Dân biệt thự cổ Hà Nội sống khổ sở trong lo sợ

07:11, 24/09/2015
|

(VnMedia) - Vụ việc sập ngôi biệt thự cổ tại 105-107 Trần Hưng Đạo, Hoài Kiếm, Hà Nội khiến 2 người thiệt mạng, 6 người khác bị thương đã gây bàng hoàng trong dư luận.  Đặc biệt, nhiều người dân đang sống trong các biệt thự cổ tại Hà Nội không khỏi lo lắng.

Sống khổ ở biệt thự cổ

Trên toàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 1.253 ngôi biệt thự cổ, có tuổi thọ khoảng 100 năm, trong đó khoảng gần 300 biệt thự thuộc sở hữu của người dân. Các biệt thự này chủ yếu nằm trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình.

Có lẽ vì đã mua đứt bán đoạn với Nhà nước nên nhiều người dân sinh sống tại các biệt thự cổ đã tự ý cải tạo, cơi nới thêm diện tích, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu tòa nhà, đe dọa đến sự an toàn của chính họ và những người xung quanh.

Căn biệt thự Pháp cổ nằm trên phố Tăng Bạt Hổ có tuổi thọ trên 100 năm. Căn biệt thự có 2 tầng, diện tích 1 mặt sàn là 150 m2 nhưng có tới 13 hộ dân đang sinh sống. Mặt sàn căn biệt thự được chia thành các căn hộ nhỏ có diện tích chưa đầy 20m2. Hiện tại, căn biệt thự đã xuống cấp nghiêm trọng, tường mọc rêu, bong tróc, cầu thang gỗ mục nát, trần nhà bị thấm dột….

Bác T - một người sân sống tại biệt thự cho biết, gia đình bác sống tại đây đã hơn 20 năm. Cuộc sống chật chội rất khổ cực. Người dân trong xóm muốn góp tiền để sửa chữa, nâng cấp nhưng do biệt thự "cổ" được xếp vào diện bảo tồn nên việc cải tạo không được phép.

“Sau vụ sập biệt thự cổ tại phố Trần Hưng Đạo, chúng tôi rất lo lắng bởi gia đình đang sống trong biệt thự cổ. Công trình được xây dựng cả trăm năm, mức độ xuống cấp nghiêm trọng. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần kiểm tra, nếu mức độ xuống cấp nghiêm trọng thì phải cho tôn tạo lại để đảm bảo an toàn sinh mạng người dân” bác T nói.

  Ảnh minh họa
 

Biệt thự cổ số 8 Tăng Bạt Hổ

Ông G – một người dân sống biệt thự số 8 Tăng Bạt Hổ nói “chúng tôi sinh sống ở đây ngót ngét được 30 chục năm, vừa ở vừa sửa chữa. Tường nhà ngày xưa được xây chủ yếu bằng cát, vôi… đến bây giờ bong tróc, thẩm dột nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ được sửa chữa, gia cố những hạng mục nhỏ, còn việc xây dựng chắc chắn thì không được phép ”.

Bà Nguyễn Thị Hồng – một người dân sống tại biệt thự Pháp cổ Trần Nhật Duật, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho PV biết, gia đình bà Hồng đã sống 55 năm trong ngôi biệt thự này. Căn biệt thự 2 tầng, rộng 120 m2 nhưng có đến 6 hộ gia đình sinh sống. Cả khu có 25 người kể cả già, trẻ nhưng hàng ngày vẫn phải cùng chung 1 nhà tắm, 1 nhà vệ sinh. Lối đi chung được tận dụng làm nơi nấu nướng và giặt giũ…

“Để có thêm diện tích, hầu hết các gia đình đều phải cơi nới thêm diện tích. Những gia đình ở tầng 2 thì đua ban công, trồng thêm tầng mái.  Gia đình ở tầng 1 thì làm gác xép,…. Nhiều người cũng lo móng nhà không chịu thêm trọng tải nhưng vẫn chấp nhận theo kiểu được đến đâu hay đến đấy ” Bà Hồng nói.

Vướng khâu quản lý

Việc người dân đang phải chen chúc nhau sống trong các ngôi biệt thự cổ cũ kỹ, ọp ép tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Tuy nhiên, việc sửa chữa, duy tu xem ra còn vướng nhiều vấn đề mặc dù lãnh đạo thành phố Hà Nội đã “ráo riết” ra nhiều văn bản chỉ đạo.

Trong đó, tháng 7/2013, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ra nghị quyết về việc quản lý biệt thự cổ, trong đó nêu rõ biện pháp thực hiện việc cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn Hà Nội.

Theo đó, đối với các nhà cổ, nhà biệt thự cũ có giá trị đặc biệt và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 đã xuống cấp, nằm trong danh mục nhà nguy hiểm, thành phố lập phương án di chuyển các tổ chức, cá nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm để tổ chức xây dựng, cải tạo, phục hồi, bảo trì theo quy định.

Để tăng cường công tác quản lý, mới đây, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, ngành kiểm tra công tác quản lý, sử dụng nhà biệt thự. Trong đó, Sở đề xuất nhiều cơ chế, chính sách thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị các ngôi biệt thự. Nhưng xem ra, những chỉ đạo này vẫn còn nằm trên giấy.

Tuy nhiên, sau sự việc đau lòng xảy ra tại biệt thự 107 Trần Hưng Đạo, chắc chắn công việc cải tạo biệt thự cổ sẽ không còn dừng ở những vấn đề về giá trị kiến trúc và mỹ quan đô thị, mà nó chính thức trở thành một câu hỏi về tính an toàn tính mạng cho người dân.

Theo  quan điểm của Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, việc quản lý biệt thự cổ tại Hà Nội đang có vấn đề. Cụ thể, một căn biệt thự cổ được xếp vào dạng di sản thì cơ quan chức năng phải bảo vệ nó. Trong khi đó, những người dân đang sinh sống tại các biệt thự này là người thường xuyên sử dụng nó, theo dõi và cảnh báo nguy cơ mất an toàn thì lại không được quyền sửa chữa do vướng phải thủ tục phức tạp sau bảo tồn.

Do vậy, cách tốt nhất là đối với những biệt thự cổ được liệt vào dạng di sản nên trả về cho địa phương quản lý. Còn các biệt thự khác không xếp vào dạng di sản thì Nhà nước nên giao cho những người sử dụng nó được quyền sửa chữa, duy tù, bảo dưỡng để đảm bảo an toàn.


Khánh An

Ý kiến bạn đọc