16 tuổi đã mang danh sát thủ

15:22, 03/11/2014
|

(VnMedia)- Các chuyên gia phân tích tội phạm học cho biết, những vụ án giết người có nguyên nhân từ các bất đồng tức thời, xảy ra khó dự đoán và phòng ngừa lại chủ yếu do đối tượng ở độ tuổi từ 16 đến dưới 30, là nhóm đối tượng có khả năng kiềm chế kém, xuất phát từ điều kiện sống, điều kiện giáo dục dẫn tới định hướng hành vi kém, khi gặp tình huống mâu thuẫn dễ xảy ra hành vi phạm tội.

>> Thiếu nữ 16 liên tiếp bị hiếp dâm tập thể

Choáng các đối tượng gây án tuổi còn xanh

Ngày 30/10, TAND tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Lê Ngọc Trung (sinh năm 1988, ở xã Quảng Tâm, TP.Thanh Hóa) 12 năm tù về tội giết người và 10 năm tù về tội cố ý gây thương tích, đồng thời bồi thường cho những người bị hại theo quy định của pháp luật.

 Ảnh minh họa

  Lê Ngọc Trung trước vành móng ngựa


Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Thanh Hóa, Đinh Xuân Hòa (sinh năm 1987, xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân) và chị Nguyễn Thị Dung (sinh năm 1992, xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân) kết hôn năm 2010 và có một con chung. Do mâu thuẫn trong cuộc sống, tháng 4/2014, TAND huyện Thọ Xuân đã ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn cho anh Hòa và chị Dung.

Trong thời gian đợi quyết định ly hôn, chị Dung sống chung như vợ chồng với Lê Ngọc Trung. Ngày 17/5/2014, Trung cùng chị Dung về nhà mẹ đẻ chị Dung, ở xã Xuân Phú, Thọ Xuân chơi và dự đám cưới người em họ cùng thôn. Khoảng 21 giờ ngày 21/5, Hòa rủ thêm Trí và một số người bạn đến để “dằn mặt” Trung, vì nghi ngờ Trung tác động để vợ ly hôn với mình. Hai bên xảy ra xô xát, Trung đã dùng dao nhọn đâm anh Trí chết trên đường đi cấp cứu, còn anh Hòa bị thương nặng (thương tật 92% sức khỏe).

Những ngày cuối tháng 10/2014, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đang khẩn trương điều tra, làm rõ vụ hiếp dâm tập thể xảy ra trên địa bàn xã Yên Lãng, huyện Đại Từ. Nạn nhân được xác định là chị Nguyễn Thị Mận (SN 1989, trú tại xóm Cây Thổ, xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, vụ việc xảy ra khoảng 20h ngày 25/10 trong lúc chị Nguyễn Thị Mận đang trên đường đi xem xiếc về đến địa bàn xã Yên Lãng thì bị 6 đối tượng gồm Đỗ Văn Thủy (SN 1991), trú tại xóm Minh Thắng, xã Na Mao, Lâm Văn Tình ( SN 1992) trú tại xóm Khuân U, Bàn Văn Cường và Âu Văn Thịnh ( SN 1991) cùng trú tại xóm Cầu Bất xã Na Mao và 2 đối tượng Phương, Lộc cùng trú tại xóm Khuôn Thông, xã Phú Cường chặn đường và lôi vào bụi rậm, sau đó thực hiện hành vi đồi bại.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, gia đình nạn nhân đã làm đơn tố cáo gửi lên Công an xã Na Mao. Nhận thấy đây là vụ án có tính phức tạp, Công an xã Na Mao đã báo cáo và chuyển lên công an huyện Đại Từ để tiếp tục điều tra, làm rõ. Hiện 5 đối tượng (1 đang lẩn trốn) đã bị công an huyện Đại Từ tạm thời bắt giữ để phục vụ cho quá trình điều, tra.

Trước đó, sáng 19/8, tại  TAND tỉnh Sóc Trăng đã diễn ra phiên xử Phan Thị Kim Xuyến (16 tuổi, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) về tội “Giết người, cướp tài sản”.

Đồng phạm với Xuyến có Lê Thị Mỹ Duyên ở TP.Rạch Giá (Kiên Giang) nhưng lúc xảy ra vụ án, đối tượng này chưa đủ 14 tuổi. Cơ quan tố tụng ở Sóc Trăng thống nhất đưa Duyên vào trường giáo dưỡng.

Xuyến và Duyên là hung thủ đã gây ra cái chết cho người lái xe ôm là ông Lý Văn Dũng (43 tuổi, ngụ huyện Trần Đề). Trước khi gây án, các đối tượng này có mối quan hệ đồng tính và đã sống chung với nhau trong thời gian dài.

Trước tòa, trả lời về nguyên nhân gây án, Xuyến nói: "Làm ở quán nhậu rất ít tiền. Do hết tiền nên 2 ngày trước đó (ngày gây án) Duyên rủ bị cáo đi cướp, lấy tiền xài. Hai đứa không có bàn bạc gì, chủ yếu gặp ai cướp đó".

