Dễ dàng mua nhà đẹp dưới 1 tỷ đồng?

13:31, 24/04/2015
|

(VnMedia) - Sau hơn 2 năm triển khai, tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, hàng chục dự án nhà ở xã hội đã đi chính thức được khánh thành và đi vào sử dụng. Đồng nghĩa với đó là hàng trăm nghìn hộ gia đình có thu nhập thấp thỏa ước muốn có
chốn an cư.

 

Đã có suy nghĩ rằng, nhà ở xã hội, nghĩa là dành cho những người có thu nhập thấp; giá nhà rẻ đồng nghĩa với chất lượng, dịch vụ thấp. Thực tế cũng cho thấy, do ít tiếp cận với thông tin về nhà ở xã hội, dẫn đến, không ít người có thu nhập thấp phải cố gắng vay tiền với lãi suất cao để mua nhà ở thương mại. Dẫn đến, nợ khó trả, chất lượng sống không đảm bảo.

Tuy nhiên, sau khi nhiều dự án nhà ở xã hội được bàn giao cho người mua, thực tế môi trường sống tại những dự án nhà ở xã hội đã mang tới cho cả những người thu nhập không thấp có cái nhìn khác về nhà ở xã hội.

Không chỉ vậy, nhà ở xã hội đã trở thành mục tiêu săn tìm của không ít người có nhu cầu thực về nhà ở, bởi mức giá hợp lý, chính sách hỗ trợ về vốn vay tốt, hạ tầng không thua kém gì nhà ở thương mại....

Qua khảo sát của VnMedia cho thấy, mặc dù lợi nhuận thấp, chi phí đầu tư bị hạn chế nhưng một số dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn nói chung đã được các chủ đầu tư chăm chút xây dựng nhiều các hạng mục hạ tầng như công viên, cây xanh, hồ bơi, sân bóng…khiến cho điều kiện sống của người dân có mức thu nhập thấp được nâng cao đáng kể, thậm chí cao hơn cả điều kiện sống tại nhiều dự án nhà ở thương mại khác.

  
 

Ảnh minh họa

 Tại dự án nhà ở xã hội Ecohome, Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: KN


Với chính sách hỗ trợ về tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế, hỗ trợ vốn vay, quan tâm tới hạ tầng nhà ở, nhiều doanh nghiệp lớn của ngành xây dựng, như: HUD, Sông Đà, Viglacera, Thu Do SJC, CEO….đã ghi dấu ấn trong xây dựng dự án nhà ở xã hội. Có thể kể tên một vài dự án đã và đang được những doanh nghiệp này triển khai, như: Dự án nhà ở xã hội 143 Trần Phú (của ty CP Đầu tư Xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà); Dự án nhà ở xã hội Bambo Garden, tại đô thị Sunny, Quốc Oai (Công ty CP Đầu tư C.E.O ); Dự án nhà ở xã hội Ecohome (Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô).

  Ảnh minh họa

  Các khách mời tại buổi giao lưu trực tuyến


 
Để người dân có thu nhập thấp có điều kiện tham khảo, nhận biết các thông tin về giá cả, dịch vụ, các dự án nhà ở xã hội đã và đang triển khai, các chính sách liên quan tới nhà ở xã hội, cũng như để các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội chia sẻ quan điểm khi xây dựng những công trình có chất lượng, đẳng cấp không kém gì so với các dự án chung cư trung, cao cấp, Báo điện tử VnMedia tổ chức buổi tọa đàm, giao lưu trực tuyến với chủ đề ” Mua nhà đẹp dưới 1 tỷ”, với sự tham gia của các khách mời:


1.Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN
2.Ông Nguyễn Trọng Phước - Phó tổng giám đốc công ty CP Đầu tư Xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà.
3.Ông Vũ Hồng Thành – Giám đốc Ban Quản lý Tòa nhà Ecohome1, thuộc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô.
4.Ông Tạ Văn Tố - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư C.E.O

Hãy cùng theo dõi buổi giao lưu trực tuyến giữa các vị khách mời với độc giả Báo điện tử VnMedia:

Vĩnh Lộc - Nam , 45 tuổi, Bắc Ninh hỏi: Gia đình tôi hiện có khoảng 900 triệu đồng, liệu với số tiền này gia đình tôi có đủ để mua nhà xã hội không?


Ông Tạ Văn Tố : Nhà ở xã hội cụ thể là dự án của CEO ở Quốc Oai có diện tích từ 48m2 - 65m2 với giá bán dưới 10 triệu đồng, với số tiền 900 triệu đồng mà gia đình bạn có hoàn toàn đủ để mua. Với dự án Bamboo Garden của CEO ở Quốc Oia, ngày 10/5 chúng tôi cất nóc tòa B, tòa A đang thi công sàn tầng 2. Dự kiến cuối năm 2015, chúng tôi sẽ bàn giao toàn bộ cả hai khối nhà A, B cho khách hàng.


Câu hỏi 4   Nhân Huyền
-Nu, 0 tuổi, hỏi: Được biết, Ceo đang xây dựng dự án nhà ở xã hội tại Quốc Oai, dự án này nằm trong tổng thể đô thị Sunny Garden. Vậy, CEO có đầu tư các công trình tiện ích cho riêng dự án không? hay người mua nhà sẽ được hưởng tiện ích của khu đô thị

  Ông Tạ Văn Tố
: Vì dự án Bamboo Garden của CEO nằm trong tổng thể khu đô thị Sunny Garden, nên khách hàng mua nhà ở xã hội của CEO cũng sẽ được sử dụng các tiện ích chung trong khu đô thị Sunny Garden gồm sân bóng đá, tennis, bể bơi và các dịch vụ vui chơi giải trí khác....

