"Bầu" Kiên chối tội kinh doanh trái phép

07:07, 22/05/2014
|

(VnMedia) - Ngày 21/5, trong phần xét hỏi hành vi "Kinh doanh trái phép", Nguyễn Đức Kiên một mực chối tội và khẳng định mình chỉ kinh doanh trạng thái giá vàng...

Ảnh minh họa
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên xét xử ngày 21/6

Nguyễn Đức Kiên khai chỉ là người đại diện pháp luật của 5/6 Công ty mà Kiên được cho là “nắm” (Công ty CP Đầu tư Thương mại B&B; Công ty CP Tập đoàn tài chính Á Châu; Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội; Công ty CP đầu tư tài chính Á Châu; Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội và Công ty CP phát triển sản xuất và xuất khẩu Thiên Nam). Kiên khai các Công ty hoạt động đúng giấy phép hoạt động nhưng khai không nhớ chính xác nội dung từng giấy phép kinh doanh của các công ty mà mình là Chủ tịch HĐQT hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Nguyễn Đức Kiên cũng khẳng định số liệu kinh doanh của các công ty trên tại cáo trạng là chính xác nhưng phủ nhận cáo buộc “kinh doanh tài chính” mà đó chỉ là hoạt động “góp vốn”.

Bị cáo Kiên tiếp tục phủ nhận cáo trạng khi cho rằng Công ty Thiên Nam không kinh doanh vàng mà chỉ kinh doanh “giá vàng”. Về các giao dịch của Thiên Nam với ACB liên quan đến mặt hàng vàng, Kiên cho rằng do Tổng Giám đốc Lê Quang Trung thực hiện và hàng hóa là “trạng thái giá vàng” chứ không phải là vàng.

Theo cáo trạng, mặc dù Công ty Thiên Nam không được cấp phép kinh doanh vàng vật chất và vàng trạng thái nhưng Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty Thiên Nam ký hợp đồng với Ngân hàng ACB để kinh doanh vàng trạng thái trên tài khoản ở nước ngoài và trong nước với tổng khối lượng giao dịch mua, bán là 462.500 Ounce, 75.000 lượng vàng SJC tổng giá trị hơn 11,7 nghìn tỷ đồng. Kết quả kinh doanh trạng thái vàng ở nước ngoài và trong nước, Công ty Thiên Nam bị lỗ hơn 433 tỷ đồng.

Số tiền này Ngân hàng ACB cho Công ty Thiên Nam nhận nợ đến năm 2015. Cáo trạng xác định từ tháng 5/2007 đến 8/2012, Nguyễn Đức Kiên đã thông qua 6 công ty để kinh doanh tài chính và kinh doanh vàng trạng thái trái phép với tổng số tiền hơn 21 nghìn tỷ đồng.

Cũng trong phần thẩm vấn, khi được hỏi, bị cáo Lý Xuân Hải cho rằng, kinh doanh giá vàng không phải là một loại hình kinh doanh vàng mà chỉ là một hoạt động thu lợi từ việc dự đoán, tư vấn sự biến động lên xuống của giá vàng.

Khi tòa hỏi, công ty Thiên Nam có đăng ký loại hình kinh doanh này không. Ông Hải không trả lời thẳng câu hỏi mà cho rằng mà cho rằng đây không phải là kinh doanh vàng vật chất - loại hình bị pháp luật cấm.

Theo ông Hải, quy định của tòa viện dẫn áp dụng với doanh nghiệp kinh doanh trạng thái vàng là đúng. Nhưng công ty Thiên Nam không kinh doanh loại hình đó mà chỉ là một dạng phái sinh của kinh doanh vàng.

Khi tòa hỏi, loại hình kinh doanh này có phải đăng ký kinh doanh không, ông Lý Xuân Hải cũng như ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng: "Chúng tôi không đủ thẩm quyền trả lời".

"Chúng tôi không biết kinh doanh giá vàng có phải đăng ký hay không? Nếu Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đó là loại hình phải đăng ký kinh doanh, nghĩa là phải đăng ký kinh doanh." - ông Lý Xuân Hải nói.

Tuy nhiên, khi tòa yêu cầu ngân hàng nhà nước trả lời về vấn đề này thì những người đại diện cho cơ quan này đã không có mặt.

Tại phiên tòa, Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng trong hồ sơ điều tra ghi bị cáo quyết định việc giao dịch là không đúng… Nguyễn Đức Kiên tiếp tục đề nghị tòa triệu tập chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và đại diện VCCI.


Khánh Công

Ý kiến bạn đọc