Vụ án bắt đầu vào rạng sáng 6/7/2013 khi người dân phát hiện thi thể ông Lý Văn Dũng nằm chết gục trên đường Lộ Đan, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề.

Trong quá trình truy tìm thủ phạm, Cơ quan CSĐT quyết định bắt tạm giam 7 nghi can để điều tra về hành vi giết người, không tố giác tội phạm. Các đối tượng gồm: Trần Hol, Thạch Mươl, Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Khâu Sóc và Thạch Sô Phách (cùng ngụ tại huyện Trần Đề) và Nguyễn Thị Bé Diễm (quê Hậu Giang, nhân viên phục vụ quán nhậu).

Tuy nhiên, đến ngày 18/11/2013, Lê Thị Mỹ Duyên lại đến Công an TP.HCM đầu thú. Theo Duyên, cô và Phan Thị Kim Xuyến mới chính là người đã giết nạn nhân Lý Văn Dũng nhằm mục đích cướp tài sản. Theo đó, vào đêm gây án (5/7/2013), Duyên và Xuyến yêu cầu ông Dũng chở ngang qua đoạn đường vắng người qua lại gần cầu Kênh 2, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề.

Lúc này cả 2 yêu cầu xe ôm dừng lại để đi vệ sinh và chờ lúc nạn nhân mất cảnh giác, Duyên rút dao giấu sẵn trong người đâm nhiều nhát vào lưng ông Dũng. Sau đó thiếu nữ tiếp tục khống chế ông Dũng để Xuyến đâm một nhát trúng ngực khiến nạn nhân rách màng tim, thủng phổi.

Cuối cùng, Duyên còn trèo lên người nạn nhân để đâm thêm vào đầu, lưng. Ông xe ôm cố vùng vẫy bỏ chạy nhưng được vài bước thì chết vì mất máu cấp.

Sau khi nghị án, HĐXX tuyên Xuyến 12 năm tù giam vì tội Giết người và Cướp tài sản. Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc gia đình Xuyến và Duyên có trách nhiệm bồi thường tổn thất tinh thần, mai táng phí... cho gia đình nạn nhân trên 120,6 triệu đồng.

Các chuyên gia nói gì?

Điểm chung đáng báo động của các vụ án giết người đó là có nguyên nhân từ các bất đồng tức thời, xảy ra khó dự đoán và phòng ngừa lại chủ yếu do đối tượng ở độ tuổi từ 16 đến dưới 30, là nhóm đối tượng có khả năng kiềm chế kém, xuất phát từ điều kiện sống, điều kiện giáo dục dẫn tới định hướng hành vi kém, khi gặp tình huống mâu thuẫn dễ xảy ra hành vi phạm tội.

Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an, từ thực tiễn tội phạm cho thấy số người phạm tội xuất thân trong những gia đình phức tạp, có vấn đề (đa số các gia đình này có bố, mẹ hoặc anh, chị, em là những người có tiền án, tiền sự, làm những nghề phi pháp) có tỷ lệ lớn nhất. Tiếp sau đó là các đối tượng có hoàn cảnh gia đình bố mẹ ly hôn phải sống với anh chị, ông bà từ nhỏ; sống trong gia đình có văn hóa ứng xử thấp (mặc dù có đầy đủ cha mẹ, vợ chồng nhưng trình độ văn hóa của bố, mẹ; vợ hoặc chồng và các anh chị em thấp, thường xử sự thiếu tôn trọng nhau, có các xung đột, cãi vã thường xuyên xảy ra trong gia đình). Tỷ lệ tội phạm xuất phát trong gia đình giàu có, bố mẹ, vợ hoặc chồng có lối sống buông thả, ích kỷ, sĩ diện hão hoặc nuông chiều nhau thái quá; có hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn; xuất phát từ gia đình bình thường chiếm tỷ lệ thấp hơn rất nhiều.

Như vậy, để ngăn ngừa tội phạm, yếu tố gia đình được đánh giá cao nhất. Bởi, các chuyên gia cũng khẳng định rằng, gia đình có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc hình thành nhân cách và các đặc điểm tâm lý cá nhân, đặc biệt đối với trẻ em và nhóm đối tượng ở độ tuổi vị thành niên. Những người phải chứng kiến cảnh bạo hành trong gia đình từ khi còn nhỏ thì khi lớn lên người ấy dễ mang tính bạo lực và sẽ dẫn đến có những hành vi lệch chuẩn. Đa số các vụ con giết cha, anh em giết hại lẫn nhau là bị ảnh hưởng của bạo lực gia đình hoặc một trong những người đó có lối sống thiếu lành mạnh. Sự ảnh hưởng này dẫn đến tư tưởng giải quyết mâu thuẫn bằng hành vi bạo lực, đặc biệt ở nhóm đối tượng là thanh niên, đã từng chứng kiến hành vi phạm tội và hành vi bạo lực trong gia đình.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc