Chống mại dâm: Phòng ngừa là chính!

06:42, 20/12/2014
|

(VnMedia)- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Phòng, chống mại dâm phải tập trung vào hai nhóm giải pháp chính: phòng ngừa, hỗ trợ xã hội và xử lý nghiêm, quyết liệt các hành vi tội phạm liên quan...

>> Đàn ông cũng bị bán cho các ổ nhóm mại dâm
>> Gái mại dâm tập trung đông nhất tại TP. Hồ Chí Minh

Ngày 19/12, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm chủ trì Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm. Tham dự còn có Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Phạm Thị Hải Chuyền; Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Trọng Đàm cùng đại diện Bộ, ngành, một số tổ chức Quốc tế liên quan và đại biểu 63 tỉnh thành trong cả nước.

Gần 1.200 đối tượng môi giới mại dâm bị bắt giữ

Theo báo cáo của Bộ LĐ- TBXH, qua 10 năm thi hành Pháp lệnh, công tác đấu tranh triệt phá các tụ điểm mại dâm được các cơ quan quan tâm và triển khai quyết liệt, trong đó đã khởi tố điều tra  truy tố 7.700 vụ với 10.354 bị can, thực hành quyền công tố và kiểm sát  xét xử 7.582 vụ với 10.320 bị cáo. Đối với công tác xét xử các vụ án mại dâm, cơ quan chức năng  truy quét, triệt phá 11.926 vụ, ổ nhóm hoạt động mại dâm với 48.883 đối tượng, xác lập đấu tranh 94 chuyên án, triển khai 264 kế hoạch nghiệp vụ. Bắt giữ xử lý 831 vụ với 1.176 đối tượng môi giới, tổ chức hoạt động mại dâm, giải cứu 1.992 nạn nhân, qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Công tác phối hợp liên ngành cũng được các cơ quan liên quan đẩy mạnh và có những hoạt động tích cực. Trong 10 năm qua, đội kiểm tra liên ngành tại 602.891 cơ sở kinh doanh dịch vụ, phát hiện 172.323 cơ sở vi phạm, xử lý cảnh cáo 27.176 lượt cơ sở, phạt tiền 116.516 lượt cơ sở với tổng số tiền phạt là hơn 83 tỷ đồng, đình chỉ, thu hồi giấy phép kinh doanh củ 4.577 cơ sở.

Bên cạnh công tác kiểm tra, đấu tranh triệt phá, các cơ quan chức năng còn đẩy mạnh công tác giáo dục, chữa trị, hỗ trợ người bán dâm, trong đó đã hỗ trợ cho 30.550 lượt người bán dâm. Xây dựng được 1.087 mô hình hỗ trợ dựa vào cộng đồng, trong đó đã hỗ trợ, tư vấn cho 352.728 lượt người bán dâm. Hỗ trợ cho 6.862 người tham gia học nghề, tạo việc làm, hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ vay vốn sản xuất...

Mại dâm không phải là một nghề hợp pháp!

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, tổng kết thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm cần đặt trong bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi, theo đó quan điểm về xử lý các vấn đề xã hội cũng cần phải có những thay đổi cho phù hợp. Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị cần trao đổi và thống nhất một số quan điểm chỉ đạo, cụ thể là, không công nhận hoạt động mại dâm là hợp pháp ở Việt Nam, việc xây dựng chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm phải bảo đảm tôn trọng quyền con người, chú trọng các giải pháp mang tính xã hội nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra, góp phần vào sự ổn định, phát triển đất nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định cần kiên quyết đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm, đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền các cấp, của các tổ chức và của mọi người dân; là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài.

Bên cạnh đó, Phòng, chống mại dâm phải tập trung vào hai nhóm giải pháp chính: phòng ngừa, hỗ trợ xã hội và xử lý nghiêm, quyết liệt các hành vi tội phạm liên quan đến mại dâm. Nâng cao vai trò của cộng đồng và các thiết chế xã hội, phong tục, tập quán, văn hóa truyền thông và gia đình, nhà trường...; huy động và mở rộng sự tham gia của các tố chức xã hội và của chính quyền cấp cơ sở, của người dân; tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt đối với việc phòng, chống bóc lột tình dục trẻ em, mua bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm; kiện toàn hệ chống cơ quan chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, Hội nghị lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng vì đã đánh giá và phân tích sâu sắc, toàn diện sau hơn 10 năm thi hành Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm; kết quả đạt được, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật. Hội nghị cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị quan trọng cho việc xây dựng Dự án Luật phòng, chống mại dâm.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Phạm Thị Hải Chuyền.

Như vậy, có thể khẳng định: hơn 10 năm qua, triển khai thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, công tác phòng, chống mại dâm đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định về các vấn đề: tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; quan điểm, nhận thức; chỉ đạo, triển khai thực hiện; nguồn lực thực hiện... Đặc biệt, một số quy định của Pháp lệnh và văn bản hướng dẫn thi hành không còn phù họp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống mại dâm trong tình hình mới.

Do vậy, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị, thời gian tới, với quan điểm lấy phòng ngừa là chính, công tác phòng, chống mại dâm cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ cho công tác phòng, chống mại dâm; nghiên cứu xây dụng Luật phòng, chống mại dâm; Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác phòng, chống mại dâm ở các cấp, các ngành và toàn thể xã hộ; Xây dựng các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức xã hội phát triển để thực hiện các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho người bán dâm được dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ xã hộ; Tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống mại dâm; Kiện toàn và tăng cường hoạt động của ủy ban Quôc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm thông qua việc thực hiện tốt quy chế hoạt động của ủy ban, nâng cao trách nhiệm của từng cơ quan thành viên và tăng cường sự phối hợp liên ngành trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Phạm Thị Hải Chuyền đã tặng Bằng khen cho 38 tập thể và 46 cá nhân thuộc các Bộ, ban ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Pháp lệnh Phòng chống mại dâm giai đoạn 2009-2014.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc