Trưng cầu ý dân phải tiến hành trên toàn quốc

10:27, 28/05/2015
|

(VnMedia) - Sáng 28/5, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật trưng cầu ý dân trước phiên họp Quốc hội.

Ảnh minh họa
Các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường

Đây là Luật mới nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng dân chủ trực tiếp, tạo điều kiện để nhân dân tham gia sâu hơn, có tính quyết định hơn đối với những vấn đề quan trọng của đất nước.

Theo ông Phan Trung Lý, Ủy ban pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật trưng cầu ý dân nhằm kịp thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. 

Ủy ban pháp luật thấy rằng, nội dung đưa ra trưng cầu ý dân có ý nghĩa quan trọng, liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền dân chủ trực tiếp của người dân trong tham gia vào các công việc của Nhà nước. Tuy nhiên, việc xác định cụ thể những vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân phụ thuộc vào yêu cầu và điều kiện hoàn cảnh tại từng thời điểm nhất định. Vì vậy, khó có thể quy định cụ thể trong Luật.

Do đó, trong Luật nên quy định một cách khái quát, mang tính nguyên tắc những vấn đề có thể được đề nghị đưa ra trưng cầu ý dân. Theo đó, những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng Quốc hội tôn trọng dân quyết định. Đồng thời, để có cơ sở cho các chủ thể đề nghị và Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân, đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung các điều kiện và tiêu chí đối với vấn đề được đề nghị trưng cầu ý dân.

Trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước

Về quy định các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi cả nước (Điều 7), ông Phan Trung Lý cho biết, Ủy ban pháp luật tán thành với nội dung quy định của dự thảo Luật vì điều này thống nhất với thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân là thuộc về Quốc hội đã được quy định trong Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội; đồng thời phù hợp với nguyên tắc các vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân phải là các vấn đề có tầm quan trọng lớn, ảnh hưởng đến lợi ích chung của quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của đông đảo nhân dân trong xã hội.

Đối với các vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân ở một số địa phương hoặc vùng lãnh thổ nhất định thì hiện nay pháp luật đã quy định cơ chế bảo đảm có sự tham gia ý kiến của người dân trực tiếp chịu tác động (ví dụ như việc cần lấy ý kiến của nhân dân địa phương trong trường hợp nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, lấy ý kiến nhân dân về xây dựng nhà máy điện hạt nhân…).

“Tính chất và giá trị pháp lý của các hình thức lấy ý kiến nhân dân theo nhóm đối tượng hay địa bàn này khác so với trưng cầu ý dân thực hiện trên quy mô toàn quốc. Do đó, đề nghị trong Luật chỉ quy định phạm vi trưng cầu ý dân trên toàn quốc mà không tiến hành ở phạm vi địa phương”, ông Lý nói. 

Kết quả trưng cầu phải được quá nửa số cử tri bỏ phiếu

Về kết quả trưng cầu dân ý, Ủy ban pháp luật đồng ý với phương án: Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Phương án trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành.

Bởi vì, Ủy ban pháp luật nhận thấy, trưng cầu ý dân tuy đã được ghi nhận trong Hiến pháp từ năm 1946 nhưng ở nước ta hình thức này chưa được thực hiện trên thực tế. Hoạt động này một mặt là quá trình thu hút và tập dượt để nhân dân thực hành dân chủ nhưng mặt khác nó cũng đòi hỏi sự nhận thức và ý thức cao từ phía người dân và xã hội, tính tích cực chính trị của cử tri trong việc tham gia biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.

Vì vậy, quy định tỷ lệ tham gia và tán thành của cử tri quá cao (quá hai phần ba) đối với một vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân thì không khả thi; thậm chí nếu tổ chức không tốt có thể dẫn đến tình trạng thúc ép cử tri đi bỏ phiếu hoặc cử tri đi bầu hộ, bầu thay và như vậy, sẽ làm giảm sút ý nghĩa của việc trưng cầu ý dân với tư cách là một hình thức để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của mình.

Mặt khác, đối với Hiến pháp thì quy trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp được quy định rất chặt chẽ, theo đó, phải hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Hiến pháp mới được thông qua; sau khi Hiến pháp được thông qua thì Quốc hội mới tổ chức trưng cầu ý dân.

Đại biểu Quốc hội thực hiện quyền trưng cầu dân ý

Về việc đề nghị trưng cầu ý dân, theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của dự thảo thì cơ quan, tổ chức có quyền đề nghị Quốc hội trưng cầu ý dân phải gửi tờ trình trưng cầu ý dân đến Ủy ban thường vụ Quốc hội chậm nhất 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội. Ủy ban pháp luật thấy rằng, quy định này phù hợp với các chủ thể như Chủ tịch nước, Chính phủ nhưng lại chưa thực sự phù hợp với trường hợp có “một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội” đề nghị trưng cầu ý dân.

Bởi vì, theo quy định tại Điều 33 của Luật tổ chức Quốc hội thì để thực hiện quyền kiến nghị Quốc hội trưng cầu ý dân, từng cá nhân đại biểu Quốc hội gửi kiến nghị bằng văn bản đến Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong đó nêu rõ lý do, nội dung kiến nghị. Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm tổng hợp, xử lý các kiến nghị của đại biểu Quốc hội theo thẩm quyền. Trường hợp có từ một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên kiến nghị Quốc hội trưng cầu ý dân thì Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo để Quốc hội xem xét, quyết định.

Về vấn đề này, Ủy ban pháp luật đề nghị cần có quy định riêng về việc đại biểu Quốc hội thực hiện quyền kiến nghị trưng cầu ý dân cho phù hợp với quy định của Luật tổ chức Quốc hội...


Bùi Ngà

Ý kiến bạn đọc