Những bí mật ẩn chứa giữa núi rừng Tây Bắc

11:35, 06/04/2016
|

Chúng tôi đến lòng hồ Thác Bà bởi một cơ duyên tình cờ, tình cờ đến mức chỉ biết là đi, mà rồi đi đến nơi vẫn không biết đó là lòng hồ Thác Bà - địa danh tiên cảnh được ví như Hạ Long trên núi. Nơi đây ẩn chứa những bí mật được cất dấu bất ngờ để dành tặng cho khách quý phương xa đến du ngoạn và thưởng trọn những giây phút sống chậm giữa núi rừng Tây Bắc…

Cũng thật may mắn, khi chúng tôi được hội ngộ cùng Tiến sỹ Nguyễn Minh Ngọc – Phó trưởng khoa Bất động sản và Kinh tế Tài Nguyên (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) – nhân vât được giới thiệu là người đã dành hơn nửa cuộc đời với tình yêu và niềm đam mê bất tận với Thác Bà, nghiên cứu, hiểu và yêu Thác Bà hơn cả chính những thể dân bản địa xứ này.

Giữa những ngày đầu xuân lành lạnh, gió hồ thổi mạnh có khi buốt đến tận óc cũng không ngăn được từng bước chân hồ hởi nhảy xuống thuyền. Khi đã lênh đênh trên thuyền rồi, cũng không ai có thể ngồi yên trong khoang bởi thật khó cưỡng lại nét đẹp tự nhiên của tạo hoá đang hiện hữu bên ngoài. Khi sóng điện thoại đã chập chờn, 3G internet đã bị vô hiệu hoá, là lúc chúng tôi thực sự để tâm hoà mình vào cuộc khám phá với hướng dẫn viên tay ngang “xịn”, bắt đầu trải nghiệm khoảng thời gian “sống chậm” quý báu, bỏ lại hết những ồn ào và bộn bề công việc nơi phố thị sống nhanh, sống gấp…

“Sống chậm” mới biết được rằng, không giống như những huyền thoại của Tây Bắc về những địa danh gắn với tích truyện như Nàng Ban – Chàng Khum về hoa Ban, Nàng Công – Chàng Cốc về Hồ Núi Cốc, cũng không phải người Pháp phát hiện ra như Tam Đảo hay SaPa, hồ Thác Bà khác biệt bởi là hồ nhân tạo. Chỉ mang máng biết rằng hồ được tạo nên vì sứ mệnh lịch sử chính trị ngăn dòng sông Chảy để xây dựng nhà máy sản xuất nguồn điện sáng mang tên Thác Bà từ những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Mặt nước, lòng hồ, đảo lớn đảo nhỏ, đảo nổi đảo chìm, thảm thực vật cây cối, cuộc sống bình lặng của người dân cứ huyền ảo lướt đi dưới mây trời hoà quyện, tĩnh lặng và bình yên vì dường như chưa có sự can thiệp thô bạo từ con người và ngành công nghiệp dịch vụ…

Đi được khoảng 2 tiếng đồng hồ, có tiếng lao xao hỏi “đi hết khu này mất bao lâu”? Anh Ngọc chỉ tủm tỉm cười rằng “chúng ta mới đi chưa đi được một phần mười của hồ đâu”. Chính xác thì hồ Thác Bà có 1.331 hòn đảo lớn nhỏ, tạo thành nhiều hang động và cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, chiều dài đến trên 80m, chiều rộng từ 10-15m, độ sâu từ 45-60m, chứa trong bụng hồ 3,9 tỷ khối nước.

“Sống chậm” để chạy ào vào đảo nhỏ, rồi thấy có anh chàng người dân tộc đầu bù tóc rối, chân đi đôi dép tổ ong sờn rách nhưng nở nụ cười rõ tươi “như mùa thu toả nắng”, nhanh tay quạt phành phạch nướng cá trên bếp than hồng.

Cá tự nhiên bắt được ở hồ, chủ đảo nhốt lại dưới lưới trong hồ, khi có khách lại bắt lên chế biến. Cá ướp gừng, gia vị, nướng lên cháy xém thơm lừng, lan theo gió hấp dẫn chảy cả nước miếng. Cô em xinh xắn phóng viên đài truyền hình VTC lon ton lại gần hưởng tí hơi ấm nhưng mục đích chính là định chụp hình với “giai đẹp” nhưng bị giai “rất phũ” chối từ, bèn quay ra chụp hình với con chó con mèo bên bậc thang nhà sàn siêu vẹo. Chó trên đảo được nuôi có mục đích riêng, không chỉ trông giữ cái lán bé xíu xiêu vẹo đồ đạc đơn sơ trên hòn đảo này, mà chó được lùa đi để xua gà đồi thả rông tự lớn. Không một sức người nào có thể đuổi được gà trên cả đảo mà các chú chó sẽ đuổi đến khi gà mệt dúi vào một xó và bị bắt về làm thịt. Thịt gà đồi săn chắc, ngọt thơm bên đĩa rau sắn muối, uống rượu ngâm với rễ cây, hương vị khác lạ khó tìm thấy ở một vùng đất khác….

“Sống chậm” trên vùng sông nước núi mà sức hút mê mẩn đã níu giữ hơn nửa cuộc đời và tuổi thanh xuân của một anh chàng người Pháp ở lại với mảnh đất này. Thấp thoáng xa xa nhìn vào một khu nghỉ dưỡng đủ vẻ thơ mộng giữa chốn hoang vu, sắc màu ẩn hiện từ những dàn hoa được chăm tỉa cầu kỳ nhưng không khoa học đan xen những mái lá cọ nhấp nhô cao thấp. Dọc lối lên ken hai bên là hoa dâm bụt, hoa giấy và những bụi hoa rừng mà không biết tên gọi là gì. Vào bên trong, khu nghỉ dưỡng có kiến trúc theo những ngôi nhà sàn cổ của người dân tộc bản xứ nhưng lại có nét hiện đại pha trộn kèm lẫn những cột bê tông làm trụ. Vài ba bộ ghế sopha cũ sờn đủ hoạ tiết đặt dưới những chiếc đèn lồng và lồng chim có khoác thêm những tấm khăn nhìn khá tức mắt bởi nó không hoà hợp và ăn nhập gì với nhau nhưng thật lạ và độc đáo. Khu này có khoảng mười mấy phòng nghỉ, có phòng nghỉ đơn nhưng cũng có phòng đông để mọi người tổ chức trò chơi tập thể. Ông chủ người Pháp bận rộn với công tác cải tạo, xây dựng mới thêm phòng trên một khu đất mới liền kề vì lý do sắp tới có đoàn khách quốc tế đến nghỉ nhưng không đủ phòng. Dù bận nhưng ở ông chủ này vẫn luôn toát lên vẻ phong trần mến khách, sẵn sàng chia sẻ tình yêu và niềm đam mê cháy bỏng với không gian sông nước đẹp như thiên đường mà ông tạo dựng…

“Sống chậm” là vẫn có thể ra quầy bar, đơn giản chỉ là kéo một cái ghế cao lênh khênh mà độ an toàn chắc chắn không đáng tin cậy rồi ngồi ngắm ngía. Rất nhiều bình rượu ngâm các loại, rượu ta rượu tây, ly, tách, đồ pha café, ấm trà được sắp đặt ngăn nắp trong một không gian mà nội thất quán bar không thể phân biệt thuộc trường phái nội thất nào. Vật liệu chủ đạo có thể thấy là nguyên liệu tự có làm từ tre, gỗ vì phí vận chuyển xây dựng khi mang vật liệu từ đất liền ra khá đắt đỏ. Đồ uống ghi bằng tiếng anh với đủ món từ bữa sáng, bia, cocktail, vang, café, nước hoa quả… đến thuốc lá đều rõ ràng giá cả, rẻ đến giật mình. Thời gian phục vụ từ 7h sáng đến 10h đêm. Phía bên trái của chàng thanh niên pha chế nhan sắc đẹp hơn hoa (như kiểu các soái ca trong tryện ngôn tình) là quầy lưu niệm vô cùng ấn tượng. Những túi cói đan thành những chiếc giỏ tinh tế, treo xinh xắn, đựng những chai mật ong rừng, đặc sản nơi đây. Một khung cửi mô phỏng đựng những bưu thiếp, tài liệu giới thiệu văn hoá dân tộc bản xứ. Một khung trưng bày ít túi thổ cẩm, một vài bức tranh giống như những tranh của trẻ lên ba vẽ khi cô giáo dạy tập tô màu. Một cuốn sổ để quý khách có thể ghi tuỳ ý những cảm nhận cần lưu lại…

 

Một gam màu trầm, một ngày tĩnh lặng, một sự lộn xộn gai góc, một sự kết hợp tư duy thần thái của phương Tây và vật dụng vật liệu của đồng bào thiểu số Việt. Một địa điểm hiếm có khó tìm hữu tình lãng mạn thật khó quên về một trong những khoảnh khắc cuộc sống thật mến thương…

“Sống chậm” là bâng khuâng day dứt hoài niệm về thành quách, đền chùa, làng mạc, nhà cửa, dấu ấn cuộc sống bao đời tích tụ đã mãi mãi chìm sâu trong lòng nước bạc. Những ngày đêm hội làng thanh niên trai tráng rước kiệu bay và bóng những cô gái tuổi trăng rằm thắt lưng xanh thấp thoáng quay cuồng dưới gốc cây gạo đỏ rực tháng Ba đã chìm vào ký ức. Khoảng 30 nhà thờ, 40 chùa miếu dọc hai bờ sông Chảy, cùng hơn 3.000 mồ mả của 37 xã đã bị vùi trong lòng nước. Những nỗi đau chưa thể nguôi ngoai…

“Sống chậm” là ngậm ngùi nghĩ đến một di sản giữa núi rừng như này vẫn chưa được khai thác, đánh thức đúng tiềm năng thực sự; Là mối lo trăn trở sự phát triển manh mún sẽ phá vỡ môi trường sinh thái, ô nhiễm và phức tạp; Là ước mong mỏi mòn về thứ ánh sáng được thắp lên sáng rực trong các lớp học bản làng của con em những thế hệ di dân, bỏ lại tất cả ra đi mất mát vì đại cục nay đang sống tối tăm giữa trái tim thuỷ điện; Là cơ hội về những cái đầu lãnh đạo găm sỏi đá của tỉnh thành sẽ đưa ra quyết sách quyết liệt hợp lý, kêu gọi ưu đãi, trải thảm đỏ để các nhà đầu tư tiềm lực vào quy hoạch, xây dựng vận hành và quản lý… Giấc mơ về nàng tiên nữ ngủ trong vùng hồ một ngày bừng thức giấc vẫn còn xa lắm, nhưng một ngày nào đó, tôi vẫn muốn chờ xem…

Có khi nào đến một ngày quá mệt, lại muốn bỏ tất cả để chỉ được ngồi lại trên cái ghế lênh khênh không chắc chắn nơi cái quán bar lộn xộn có phần kỳ lạ ấy….

Hồ Thác Bà, tháng Ba năm 2016…


Ý kiến bạn đọc