Khi nào cảnh sát được nổ súng bắn nghi phạm?

14:03, 07/09/2015
|

(VnMedia)- Trước khi nổ súng, người thi hành công vụ phải tuân thủ các nguyên tắc mà pháp luật đã quy định như: phải đánh giá tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định có hay không việc nổ súng...

>>
Say rượu, đòi giết cháu bé 2 tuần tuổi

Sáng 6/9, để giải cứu cháu bé 13 ngày tuổi bị Hữu - kẻ ngáo đá khống chế dìm xuống giếng nước, Trưởng công an thị trấn Dương Đông tỉnh Kiên Giang Thiếu tá Lê Minh Chánh đã rút súng bắn đối tượng vào bụng. Đối tượng này sau đó được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó. Theo một cán bộ địa phương, khẩu súng sử dụng là súng bắn đạn cao su, thuộc loại công cụ hỗ trợ. "Trước khi bắn Hữu, ông Chánh đã nổ súng chỉ thiên để cảnh cáo nhưng tên này không khiếp sợ. Nhiều người nghi Hữu bị ảo giác do sử dụng chất kích thích", cán bộ địa phương nói.

  Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa.



Vậy, trong những trường hợp cụ thể nào, cảnh sát được nổ súng bắn nghi phạm?

Nổ súng là biện pháp cuối cùng sau khi ngăn chặn, cảnh báo

Theo Luật sư Vũ Thái Hà, Giám đốc Công ty TNHH Luật You&Me, trước khi nổ súng, người thi hành công vụ phải tuân thủ các nguyên tắc mà pháp luật đã quy định như: phải đánh giá tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định có hay không việc nổ súng, chỉ được nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo, trong mọi trường hợp nổ súng, người nổ súng phải hạn chế tối đa thiệt hại do việc nổ súng gây ra.

Nhưng, nổ súng là biện pháp có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng tới sức khoẻ, tính mạng và tài sản của công dân. Do đó, các trường hợp được nổ súng phải được liệt kê rõ ràng và chi tiết tránh trường hợp lạm dụng.

Luật sư Vũ Thái Hà nhấn mạnh rằng, theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011, người thi hành công vụ chỉ được phép nổ súng vào người hoặc phương tiện trong các trường hợp sau: i) đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; ii) đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật; iii) đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ; iv) đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; v) đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lại; vi) được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó trong các trường hợp sau, trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế: đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe doạ trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin; khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin.

Các trường hợp nổ súng

Ngày 30/6/2011, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Pháp lệnh Số: 16/2011/UBTVQH12 về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Pháp lệnh này quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Theo đó, Pháp lệnh  này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012.

Pháp lệnh quy định một số trường hợp được nổ súng gồm: Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;

Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;

Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;

Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lại.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc