Hung thủ giết cả nhà đối diện với mức án nào?

18:13, 04/08/2014
|

(VnMedia)- Luật sư Nguyễn Anh Thơm nhấn mạnh, kết luận giám định của cơ quan chuyên môn sẽ quyết định năng lực chịu trách nhiệm hình sự của bị can. Nếu xác định bị can không có dấu hiệu bị bệnh tâm thần mà chỉ vì thù tức chuyện gia đình  mà giết người thì còn bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng có tính chất côn đồ...


>> Lời thú tội rợn người của "quý tử" giết 4 người thân
>> Cán bộ xã bị con trai chém chết tại chỗ
>> Ghê rợn 9x dùng dao rựa chém chết cả nhà


Lạnh người những lời khai tội ác của hung thủ


Theo thông tin từ cơ quan điều tra, Phạm Duy Quý là con thứ hai của vợ chồng ông Tuấn, bà Thơm. Trước khi xảy ra án mạng, Quý ở nhà phụ giúp mẹ bán hoa quả ở chợ Phượng Hoàng và việc đồng áng. Chị gái Quý tên Phạm Thị Thúy (sinh năm 1991), lấy chồng ở Thái Bình. Ông Tuấn đang công tác ở xã Phượng Hoàng, giữ chức vụ Chỉ huy trưởng quân sự xã.

 

Ảnh minh họa

Đối tượng Phạm Duy Quý tại cơ quan điều tra.


Trao đổi với phóng viên, Đại úy Trần Doãn Thạnh, Đội phó Đội Điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an huyện Thanh Hà cho biết, khoảng 19 giờ 55 ngày 2/8, Phạm Duy Quý đi xe máy đến Công an huyện đầu thú và khai báo chém chết 4 người trong gia đình. Ngay sau đó, Công an huyện Thanh Hà thành lập tổ công tác xuống hiện trường, đồng thời báo cáo Công an tỉnh để phối hợp điều tra vụ án. Theo đại úy Thạnh, khi đến cơ quan công an, Quý có biểu hiện hoảng loạn, liên tục nói, cười rồi lăn ra ngủ. Phải đến 23 giờ cùng ngày, các điều tra viên mới tiến hành lấy lời khai của Quý. Tại cơ quan điều tra, bước đầu Quý khai không có mâu thuẫn với các nạn nhân. Con dao gây án, Quý lấy trong bếp của gia đình. 
 

3 giờ ngày 3/8, Công an huyện Thanh Hà bàn giao hung thủ và toàn bộ hồ sơ vụ án cho Phòng Điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh để tiếp tục điều tra làm rõ.

Mức án nào cho hung thủ?

Trao đổi với VnMedia về vụ án, khi đối tượng Phạm Duy Quý đã dùng dao thảm sát giết chết bố, mẹ đẻ, bà nội và chị họ vào ngày 2/8/2014 luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, hành vi của đối tượng Phạm Duy Quý đã phạm tội Giết người. Tội danh và hình phạt được qui định tại Điều 93 Bộ Luật Hình sự với nhiều tình tiết định khung tăng nặng: giết nhiều người; giết ông, bà, cha, mẹ…

"Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra phải làm rõ động cơ mục đích của đối tượng. Nếu có dấu hiệu tâm thần thì phải cho đối tượng đi giám định năng lực chịu trách nhiệm hình sự để làm căn cứ xử lý theo qui định của pháp luật. Kết luận giám định của cơ quan chuyên môn sẽ quyết định năng lực chịu trách nhiệm hình sự của bị can. Nếu xác định bị can không có dấu hiệu bị bệnh tâm thần, đủ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi mà chỉ vì thù tức chuyện gia đình  mà giết người thì còn bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng có tính chất côn đồ", luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.

Cũng theo vị luật sư này, nếu cơ quan giám định xác định đối tượng bị bệnh tâm thần mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can và Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và đình chỉ vụ án. 

"Nếu đối tượng bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức và năng lực điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người. Hành vi phạm tội của bị can sẽ được giảm nhẹ một phần hình phạt do bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức và điều khiển hành vi", luật sư Nguyễn Anh Thơm.
 
Chia sẻ quan điểm về việc càng ngày càng có nhiều vụ thảm án mà hung thủ là người thân của nạn nhân. Dưới góc độ pháp luật, luật sư nhìn nhận vấn đề này ra sao? Tại sao lại chọn người thân để gây án?
 
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, gần đây, trong phạm vi cả nước đã có nhiều hiện tượng đối tượng giết người thân thích trong gia đình gây bàng hoàng trong xã hội như giết con, vợ, chồng, bố ,mẹ, ông, bà,... Đa phần nạn nhân trong các vụ thảm sát này đều là những người không có lỗi. Hành vi phạm tội của đối tượng trong các vụ án này thường có dấu hiệu bất ổn về tâm lý hoặc có dấu hiệu bị bệnh tâm thần nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau đã không đi khám chữa bệnh để điều trị nên dẫn tới những hậu quả hết sức đau lòng. Đây cũng là lời cảnh báo cho những gia đình có thành viên sống chung có những biểu hiển bất thường về tâm lý thì cần phải đưa đi khám điều trị tại các cơ sở y tế và phối hợp cùng chính quyền địa phương có những biện pháp xử lý kịp thời khi hậu quả chưa quá muộn. 

 Điều 93. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.


Lam Nguyên

Ý kiến bạn đọc