Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng đột biến

16:24, 13/04/2016
|

Từ đầu năm 2016 đến nay, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt trên 1 triệu lượt người, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

q

Du khách nước ngoài thích thú ghi lại những khoảnh khắc trên phố cổ Hà Nội. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Sở Du lịch Hà Nội cho biết đây là mức tăng trưởng đột biến trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, lượng khách nội địa đến Hà Nội cũng tăng nhanh đạt gần 4,6 triệu lượt khách, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lượng khách đến Hà Nội đạt trên 5,6 triệu lượt người, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu đạt trên 16 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.

Thời gian qua, cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch Hà Nội đã được bổ sung từng bước nâng cao chất lượng phục vụ; sản phẩm du lịch được chú trọng về chất và lượng, từng bước xã hội hoá, đa dạng hoá các hình thức đầu tư, thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn để phát triển du lịch. Nhiều sản phẩm du lịch đang được ngành du lịch Thủ đô nghiên cứu, xây dựng như, du lịch sinh thái Ba Vì, du lịch cộng đồng làng cổ Đường Lâm, du lịch khu vực hồ Tây, phát triển du lịch tâm linh tại hội Gióng Phù Đổng và du lịch sinh thái tại Viện giống Cây trồng của Học viện Nông nghiệp trên địa bàn huyện Gia Lâm… Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch được đổi mới với nhiều hình thức, chú trọng vào các thị trường trọng điểm. Vì vậy, hình ảnh du lịch Hà Nội trên thị trường quốc tế ngày càng nâng cao, khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, từ nay đến cuối năm 2016, Sở kêu gọi nhà đầu tư chiến lược tham gia phát triển du lịch khu vực Hồ Tây, sông Hồng và 2 bên sông Hồng, xây dựng đặc khu du lịch tại Đông Anh. Sở Du lịch Hà Nội cũng tập trung tạo dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh theo các trục trọng tâm như: Khu vực phố cổ, phố cũ và hồ Hoàn Kiếm, khu vực xung quanh Hồ Tây với bãi hai bên sông Hồng từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì.

Tiếp đó là, khu vực Đông Anh gắn với du lịch tâm linh Cổ Loa - Múa rối nước Đào Thục và khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao; khu vực trung tâm chính trị Ba Đình gắn với Hoàng Thành Thăng Long và Văn Miếu - Quốc Tử Giám; khu vực Ba Vì và vùng phụ cận như làng cổ Đường Lâm, làng nghề Vạn Phúc, làng nghề Thường Tín, làng nghề Bát Tràng. Ngành du lịch Thủ đô cũng tiếp tục mở rộng thị trường tiềm năng trong khu vực và quốc tế; tăng cường tuyên truyền, hợp tác, quảng bá, xúc tiến, liên kết điểm đến du lịch Hà Nội với các thị trường trong và ngoài nước, tập trung vào các thị trường Pháp, Anh, Đức, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…


Ý kiến bạn đọc