vô chủ tại những nơi công cộng; Các hành vi gây mất trật tự công cộng gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân hoặc cộng đồng dân cư; Khi bạn quan sát thấy người nước ngoài bị hành hung hoặc bị đe dọa hành hung; Khi có những tranh chấp trong cộng đồng dân cư có nguy cơ xảy ra các hành vi gây mất an ninh trật tự…

Để dễ hiểu, Tổng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm đã đưa ra những tình huống cụ thể như: Bạn nhìn thấy có người đang đột nhập vào nhà hàng xóm của bạn; Bạn quan sát thấy một người, một nhóm người đe dọa ai đó; Bạn thấy người có hành động khả nghi gần một chiếc xe và chuông báo động được kích hoạt; Bạn chứng kiến một vụ việc xô xát;   Một người hoặc nhóm người bị thương hoặc đang gặp nguy hiểm…

Gọi cảnh sát 113 như thế nào   
 
Để gọi sự trợ giúp của lực lượng này, bạn có thể quay số 113  từ bất kỳ máy điện thoại nào.  Khi có tín hiệu trả lời, bạn hãy làm theo hướng dẫn của Cảnh sát 113. Thông tin mà bạn cung cấp sẽ được nghi nhận và xử lý kịp thời.

Điều quan trọng cần nhớ là bạn hãy bình tĩnh cung cấp những thông tin một cách rõ ràng, rành mạch. Thông tin càng rõ ràng sẽ giúp cho Cảnh sát 113 đánh giá đúng tình huống và có những xử lý kịp thời.

Bạn cũng cần cung cấp địa chỉ nơi xảy ra vụ việc thật rõ ràng. Nếu có thể hãy cung cấp tên và địa chỉ của bạn ( những thông tin này sẽ được đảm bảo giữ bí mật).

Nếu có thể, hãy cung cấp thông tin ngắn gọn cho Cảnh sát 113 về những vấn đề mà bạn nghi ngờ hoặc bạn cho rằng có liên quan đến tình huống như đặc điểm đối tượng, vũ khí, xe và biển số xe của những đối tượng có liên quan.

Khi nào không nên gọi cảnh sát 113   
 
Không nên gọi Cảnh sát 113 trong các tình huống không khẩn cấp,  ví dụ như một vụ xô xát xảy ra đã được giải quyết; Những tranh luận, cải vã không có biểu hiện gây nguy cơ dẫn đến xô xát.
 
Gọi quấy rối Cảnh sát 113 có thể bị phạt   
 
Lực lượng Cảnh sát 113 sẽ hỗ trợ kịp thời, tối đa cho bạn trong những tình huống khẩn cấp, tuy nhiên cần nhớ là tất cả các thuê bao gọi đến tổng đài Cảnh sát phản ứng nhanh 113 với mục đích quấy rối sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật.
 
Ngày 24/3/2013, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Tây Ninh, cho biết: Vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Trần Thanh Được, ngụ ấp Hòa Đông B, xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên về hành vi quấy rối lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh (Cảnh sát 113) Công an Tây Ninh.

Trước đó, lúc 5h ngày 20/3, sau thời gian theo dõi xác minh, Đội Cảnh sát 113 đã bắt giữ Được. Được khai nhận, đã nhiều lần dùng điện thoại di động gọi đến số điện thoại trực ban của Đội Cảnh sát 113, mục đích chính nhằm để quấy rối, trêu chọc lực lượng Công an.

Trên thực tế đã có trường hợp bị phạt chục triệu vì gọi điện quấy rối 113. Đối tượng bị phạt là Nguyễn Đình Tường đã dùng thuê bao di động mạng Mobifone, số điện thoại 0905.053.228 liên tục gọi vào tổng đài 113 của Công an Đà Nẵng để quấy rối.

Nguyễn Đình Tường (quê Quảng Nam), nhân viên một công ty tin học ở Đà Nẵng đã chính thức bị Công an TP Đà Nẵng công bố quyết định “xử phạt vi phạm hành chính về viễn thông” với mức phạt 10 triệu đồng.

Ngoài ra, Công an TP Đà Nẵng cũng áp dụng mức phạt bổ sung, tịch thu của Tường tang vật gồm chiếc điện thoại hiệu FPT, model B900, số IMEN 357881010076588 và sim điện thoại mang số 0905.053.228

Theo Công an TP Đà Nẵng, vào tháng 8/2012, Nguyễn Đình Tường đã dùng thuê bao di động mạng Mobifone, số điện thoại 0905.053.228 liên tục gọi vào tổng đài 113 của Công an Đà Nẵng để quấy rối.

Khi bị cơ quan công an triệu tập điều tra, ban đầu Tường vẫn không thành khẩn, quanh co chối tội, cho rằng mình chỉ vô tình chứ không cố ý quấy rối Cảnh sát 113. Tuy nhiên với với các biện pháp nghiệp vụ, Công an Đà Nẵng đã chứng minh hành vi vi phạm của Tường và buộc đối tượng này phải nhận tội.

Ngày 12/10/2012, công an TP Cần Thơ triệu tập Nguyễn Thanh Hoàng (xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) để giáo dục và quyết định xử phạt hành chính 1,5 triệu đồng vì đã quấy rối cảnh sát 113.
 
Làm việc với nhà chức trách, thanh niên 18 tuổi này thừa nhận, tháng vừa rồi đã nhiều lần gọi điện bằng sim khuyến mãi vào số máy của lực lượng phản ứng nhanh trong lúc say rượu. Khi cảnh sát nhấc máy, Hoàng im lặng không nói.

Hành vi này liên tục được lặp lại trong cùng một thời điểm gây ảnh hưởng đến công việc của cơ quan chức năng. Cảnh sát đã lần ra vị trí của kẻ quấy rối.

Thượng tá Dương Văn Ngon (Phó Phòng cảnh sát trật tự) cho biết, số máy 113 thường có người gọi đến đến báo tin giả, văng tục hoặc lăng mạ cảnh sát. Đã có 4/5 người quấy rối được công an giáo dục, buộc cam kết không tái phạm.

Cần nhắc lại là, cảnh sát là lực lượng được giao nhiệm vụ bảo vệ trật tự trị an, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chính các công dân, của chính người dân. Thế cho nên về nguyên tắc, chúng ta không được xem xét và nhìn nhận cảnh sát như một lực lượng đối trọng với người dân mà phải nhìn nhận họ là những người đang thực thi công vụ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, của xã hội. Nếu như nhìn nhận một cách đúng đắn như vậy thì trong bất kỳ một trường hợp nào, người dân cần thiết phải hợp tác với cảnh sát. Kể cả trong trường hợp cảnh sát có những hành xử không đúng thì người dân có trách nhiệm phê bình và chỉ ra cái sai.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc