Bác đơn kiện vụ dị vật trong sản phẩm của Coca Cola

17:34, 23/09/2015
|

(VnMedia)- Chiều 23/9 Hội đồng xét xử TAND quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã tuyên bác bỏ đơn khởi kiện của nguyên đơn trong vụ kiện dị vật trong sản phẩm của Coca Cola Việt Nam.

>>
Thông tin lần đầu công bố về dị vật trong vụ kiện Coca Cola
>> Coca Cola đã "phủi" trách nhiệm
>> Hôm nay có phán quyết vụ kiện Coca Cola Việt Nam?
>> Coca Cola Việt Nam lại hầu tòa

Theo đó, HĐXX tuyên bố bác yêu cầu của nguyên đơn. Đó là các yêu cầu Coca-Cola Việt Nam phải hoàn trả cho khách hàng một khoản tiền tương đương với tiền mua 01 chai nước cam ép Splash vào thời điểm hiện tại (không đổi hàng hóa, vì khách hàng không còn tin tưởng vào chất lượng của hàng hóa do Coca-Cola Việt Nam sản xuất); Thanh toán và hoàn trả toàn bộ các khoản chi phí, phí phát sinh có liên quan đến việc kiểm tra, kiểm định sản phẩm có khuyết tật của Coca-Cola Việt Nam; Có văn bản giải thích rõ với người tiêu dùng về nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện tạp chất, ống thủy tinh trong sản phẩm nước cam ép Splash; Xin lỗi công khai trên 05 số báo liên tiếp đối với khách hàng Nguyễn Thị Bình Minh nói riêng và người tiêu dùng Việt Nam nói chung về việc để sản phẩm khuyết tật lưu hành trên thị trường.

Lý do hoãn phiên tòa là vì HĐXX cho rằng, dấu vết dập ép ở nắp chai có chứa ống thủy tinh và tạp chất có khác với vết dập ép của 63 chai thủy tinh do Coca Cola Việt Nam gửi đi giám định.

  Ảnh minh họa

 Ống thủy tinh trong chai Splash (phần khoanh trong ảnh)


Cũng tại phiên tòa, phía Coca Cola Việt Nam đã yêu cầu tòa trả lại số tiền giám định sản phẩm đã nộp trước đó.

Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, luật sư của nguyên đơn cho rằng, Hội đồng xét xử đã dựa vào kết luận: dấu vết dập ép ở nắp chai có chứa ống thủy tinh và tạp chất có đặc điểm khác với đặc điểm của dấu vết dập ép ở nắp của 63 chai thủy tinh gửi đến làm mẫu (do Coca Cola Việt Nam cung cấp) so sánh để cho rằng, chai nước cam ép Splash có chứa ống thủy tinh và tạp chất không phải do Coca Cola Việt Nam sản xuất là không thuyết phục và bỏ qua những kết luận giám định khác.

Tại phiên tòa hôm nay, giám định viên của Viện Khoa học hình sư đã công bố kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự. Theo đó, Viện Khoa học hình sự khẳng định màu in trên nhãn chai giữa chai có ống thủy tinh và tạp chất đều cùng loại với các chai do Coca Cola Việt Nam tại Hà Nội cung cấp; Sơn màu đỏ trên nắp chai của chai có ống thủy tinh và tạp chất đều cùng loại sơn (khác màu) với các chai do Coca Cola Việt Nam tại Hà Nội cung cấp; Thành phần và các chỉ tiêu lý hóa của chai có ống thủy tinh và tạp chất tương tự với thành phần và chỉ tiêu lý hóa của các chai do Coca Cola Việt Nam tại Hà Nội cung cấp;  Không phát hiện thấy dấu vết mở ra và đóng lại ở nắp chai có ống thủy tinh và tạp chất.
 
Trao đổi với VnMedia, TS, Luật sư Vũ Thái Hà (đại diện nguyên đơn) cho rằng, việc dấu vết dập ép ở nắp chai có chứa ống thủy tinh và tạp chất có khác với vết dập ép của 63 chai thủy tinh do Coca Cola Việt Nam gửi tới cũng là điều dễ hiểu và không thể vin vào lý do này, phớt lờ các kết luận giám định khác rồi nhận định chai có ống thủy tinh và tạp chất không phải do Coca Cola sản xuất.
 
Theo luật sư Vũ Thái Hà, chai có chứa ống thủy tinh và tạp chất được sản xuất vào 29/06/2011 trong khi, không hiểu vô tình hay cố ý, Coca Cola Việt Nam lại cung cấp các chai không có cùng thời gian sản xuất mà là các chai được sản suất sau đó hàng năm, thậm chí là gần 2 năm (các chai do Coca Cola Việt Nam cung cấp có năm sản xuất 2012 và 2013).
 
"Có điều gì đảm bảo các chai Splash do Coca Cola cung cấp là các chai do Coca Cola Việt Nam sản xuất hàng loạt và đang lưu thông trên thị trường? Có điều gì đảm bảo là Coca Cola trung thực trong việc cung cấp mẫu chai trong khi lẽ ra phải cung cấp các chai Splash có cùng thời gian sản xuất thì lại cung cấp các chai sản suất sau đó cả một thời gian dài?", luật sư Vũ Thái Hà nói.

Đại diện cho nguyên đơn cũng đặt câu hỏi: "Có điều gì đảm bảo là dây chuyền dập nắp của Coca Cola vẫn giữ nguyên, không thay đổi? Và ngay cả trong trường hợp không thay đổi dây truyền dập nắp thì khuôn dập cũng không thể dập ra các nắp chai giống hệt nhau trong suốt thời gian dài từ 2011 đến 2013?."
 
"Việc giám định và so sánh mẫu có thời gian khác nhau là so sánh tương đối và xem xét đến tính tương đồng, không thể máy móc để so sánh theo kiểu tuyệt đối, giống hệt. Việc xem xét như thế là phiến diện bởi vì ngày trong kết luận giám định, các thành phần hóa lý của các chai Splash do chính Coca Cola Việt Nam gửi tới Viện Khoa học hình sự cũng cho thấy, các chai này đều có các thành phần hóa lý đều không giống hệt nhau. Vậy phải chăng, các chai này đều không phải là do Coca Cola Việt Nam sản xuất?
 
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân nói riêng và người tiêu dùng Việt Nam nói chung, nguyên đơn sẽ kháng cáo bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân quận Bắc Từ Liêm lên Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội. Chúng tôi cũng đã thu thập được các chứng cứ quan trọng là các chai Splash có cùng ngày sản xuất và sẽ đề nghị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội xem xét",
luật sư Vũ Thái Hà cho biết.


Thanh Hường

Ý kiến bạn đọc