Dự án 4.5 Lê Văn Lương: Vì sao hơn 10 năm treo?

06:55, 19/07/2014
|

(VnMedia) - Hơn 10 năm qua, lô đất 4.5-NO (thuộc giải phóng mặt bằng), nằm trên địa bàn quận Thanh Xuân vẫn "bất động". Vì sao một dự án nằm trong khu đất vàng của Hà Nội lại không được triển khai trong suốt thời gian dài như vậy?

Khu đất hai bên đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội: ô đất ký hiệu 4.5-NO dù được UBND Thành phố Hà Nội thông qua từ 10 năm nay nhưng hiện vẫn “bất động”. Trong khi đó, hàng chục hộ dân nằm trong lô đất này, ngoài những khốn khổ vì sống trong cảnh “dự án treo” còn là sự bức xúc vì cho rằng, dự án thiếu sự đồng thuận của người dân cùng những hoài nghi về tính thượng tôn của pháp luật.

Ảnh minh họa
Lô đất 4.5-NO hơn 10 năm vẫn "bất động"

Dự án "treo" hơn 10 năm

Mới đây, trao đổi với đại diện các cơ quan báo chí những vấn đề “nóng” chung quanh dự án tại lô đất 4.5-NO phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, ông Đặng Hồng Thái cho biết: Năm 2003, UBND TP. Hà Nội lần lượt ra các Quyết định 380/QĐ-UBND và 6892/QĐ-UBND về việc thu hồi đất, tạm giao, rồi giao chính thức 247.372 mét vuông đất tại phường Nhân Chính và phường Trung Hoà, quận Thanh Xuân, cho Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội để thực hiện Dự án san nền và xây dựng hạ tầng tuyến đường và hai bên đường Láng Hạ - Thanh Xuân (nay là đường Lê Văn Lương).

Tiếp đó, UBND TP Hà Nội có quyết định thực hiện điều chỉnh chủ đầu tư dự án xây dựng công trình tại lô đất số 4.5-NO tuyến đường Láng Hạ - Thanh Xuân, rồi thu hồi 4.753 mét vuông đất tại lô đất 4.5-NO, giao 5859 mét vuông đất tại lô này cho Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Hà Nội - Sunrise để thực hiện Dự án “Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở”.

Về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Hồng Thái cho hay, các vấn đề về thủ tục, trình tự đều được UBND quận Thanh Xuân thực hiện đúng, đủ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Cụ thể, quận Thanh Xuân thực hiện theo Quyết định 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội; các quyết định về giá bồi thường, giá đất năm 2013 và năm 2014.

Tuy nhiên, theo ông Thái, do các hộ dân không cộng tác trong quá trình điều tra, kê khai, không cung cấp hồ sơ, nên theo quy định, “UBND phường đã báo cáo Hội đồng bồi thường hỗ trợ, tái định cư và UBND và sử dụng hồ sơ quản lí nhà, đất hiện có tại địa bàn phường để xác nhận và làm cơ sở xây dựng phương án cho các chủ sử dụng đất”.

“Chúng tôi sẽ tổ chức cưỡng chế đối với các hộ dân nằm trong dự án “Tổ hợp dịch vụ thương mại, văn phòng và nhà ở” tại lô đất 4.5 NO phường Nhân Chính, nếu các hộ dân này không thực hiện đúng các quy định pháp luật của Nhà nước”- ông Đặng Hồng Thái khẳng định.

Dân bức xúc

Để sự việc được làm rõ hơn, chúng tôi đã tìm đến các hộ dân nằm trong dự án để tìm hiểu và thu nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Hầu hết toàn bộ hơn 30 hộ dân nằm trong dự án này lại đều khẳng định, họ hoàn toàn không chống đối chính quyền về việc thực hiện dự án. Cái người dân cần là sự công khai, minh bạch và sự trả lời thẳng thắn, rõ ràng của chính quyền và chủ đầu tư dự án. Và quan trọng, dự án phải có sự đồng thuận của người dân.

Ông Vũ Tiến Hải, một hộ dân nằm trong dự án thẳng thắn nói: Không có chuyện các hộ dân không hợp tác. Ngược lại, chúng tôi còn mong mỏi được đối thoại trực tiếp với chủ đầu tư và chính quyền để làm sáng tỏ những thông tin xung quanh dự án, nhưng cả chủ đầu tư và chính quyền đều “bặt vô âm tín”.

Còn ông Nguyễn Đình Bền, người đã ở trong khu vực dự án này từ năm 1992 lại cho biết: Thông tin không rõ ràng và chưa thể khẳng định đây là một dự án vì: Quyết định 3153/QĐ-UB ngày 21/5/2004 của UBND TP năm 2004 nói đây là dự án “Thí điểm xây dựng nhà ở cao tầng cho thuê”; nhưng tại Công văn số 2529/UBND-KHĐT ngày 27/3/2009 của UBND TP Hà Nội lại là Dự án Xây dựng nhà ở, văn phòng, cao tầng cho thuê. “Khi tên gọi còn chưa thống nhất hoặc chưa có lí do thì có thể coi là một dự án được không?”- Ông Bền thắc mắc.

Cũng theo hộ dân này, quyết định 380/QĐ-UB được UBND TP Hà Nội ban hành từ năm 2003. Theo Khoản 3, điều 29, Luật Đất đai năm 2003, diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án, công trình phải chuyển mục đích sử dụng mà sau 3 năm không thực hiện theo kế hoạch thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ và công bố. Đến nay, chưa có văn bản nào thay thế quyết định này.

Bà Nguyễn Thu Nga (một trong những hộ dân nằm trong dự án) bức xúc nói: Có một lần vào tháng 4/2011, ông Nguyễn Xuân Lưu khi đó còn là Phó chủ tịch quận có mời các hộ dân lên làm việc nhưng chỉ để phát các tờ kê khai bồi thường, còn các thắc mắc, ý kiến của dân không được giải đáp và được hẹn đến cuộc họp sau.

Dù vậy, theo bà Nga cho biết, kể từ đó cho đến nay chưa có cuộc đối thoại trực tiếp nào giữa chủ đầu tư, chính quyền với người dân.

“Tính chất của dự án này là dự án thương mại, không qua đấu thầu, nên không thể áp dụng chính sách thu hồi, đền bù như dự án nhóm A phục vụ an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế được. Chủ đầu tư phải trực tiếp thỏa thuận với dân. Thế nhưng việc này đến thời điểm này vẫn không được thực hiện”- Bà Nga nói.

Ngoài những khúc mắc về hình thức và bản chất của dự án tại lô đất 4.5.NO Lê Văn Lương, còn rất nhiều vấn đề khác tại dự án này mà người dân còn nghi hoặc, không thống nhất với chính quyền như về biên bản bàn giao mặt bằng, kiểm kê tài sản, về vấn đề ăn ở ổn định, lâu dài tại địa bàn dự án nhưng không được ghi nhận.

Theo các hộ dân, những vấn đề này chỉ có thể giải quyết bằng cách đối thoại trực tiếp, trên cơ sở các văn bản pháp luật, bảo đảm đúng, đủ, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, doanh nghiệp cũng như của Nhà nước.


Phương Mai

Ý kiến bạn đọc