Ảnh minh họa

  Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN



Câu hỏi 4   Hà Anh -Nu, 27 tuổi, hỏi: Xin chào ông Phước, xin hỏi ông dự án nhà ở xã hội Sông Đà bao giờ được bàn giao?

  Ông Nguyễn Trọng Phước : Chúng tôi cam kết với khách hàng trong quý 4/2015 (cụ thể ở đây là tháng 12/2015) chúng tôi sẽ tiến hành bàn giao nhà ở xã hội 143 Trần Phú Hà Đông.

Câu hỏi 4 - Vũ Tiến -Nam, 45 tuổi,
hỏi: Xin hỏi ông Phước, sau dự án nhà ở xã hội 143 Trần Phú thì công ty Sông Đà SDU có tiếp tục xây dựng dự án nhà ở xã hội nào nữa không? Nếu có, dự án sẽ được xây dựng ở địa điểm nào?

   - Ông Nguyễn Trọng Phước :
Sau khi dự án 143 Trần Phú bàn giao cho khách hàng, công ty chúng tôi vẫn chưa có dự án nhà ở xã hội nào triển khai. Hiện nay, công ty vẫn đang tiến hành triển khai tìm kiếm và mục tiêu trong vòng 2 - 5 năm tới, sẽ thực hiện nếu được Bộ xây dựng và UBNN thành phố Hà nội phê duyệt.

  Câu hỏi 5 - Nguyễn Văn Tùng -Nam, 34 tuổi, 28b, Điện Biên Phủ,Hà Nội
hỏi: tôi có đăng ký hồ sơ mua nhà ở xã hội tại dự án Ecohome2 của Công ty đầu tư và xây dựng Thủ đô, tôi xin hỏi Ông Vũ Hồng Thành một số câu hỏi như sau: 1. Tôi là sỹ quan Quân đội đóng quân ở hà nội còn vợ tôi là lao động hợp đồng dài hạn trong một cơ quan nhà nước có đóng bảo hiểm. người đứng đơn mua là tôi, vậy vợ chồng chúng tôi có đủ điều kiện về điểm để mua nhà tại dự án Ecohome 2 không? Khi công ty chấm điểm thì những tiêu chí nào sẽ là tiêu chí có tính chất quyết định về điểm? 2. ngân hàng nào đứng ra bảo lãnh và cho vay vốn 30 nghìn tỷ của dự án Ecohome2? thủ tục vay vốn như thế nào? 3. Dự án ecohome2 dự kiến bao giờ bàn giao nhà? Tôi thấy giá dự kiến công ty đưa ra là 13.5 -14.5 triệu/m2, giá như vậy đã bao gồm VAT và phí bảo thì chưa?

   - Ông Vũ Hồng Thành :
Theo thông tư số 08/2014/TT-BXD quy định điều kiện được mua nhà ở xã hội và người thuộc đối tượng chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng diện tích bình quân dưới 8m2 và phải là người có hộ khẩu tại Hà Nội hoặc có tạm trú dài hạn và có hợp đồng lao động có thời hạn trên 1 năm và phải đóng bảo hiểm xã hội, thì trường hợp của bạn đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, hiện nay thì lượng hồ sơ đủ điều kiện xin mua tương đối nhiều, công ty Thủ đô chấm điểm dựa theo tiêu chí về thang điểm và chọn thứ tự điểm theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới đến đủ số lượng. Trường hợp các căn hộ có số điểm bằng nhau thì sẽ tổ chức bốc thăm. Tiêu chí chấm điểm thì sẽ tùy thuộc vào đối tượng được thuê mua nhà ở và có tính đến các trường hợp ưu tiên theo quy định của pháp luật như gia đình có công với cách mạng, gia đình thương binh liệt sỹ.

Ngân hàng cho vay vốn là ngân hàng Vietinbank. Thủ tục vay vốn khi khách hàng mua nhà ở Xã hội thì Vietinbank sẽ làm thủ tục vay vốn tối đa là 80% giá trị căn hộ trong thời gian từ 10-15 năm.

Dự án Ecohome2 dự kiến tháng 4/2016 giao nhà tuy nhiên chủ đầu tư sẽ cố gắng giao căn hộ cho khách hàng trước Tết 2016. Hiện nay, công ty chưa đưa ra mức giá cụ thể vì còn căn cứ vào quyết định của Sở Xây dựng cùng các liên ngành Thành phố xác định giá và báo cáo UBND Thành phố. Hiện nay dự án Ecohome đang được Sở Xây dựng thẩm định hồ sơ xác định giá.

Câu hỏi 2 - Bích Liên -Nu, 32 tuổi,
hỏi: Tại Ecohome hiện nay đã tổ chức thành lập các tổ dân phố chưa? Hiện khu chung cư của tôi đang ở đang thành lập tổ dân phố, tuy nhiên Phường sở tại chỉ cho phép lập 1 tổ dân phố với số dân lên tới hàng ngàn hộ. Chúng tôi không nhất trí, mà đề nghị phải được thành lập nhiều tổ dân phố để dễ quản lý. Xin ông chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này?

   - Ông Vũ Hồng Thành :
Hiện nay tại khu Ecohome 1, Ủy ban Nhân dân phường Đông Ngạc đã làm đề án thành lập tổ dân phố lâm thời và báo cáo quận để làm các thủ tục trình UBND TPHN ra quyết định cuối cùng.

Về vấn đề của bạn quan tâm tôi xin trả lời như sau: Theo quyết định số 50/2013 của UBND TP Hà Nội, quy định quy mô của một tổ dân phố từ 150 hộ đến 600 hộ, trong giai đoạn đầu khi chung cư đi vào hoạt động UBND phường sở tại sẽ lập đề án thành lập tổ dân phố lâm thời báo cáo Quận và xin Thành phố ra quyết định cuối cùng. UBND phường được phép chỉ định tổ trưởng lâm thời trong thời gian 6 năm sau khi UBND TP ra quyết định thành lập tổ dân phố mới tổ chức bầu tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố.

Trong trường hợp của bạn cần phân định rõ là đã có quyết định thành lập tổ dân phố của UBND TP chưa, nếu có thì báo cáo phường, quận để làm đề án xin chia cách tổ dân phố để dễ quản lý. Trường hợp chưa có thì phải đợi UBND TP đưa ra quyết định thành lập thì mới làm đề án xin chia tách tổ dân phố.

Ảnh minh họa

  Ông Vũ Hồng Thành – Giám đốc Ban Quản lý Tòa nhà Ecohome1, thuộc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô.



   Câu hỏi 4 - Hồng Vân -Nữ, 43 tuổi, hỏi: Việc quản lý khu chung cư đang có nhiều bất cập. Một trong những bức xúc của cư dân chung cư là diện tích sử dụng chung, như sân xung quanh tòa nhà, phòng họp của cư dân,...đều bị chủ đầu tư sử dụng vào mục đích khác, hoặc tình trạng hàng quán bày bán tràn lan chiếm vỉa hè. Tại dự án Ecohome, tôi chưa thấy có hiện tượng này, đây có phải là quan điểm của chủ đầu tư? Ngay trong hợp đồng mua bán nhà có thể hiện nội dung về diện tích chung hay không?

   - Ông Vũ Hồng Thành :
Tại Ecohome 1 chúng tôi có nhiều thuận lợi khi được chủ đầu tư Công ty Cổng phần đầu tư và Thương mại Thủ đô hết sức quan tâm tạo mọi điều kiện hỗ trợ ban quản lý hoàn thành tốt việc quản lý vận hành tòa nhà một cách chuyên nghiệp hiệu quả. Ngay từ ban đầu chủ đầu tư công ty Cổ phần Thương mại Thủ đô đã xác định rõ ràng nguyên tắc minh bạch trong mọi vấn đề và đưa tất cả các vấn đề thuộc sở hữu chung riêng vào hợp đồng. Do đó BQLTN có căn cứ để quán triệt toàn thể cư dân chấp hành nghiêm túc các quy định trong hợp đồng, các quy định trong nội quy, quy chế ban quản lý.

Thực tế, trong quá trình vận hành quản lý tại khu Ecohome 1 chúng tôi cũng dùng mọi phương án từ tuyên truyền vận động cư dân, thành lập ban liên lạc cư dân, lập các trưởng tầng để tuyên truyền các chính sách của BQL tới cư dân đề nghị mọi cư dân chấp nhận nghiêm túc các nội quy BQL vì vậy mới không xảy ra vấn đề như bạn nêu trên.

   Câu hỏi 5 - Duy Khánh vietnamnet -Nam, 0 tuổi
: Nhà ở xã hội của CEO tận Quốc Oai xa quá so với nhu cầu của người dân, vậy làm cách nào để thu hút người mua. Mức giá trước đây từng công bố là 11 triệu đồng/m2 hiện nay có sự thay đổi gì không?

   - Ông Tạ Văn Tố :
Kể từ ngày động thổ dự án 1/6/2013, mức giá bán của dự án Bamboo Garden được CEO công bố là dưới 10 triệu và cho tới thời điểm này, sau hai năm, mức giá đó vẫn được giữ nguyên.

Với việc chùa Thầy được công nhận là Khu di tích Quốc gia đặc biệt, ngày hôm qua (23/4), Bộ GTVT đã hoàn thành đường nhánh nối liền từ đường cao tốc vào chùa Thầy, do đó khách hàng mua dự án chỉ mất 10 - 15 phút di chuyển từ dự án về Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Bên cạnh đó, sắp tới sẽ có thêm tuyến xe buýt từ dự án di chuyển vào trung tâm thành phố sẽ giúp việc đi lại thuận tiện hơn.

   Câu hỏi 1 - Nguyễn Vân anh -Nữ, 
hỏi: Tôi được biết, đây là lần đầu tiên CEO triển khai xây dựng nhà ở xã hội. Trước đây tôi đọc báo thấy nhiều người kêu ca là làm nhà ở xã hội khó có lãi. Vậy hướng đi này có phải là quá mạo hiểm? Hay vì CEO sẽ được hưởng ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng nên mới làm?

   - Ông Tạ Văn Tố :
CEOGroup triển khai xây dựng nhà ở xã hội Bamboo Garden với mục tiêu sau: Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP ngay 7/1/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hộ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động. Góp phần đảm bảo an sinh xã hội thông qua việc đáp ứng một phần nhu cầu về NOXH của cán bộ công chức, viên chức, người có thu nhập thấp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó còn góp phần tạo ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Cùng với đó là đa dạng hóa sản phẩm của CEOGroup đồng thời là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện dự án để thu hút người dân về sinh sống tại Khu đô thị. 

   Câu hỏi 2 - Đoàn Giao -Nam, 42 tuổi, Thái Bình
hỏi: Hiện công ty CP Thủ Đô có tiếp tục xây thêm dự án nhà ở xã hội nào không? Tôi rất thích khu Ecohome nhưng hiện tôi không mua được.

Ảnh minh họa

  Ông Nguyễn Trọng Phước - Phó tổng giám đốc công ty CP Đầu tư Xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà.



   - Ông Vũ Hồng Thành : Hiện chúng tôi đang thực hiện dự án Ecohome 2 và sẽ tiếp tục làm các thủ tục xin Thành phố cấp phép thực hiện các dự án nhà ở xã hội mang thương hiệu Ecohome.

   Câu hỏi 3 - Nguyễn Quyết -Nam, 25 tuổi
: Người ở trong khu căn hộ nhà ở xã hội Ecohome có phải đóng thuế nhà, đất không?

   - Ông Vũ Hồng Thành :
Theo quyết định số 67/2009 của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/4/2009 và các thông tư hướng dẫn đối với các dự án nhà ở xã hội thì được ưu đãi miễn tiền sử dụng đất.

Câu hỏi 4 - Hồng Minh -Nu, 35 tuổi,
hỏi: Tôi đang ở chung cư tại khu đô thị Xa La, chủ đầu tư thu phí đối với xe máy là 80.000đ/tháng, nhiều người cho rằng mức phí này quá đắt, trong khi tầng hầm để xe luôn trong tình trạng quá tải, thiếu chỗ để. Theo ông mức phí như thế nào là hợp lý?

   - Ông Vũ Hồng Thành :
Hiện nay, mức phí thu giữ xe quy định tại Quyết định 69/2014/QĐ-UBND ngày 20/8/2014 của UBND TP HN, theo đó, tùy thuộc vào mức đầu tư của từng khu chung cư sẽ áp dụng các mức giá khác nhau, cụ thể như sau: - Khu chung cư được đầu tư trông dự xe hiện đại như trang bị hệ thống giám sát camera theo dõi, kiểm tra phương tiện, người gửi ra vào quẹt thẻ theo đõi giờ vào ra và tính tiền, hệ thống PCCC tiêu chuẩn được phép thu 100.000 xe/tháng. - Các khu chung cư khác được thu là 60.000 xe/tháng. - Trường hợp chung cư bạn nếu được đầu tư hiện đại thì mức phí 80.000 xe/tháng là hợp lý.

Câu hỏi 4  Nguyễn Ánh Hồng (Hà Nội, 29 tuổi): Thưa Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm, cháu được biết ở Malaysia người ta có chính sách rất hay là cho người dân mua nhà trả góp trong vòng mấy chục năm. Vì thế, những người mới có việc làm với thu nhập ở mức khá là có thể có nhà ngày. Vậy tại sao Việt Nam lại không áp dụng mô hình này để người dân được lợi. Như chúng cháu, nếu không có chính sách này thì có lẽ sẽ mãi mãi chúng cháu chẳng thể mua được nhà với mức lương chỉ ở tầm 10 triệu như hiện nay?

 

  - Ông Phạm Sỹ Liêm: Chính sách xã hội về nhà ở của mỗi quốc gia có sự khác nhau tùy thuộc vào trình độ phát triển kinh tế. Malaysia hiện nay có trình độ phát triển trung bình khá và đang phấn đấu tiến lên thành nước phát triển. Họ cũng có quan điểm phát triển công bằng nên quan tâm đến điều này, Nước ta chính sách xã hội về nhà ở mới đưa vào luật từ năm 2005 đến nay, điều kiện kinh tế có hạn nên muốn dựa vào vốn đầu tư của các nhà kinh doanh bất động sản và vốn cho vay của ngân hàng với lãi suất ưu đãi.  Ý tưởng này tốt nhưng cách tiếp cận về quan điểm, theo tôi chưa thật là phù hợp.

Chẳng hạn, chúng ta có thể cho người mua vay dài hạn, trong khi kinh nghiệm quốc tế tối đa cũng chỉ cho vay đến 10 năm. Quan trọng là phải làm cho mỗi người có chỗ ở phù hợp, bằng cách sở hữu hoặc thuê. Vậy phải làm sao để người không có khả năng mua thì cũng phải thuê được, nhưng ở Việt Nam thì điều này không dễ dàng gì.

Câu hỏi 4 - Hoài Anh (Đức Giang, Hà Nội), hỏi:Hoài Anh (Đức Giang, Hà Nội) Quan điểm về nhà ở xã hội là làm để cho người thu nhập thấp, chính vì vậy mà hình như những vấn đề về chất lượng sống chưa được quan tâm thực sự. Ví dụ  như không gian sống, hạ tầng, điều kiện kỹ thuật khác? Điều này cần phải thay đổi như thế nào trong tư duy?

  - Ông Phạm Sỹ Liêm: Chính sách xã hội về nhà ở, theo quan điểm của tôi, cũng nên như y tế và giáo dục, là giúp đỡ cho những người yếu thế cũng được hưởng những dịch vụ tối thiểu, còn việc cung ứng những dịch vụ đó thì tạo điều kiện cho thị trường thực hiện. Ví dụ  như thị trường cung ứng nhà chất lượng kém hay thiếu dịch vụ, ở điều kiện không phù hợp thì người ta không mua, không thuê, còn ở Việt Nam hiện nay lại có nhà ở xã hội,  là một loại nhà chỉ được ưu đãi trong vấn đề xây dựng và chỉ được bán cho đối tượng nhất định, nghĩa là sản xuất ra thì có người mua nên chất lượng kém hay địa điểm  kém một chút cũng không sao vì vẫn có người mua.

  Câu hỏi 3 - Ngọc Bình -Nam, 42 tuổi,
hỏi: Thưa ông, vừa qua chúng tôi đã tham quan nhiều dự án nhà ở xã hội. Điểm đáng chú ý, tại nhiều dự án xây dựng rất đẹp với hệ thống bể bơi, hồ cảnh quan, công viên… Vậy xin hỏi ông, với mức giá bán thấp dưới 15 triệu đồng/m2 tại sao các doanh nghiệp vẫn có thể xây dựng được những công trình hoành tráng như vậy?

   - Ông Nguyễn Trọng Phước :
Việc thăm quan các dự án nhà ở xã hội, xây dựng đẹp, có bể bơi, hồ cảnh quan, công viên là bạn đã vào một khu đô thị mới thuộc dự án nhà ở thương mại và theo quy định của Chính phủ thì chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội phải sử dụng 20%, trên tổng diện tích đất khu đô thị làm nhà ở xã hội (khoản a mục 2, điều 6, Nghị định 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013). Cho nên khu nhà ở xã hội này được hưởng hạ tầng của khu đô thị thương mại (nên bạn được hưởng một không gian đẹp như trên).

   Câu hỏi 2 - Ngọc ánh -Nu, 38 tuổi, TPHCM
hỏi: Vợ chồng tôi thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng, nhưng vì là dân ngoại tỉnh nên rất khó trong việc hoàn thiện đủ hồ sơ để vay, mua nhà, hiện tại vẫn ở nhà thuê với mức giá 4 triệu đồng/tháng. Tôi muốn hỏi, làm thế nào để vẫn mua được nhà với mức giá hàng tháng như vậy, và số tiền đầu tiên bỏ ra để mua nhà trung bình là bao nhiêu?
.
   - Ông Vũ Hồng Thành :
Trước tiên, bạn cần phải tìm hiểu thủ tục mua nhà ở xã hội. Thủ tục mua nhà ở xã hội đã được quy định cụ thể tại Thông tư số 08/2014/TT-BXD ngày 23/5/2014 của Bộ Xây dựng. Trường hợp bạn là người ngoại tỉnh bạn cần phải có hộ khẩu thường trú dài hạn và hợp đồng lao động trên 1 năm và thực hiện đúng các hướng dẫn theo thông tư trên. Ngoài ra, với nhà ở xã hội bạn có thể vay tới 80% giá trị căn hộ theo gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ của chính phủ đã được Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 và Thông tư số 32/2014/TT-BXD ngày 18/11/2014. Số tiền mua nhà hàng th áng và số tiền đầu tư đầu tiên bỏ ra để mua nhà trung bình là bao nhiêu còn tùy thuộc vào giá trị căn hộ mà bạn mua cũng như số tiền bạn vay và thời hạn vay. Với số tiền trả là 4 triệu/tháng thì bạn hoàn toàn có thể mua căn hộ tại dự án nhà ở xã hội Ecohome 2 của chúng tôi. 

   Câu hỏi 4 - Ngọc Bình -Nam, 42 tuổi,
hỏi: Thưa ông, vừa qua chúng tôi đã thăm quan nhiều dự án nhà ở xã hội. Điểm đáng chú ý, tại nhiều dự án xây dựng rất đẹp với hệ thống bể bơi, hồ cảnh quan, công viên… Vậy xin hỏi ông, với mức giá bán thấp dưới 15 triệu đồng/m2 tại sao các doanh nghiệp vẫn có thể xây dựng được những công trình hoành tráng như vậy?

   - Ông Nguyễn Trọng Phước :
Việc thăm quan các dự án nhà ở xã hội, xây dựng đẹp, có bể bơi, hồ cảnh quan, công viên là bạn đã vào một khu đô thị mới thuộc dự án nhà ở thương mại và theo quy định của Chính phủ thì chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội phải sử dụng 20%, trên tổng diện tích đất khu đô thị làm nhà ở xã hội (khoản a mục 2, điều 6, Nghị định 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013). Cho nên khu nhà ở xã hội này được hưởng hạ tầng của khu đô thị thương mại (nên bạn được hưởng một không gian đẹp như trên).

   Câu hỏi 13 - Việt Anh -Nam, 40 tuổi, Thái Bình
hỏi: Xin chào ông Phước, ông có thể cho biết đối với những người muốn thuê nhà ở xã hội thì phải làm các thủ tục gì?.

   - Ông Nguyễn Trọng Phước :
Trước hết bác phải xác nhận cá nhân hoặc gia đình là đối tượng được mua, thuê nhà ở thu nhập thấp. Theo đó, bác phải chứng minh được mình là cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, xã hội - nghề nghiệp.... (theo điều 3 của Thông tư số 36/2009/TT-BXD ngày 16/11/2009 của Bộ Xây dựng). Còn đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở thu nhập thấp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện là người chưa có nhà ở hoặc các nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích quá chật chội.... (theo điều 4 của Thông tư số 36/2009/TT-BXD ngày 16/11/2009 của Bộ Xây dựng).

   Câu hỏi 16 - Hải Minh -Nam, 50 tuổi,
hỏi: Chào ông Phước, tôi là người dân mua nhà ở xã hội 143 Trần Phú. Xin hỏi ông, nếu tôi muốn chuyển nhượng căn hộ tại dự án này thì có được không? Tôi nghe nói, người dân nếu muốn bán nhà ở xã hội thì phải nộp 100 tiền sử dụng đất, như vậy có đúng không?

   - Ông Nguyễn Trọng Phước :
Theo quy định của luật pháp, muốn chuyển nhượng căn hộ nhà ở xã hội thì phải sau 5 năm. Còn riêng về thông tin bác nghe khi muốn bán nhà ở xã hội thì phải nộp 100 triệu tiền sử dụng đất là không chính xác. Bởi các đối tượng ở nhà ở xã hội chỉ phải nộp các phí dịch vụ đã thỏa thuận với ban quản lý tòa nhà (như thang máy, vệ sinh...). Ngoài ra, theo quy định về Luật thuế sử dụng đất số 48/2010/QH12 có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 thì đối tượng nhà ở xã hội vẫn phải đóng thuế nhà, thuế đất ở chỉ mức 0,05% giá trị căn hộ.

Câu hỏi 1 - Nguyễn minh ngọc -Nam, 45 tuổi,
hỏi: Làm nhà ở xã hội ít tiền, lại khó bán, vì sao doanh nghiệp lại muốn đầu tư vào dự án này? Tới đây, CEO có định triển khai dự án nào mới không?

