Cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật

15:56, 22/06/2015
|

(VnMedia) - Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật vừa được thông qua, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã sẽ tiếp tục được phép ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

>> Tuần này, bế mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII
>> Phải trả lại công bằng, công lý cho người bị oan sai
>> Trung tướng Trần Văn Độ: "Phải buộc được tội mới kết tội"
>> Kết luận sai, cơ quan kiểm toán phải chịu trách nhiệm
>> Không công bằng khi bỏ án tử hình tội tham nhũng

Ảnh minh họa
Quốc hội làm việc tại Hội trường

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng ngày 22/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Với 446 đại biểu tham gia (chiếm 90,28%), 439 đại biểu tán thành (chiếm 88,87%), 6 đại biểu không tán thành (chiếm 1,21%), 1 đại biểu không biểu quyết (chiếm 0,20%), Quốc hội đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gồm 17 chương, 175 điều.

Theo Luật vừa được thông qua, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã sẽ tiếp tục được phép ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, để khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã như thời gian qua, luật đã quy định rõ phạm vi, thẩm quyền và hình thức văn bản; quy định chặt chẽ quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cấp chính quyền này.

Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung quy định về trách nhiệm theo hướng: Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cơ quan khác, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm về chất lượng văn bản do mình ban hành;

Cơ quan, người có thẩm quyền chịu trách nhiệm về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc ban hành văn bản quy định chi tiết có nội dung ngoài phạm vi được giao quy định chi tiết...

Đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với kết quả phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi phản biện dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật...

Cũng trong sáng nay, Quốc hội thảo luận cho ý kiến vào dự thảo bộ Luật Hàng hải Việt Nam. Hầu hết đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết phải ban hành bộ luật, phạm vi sửa đổi.

Về các chính sách phát triển hàng hải, hầu hết đại biểu tán thành trong tờ trình và trong các điều khoản nói về chính sách phát triển hàng hải Việt Nam với tinh thần phải xây dựng ngành hàng hải Việt Nam trở thành một ngành kinh tế phát triển nhanh, bền vững để đóng góp tích cực vào yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia và hội nhập quốc tế.

Với tinh thần tạo ra một khâu đột phá trong phát triển ngành hàng hải Việt Nam trong thời gian tới đây. Để thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và sau đó với tinh thần để Việt Nam chúng ta trở thành một quốc gia mạnh về biển và giàu lên vì biển

Về các nội dung cụ thể, các đại biểu về cơ bản tán thành với dự thảo đã được tiếp thu, trong đó có những vấn đề như về khái niệm tàu biển đăng ký, đăng kiểm, thế chấp, bắt giữ tàu biển, quy định tại Chương II, Chương III.

Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị nói rõ hơn khẳng định ở trong dự án luật về cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải, ở đây đang có hai loại ý kiến, có loại ý kiến thì nâng Cục lên thành Tổng cục, nhưng cũng có ý kiến đề nghị việc này để Chính phủ quy định, bởi vì trong Luật tổ chức Chính phủ nói rằng về cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ thì giao cho Chính phủ quy định cụ thể đối với từng bộ, cơ quan ngang bộ.

Về vấn đề cảng biển, cảng cạn, chính quyền cảng hay ban quản lý khai thác cảng, cảng vụ hàng hải. Đây là những vấn đề đang có ý kiến đề nghị xem lại để hoàn thiện cho thống nhất và chính xác hơn.

Một số nội dung khác như về vấn đề cứu hộ, cứu nạn, có ý kiến đề nghị trong luật nên quy định một số nguyên tắc và sau giao cho Chính phủ quy định cụ thể. Vấn đề chính quyền cảng cũng như vậy.

Ngoài những vấn đề trên, các vị đại biểu Quốc hội cũng đề nghị rà soát lại, kể cả mặt kỹ thuật lập pháp để bảo đảm hoàn thiện dự án luật này để trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 10 tới đây.


Bùi Ngà

Ý kiến bạn đọc