   - Ông Tạ Văn Tố :
Như đã nói ở trên, mục tiêu triển khai dự án nhà ở xã hội của chúng tôi nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo ra sản phầm phù hợp với nhu cầu đa dạng của thị trường, đồng thời góp phần hoàn thiện dự án để thu hút người dân sinh sống tại Khu đô thị. Chúng tôi sẽ thông tin kịp thời nếu có kế hoạch triển khai các dự án NOXH cụ thể phù hợp với nhu cầu thị trường và kế hoạch kinh doanh của Công ty.

Ảnh minh họa

  Ông Tạ Văn Tố - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư C.E.O



  Câu hỏi 2 - Ánh Vân -Nu, 29 tuổi, hỏi: Xin chào ông, xin được hỏi ông hiện giá nhà ở xã hội và nhà ở thương mại đang ngày càng xích lại gần nhau. Vậy đâu là sự cạnh tranh của nhà ở xã hội?

   - Ông Tạ Văn Tố :
Đúng như bạn nói, giá nhà ở thương mại trong thời gian qua đã có sự điều chỉnh mạnh ở tất cả các phân khúc trên thị trường, tuy nhiên tính tới thời điểm hiện nay, theo đánh giá của chúng tôi, giá nhà khó có thể giảm sâu hơn và đang có xu hướng tăng trở lại. Hiện tại giá chênh lệch giữa nhà ở thương mại và NOXH cùng vị trí dao động từ 3 - 5 triệu/m2 nên NOXH vẫn có lợi thế cạnh tranh hơn so với nhà ở thương mại. Người dân đủ điều kiện mua NOXH được vay vốn với lãi suất 5%/năm cho suốt 15 năm, trong khi mua nhà ở thương mại lãi suất cao hơn nhiều.

   Câu hỏi 5 - Minh Anh -Nữ, 35 tuổi,
hỏi: Hiện nhiều dự án nhà thu nhập thấp trên địa bàn thành phố Hà Nội và TP HCM đang gặp khó khăn trong việc bán hàng. Là đại diện của doanh nghiệp, theo ông vấn đề gì là vướng mắc nhất khi triển khai việc bán hàng?

   - Ông Tạ Văn Tố :
Theo chúng tôi, để thúc đẩy việc bán hàng, cần chứng minh cho khách hàng các vấn đề sau: Thứ nhất là NOXH có giá cạnh tranh (đối với CEOGroup giá dưới 10 triệu đồng/m2) Thứ hai, là giá NOXH rẻ không phải đồng nghĩa với chất lượng kém mà do được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định (thuế sử dụng đất, được vay vốn ưu đãi, thuế VAT, thuế TNDN....). Thứ ba, riêng đối với CEOGroup, khách hàng được hưởng toàn bộ lợi ích từ các tiện ích (như khu thương mại, siêu thị mini, nhà trẻ - trường học, trung tâm y tế, bar-coffee shop, trung tâm thể thao đa năng...) của Khu đô thị Sunny Garden City. Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp đảm bảo chất lượng, tiến độ giá cả thì doanh nghiệp đề nghị cơ quan Nhà nước, Ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục để những người có thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, chứng minh các điều kiện để có thể mua được NOXH.

  Câu hỏi 1 - Phương Chi -Nữ, 45 tuổi, Thái Bình hỏi: Thưa ông Thành, được biết dự án nhà ở Ecohome 2 hiện nay vượt trên 2000 đơn đăng ký trong khi số lượng căn hộ thực tế chỉ có vài trăm căn? Như vậy việc cạnh tranh rất gay gắt. Công ty có tiêu chí lựa chon hồ sơ như thế nào? Những hồ sơ thừa liệu các ông có tiếp tục xét duyệt tiếp cho các đợt tiếp theo hay không?

   - Ông Vũ Hồng Thành : Hiện nay, công ty đang chấm điểm theo các tiêu chí theo Điều 6 của quyết định số 34/2010/QĐ-UBND để chấm điểm các hồ sơ đạt yêu cầu. Quá trình xét hồ sơ sẽ căn cứ vào mức điểm từ cao xuống thấp. Trường hợp các căn hộ bằng điểm nhau sẽ tổ chức bốc thăm. Các trường hợp không đủ điểm xét duyệt mua sẽ được hoàn trả hồ sơ.

  Câu hỏi 2 - Hiền Ninh -Nam, 45 tuổi, hỏi: Hiện nay, dự án Ecohome1 đã có bao nhiêu căn hộ về ở? Việc nhận nhà, sửa chữa nhà cửa phải làm thủ tục gì thưa ông? Chúng tôi có phải đóng lệ phí sửa chữa nhà không?

   - Ông Vũ Hồng Thành : Hiện nay, dự án Ecohome 1 có khoảng 800 căn hộ đã về ở ổn định. Việc sửa chữa nhà phải làm các thủ tục đăng ký, cấp phép sửa chữa . Tất cả các thay đổi không làm thay đổi ,không anh hưởng đến kết cấu , kiến trúc mặt ngoài và các căn hộ xung quanh thì BQL sẽ cấp phép. Cư dân không phải đóng thêm bất cứ khoản lệ phí nào cho việc sửa chữa nhà, ngoài việc đặt cọc cho việc sửa chữa, sau khi sửa chữa xong nếu không gây bất cứ thiệt hại gì cho tài sản thuộc sở hữu chung của tòa nhà, ban quản lý sẽ hoàn trả số tiền trên.

Trường hợp trong quá trình sửa chữa, gây hư hại cho các tài sản sở hữu chung sẽ phải lập biên bản xử lý và nếu chủ căn hộ không sửa chữa, BQL sẽ dùng tiền đặt cọc để sửa và hoàn lại số tiền sửa chữa cho chủ căn hộ.

   Câu hỏi 8 - Ngọc Trang -Nữ, 32 tuổi, Hòa Bình
hỏi: Xin hỏi, dự án tại Ecohome có giá khoảng bao nhiêu tiền 1m2? Nếu tôi tới mua thì cần đến gặp bộ phận nào? ở đâu? Xin cảm ơn.

   - Ông Vũ Hồng Thành :
Giá bán/cho thuê nhà ở xã hội Ecohome do Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì cùng liên ngành Thành phố khác xác định giá và báo cáo UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận. Hiện nay, tại khu Ecohome 2, Sở xây dựng đang thẩm định hồ sơ xác định giá. Thông tin về việc tiếp nhận hồ sơ bán/cho thuê nhà ở xã hội Ecohome 2 đã được đăng tải trên Báo Hà Nội Mới, trang web của Sở Xây dựng (soxaydung.hanoi.gov.vn) và trang web của chủ đầu tư (thudoinvest.com.vn).

Câu hỏi 4 - Việt Hưng -Nam,30 tuổi, hỏi: Hiện nay theo quy định lợi nhuận dành cho các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội chỉ được 10%, giá bán bị kiểm soát. Vậy việc đầu tư hạ tầng sẽ khiến cho DN tốn một khoản kinh phí không nhỏ. Trong khi đó, nhiều dự án chung cư thương mại với giá bán cao gấp 2 lần nhưng CĐT lại bỏ quên các công trình tiện ích. Ông lý giải sao về điều này?

   - Ông Nguyễn Trọng Phước : .Dự án nhà ở xã hội theo quy định lợi nhuận dành cho các doanh nghiệp xây dựng chỉ được 10% và giá bán được sở ban ngành thẩm định phê duyệt nhưng bù lại được Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án (giao thông, cấp điện, cấp thoát nước) theo Quy định tại Khoản 2 Điều 5 Quyết định số 67/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính, do vậy việc đầu tư hạ tầng doanh nghiệp không tốn một khoản kinh phí nào;

- Việc đầu tư dự án nhà chung cư thương mại bán với giá cao gấp 2 lần chỉ xảy ra khi thị trường đang sốt cao và căn hộ được trang bị đầy đủ tiện nghị cao cấp. Hiện tại nếu như cùng một khu vực nhà thương mại bán với giá cao gấp 2 lần thì số lượng khách hàng mua căn hộ sẽ giảm và dòng tiền về doanh nghiệp sẽ giảm đẫn đến doanh nghiệp phải đi vay để đầu tư xây dựng, do vậy lợi nhuận sẽ không cao.

Câu hỏi 4 - Cung Bắc -Nam,35 tuổi, hỏi:Trong thời gian mua nhà chưa đủ 5 năm, nếu vì lý do nào đó mà bên mua nhà ở thu nhập thấp muốn chuyển nhượng thì được giải quyết thế nào?

   - Ông Nguyễn Trọng Phước : - Theo quy định nhà ở xã hội trong thời gian chưa đủ 05 năm kể từ thời điểm trả hết tiền mua nhà ở xã hội theo Hợp đồng đã ký thì người mua nhà ở xã hội chỉ được bán lại nhà ở đó (nếu có nhu cầu) cho chủ đầu tư dự án hoặc cho đối tượng khác thuộc diện được mua, thuê mua nhà ở xã hội (theo giá bán không được vượt quá mức giá nhà ở xã hội cùng loại tại thời điểm bán).

Người có nhu cầu bán lại nhà ở xã hội phải liên hệ trực tiếp với chủ đầu tư dự án để thực hiện thủ tục chuyển hợp đồng mua bán nhà ở xã hội cho người mua lại thuộc diện được mua nhà ở xã hội. Ngoài ra Người mua lại nhà ở xã hội phải có các giấy tờ xác nhận về đối tượng và điều kiện theo quy định về đối tượng mua nhà xã hội  (Khoản b, mục 1, Điều 25 Thông tư số 08/2014/TT-BXD ngày 23/05/2014 quy định).

Câu hỏi 4 - Nguyễn Thúc Linh -Nam,38 tuổi, hỏi: 
Tôi đã hết tuổi lao động, hiện đang sống chung với con, chưa có nhà ở thuộc sở hữu cá nhân; vậy tôi có thuộc diện mua nhà ở xã hội không?

   - Ông Nguyễn Trọng Phước : Theo quy định các đối tượng thuộc diện mua nhà xã hội là: Cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp; viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân (kể cả trường hợp đã được nghỉ theo chế độ quy định);

- Người lao động thuộc các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật (kể cả trường hợp đã được nghỉ theo chế độ quy định); người lao động tự do, kinh doanh cá thể có thu nhập đảm bảo để thanh toán tiền mua, thuê, thuê mua nhà ở theo quy định.

 (Mục 1, Điều 3 Thông tư số 36/2009/TT-BXD ngày 16/11/2009 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn việc bán, cho thuê, cho thuê mua và quản lý sử dụng nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị).

Theo quy định các đối tượng được mua nhà xã hội phải đáp ứng các điều kiện sau: Chưa có nhà ở hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích quá chật chội, cụ thể là:

+ Là người chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình mà phải ở nhờ, thuê, mượn nhà ở của người khác; có nhà ở nhưng thuộc diện bị Nhà nước thu hồi để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền ban hành, đã được bồi thường bằng tiền mà không được bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

+ Là người có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích quá chật chội, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc có nhà ở đảm bảo đủ điều kiện để được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về đất đai. Cụ thể:

·Có nhà ở là căn hộ chung cư, nhưng diện tích nhà ở bình quân của hộ gia đình thấp hơn 5m2 sử dụng/người; Có nhà ở riêng lẻ, nhưng diện tích nhà ở bình quân của hộ gia đình thấp hơn 5m2 sử dụng/người và diện tích khuôn viên đất của nhà ở đó thấp hơn tiêu chuẩn diện tích đất tối thiểu thuộc diện được phép cải tạo, xây dựng  theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Chưa được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức

- Đối với các trường hợp có nhu cầu mua và thuê mua nhà ở thu nhập thấp thì phải có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án. Trường hợp đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, nếu chưa có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn thì phải có xác nhận của đơn vị nơi người đó đang công tác về chức vụ, thời gian công tác, thực trạng về nhà ở.

- Có mức thu nhập hàng tháng (tính bình quân theo đầu người) dưới mức bình quân của địa phương theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

(Điều 4 Thông tư số 36/2009/TT-BXD ngày 16/11/2009 của Bộ Xây dựng)

Do vậy, không có quy định về độ tuổi, đối tượng trên vẫn thuộc diện mua nhà xã hội.

Câu hỏi 4 - Cấn Văn Cường -Nam,39 tuổi, hỏi: Ngoài hình thức thanh toán trả tiền theo tiến độ thi công; người mua nhà có thể thanh toán tiền nhà theo hình thức trả chậm được không?

  - Ông Nguyễn Trọng Phước :    Theo tình hình thực tế người mua nhà ngoài hình thức thanh toán trả tiền theo tiến độ thi công; người mua nhà có thể thanh toán tiền nhà theo hình thức trả chậm là được, nhưng với điều kiện:Thời gian trả chậm là bao nhiêu; Phải có tài sản thế chấp hoặc bảo lãnh; Số tiền trả chậm tính theo lãi suất Ngân hang mà doanh nghiệp bỏ ra vay để chi phí đầu tư xây dựng.

Câu hỏi 4 - Nguyễn Thị Bình -Nữ, hỏi: Chúng tôi cần mua, thanh toán tiền 1 lần và nhận nhà ngay, hoặc sớm theo quy định hợp đồng mua nhà có được không?

  - Ông Nguyễn Trọng Phước :  Việc thanh toán đủ 100% giá trị căn hộ và nhận ngay hoặc sớm hơn theo quy định Hợp đồng là có thể được khi: Tòa nhà đã xây dựng xong, đủ điều kiện sinh sống được; Toàn bộ hệ thống thiết bị được kiểm tra an toàn và đủ điều kiện đưa vào sử dụng.

Câu hỏi 4 - Đặng Nguyễn Hiền -Nữ, 39 tuổi,  hỏi: Kinh phí cho việc bảo trì phần sở hữu chung và chi phí quản lý, vận hành khu nhà ở xã hội được thực hiện như thế nào?

  - Ông Nguyễn Trọng Phước : Kinh phí cho việc bảo trì phần sở hữu chung và chi phí quản lý, vận hành khu nhà ở xã hội được thực hiện được thực hiện theo Thông tư số 36/2009/TT-BXD, ngày 16/11/2009 của Bộ xây dựng về việc hướng dẫn việc bán, cho thuê, cho thuê mua và quản lý sử dụng nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; Thông tư số 15/2009/TT-BXD ngày 30/06/2009 của Bộ xây dựng về việc hướng dẫn phương pháp xác định giá cho thuê nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân, nhà ở cho người có thu nhập thấp thuộc các dự án do các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, cụ thể như sau:

* Kinh phí cho việc bảo trì phần sở hữu chung:

- Chi phí bảo trì (phần sở hữu chung): là toàn bộ chi phí cho việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ, sửa chữa vừa, sửa chữa lớn và sửa chữa đột xuất đối với phần sở hữu chung trong khu nhà ở nhằm duy trì chất lượng nhà ở.

- Chi phí bảo trì công trình được xác định như sau:
+ Đối với diện tích nhà bán thì chi phí bảo trì công trình được tính bằng 2% giá bán. Khoản tiền này được tính vào tiền bán nhà mà người mua phải trả (điều 54 Nghị định 90/2006/NĐ-CP ngày 6/9/2006 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật nhà ở).
+ Đối với phần diện tích nhà mà chủ đầu tư giữ lại không bán thuộc sở hữu của chủ đầu tư (diện tích dùng để cho thuê kinh doanh dịch vụ, làm văn phòng…) thì chủ đầu tư phải nộp 2% giá trị của phần diện tích đó. Phần giá trị này được tính theo giá bán căn hộ có giá cao nhất của khu nhà ở.
+ Kinh phí bảo trì được gửi vào ngân hàng thương mại và do đơn vị quản lý, vận hành nhà ở quản lý để phục vụ cho công tác bảo trì theo quy định hiện hành về công tác bảo trì công trình xây dựng. Các khoản kinh phí này không phải nộp thuế.
(Khoản 2, Điều 4 Thông tư số 15/2009/TT-BXD ngày 30/06/2009 của Bộ xây dựng).

* Chi phí quản lý, vận hành khu nhà ở xã hội được thực hiện như sau:
- Công tác quản lý vận hành nhà ở thu nhập thấp bao gồm: quản lý, vận hành và duy trì hoạt động của hệ thống trang thiết bị (gồm thang máy, máy bơm nước, máy phát điện dự phòng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các trang thiết bị khác) thuộc phần sở hữu chung hoặc phần sử dụng chung của nhà ở thu nhập thấp; cung cấp các dịch vụ (bảo vệ, vệ sinh, thu gom rác thải, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, diệt côn trùng và các dịch vụ khác) đảm bảo cho khu nhà ở thu nhập thấp hoạt động bình thường (Khoản 1, Điều 12, Thông tư số 36/2009/TT-BXD, ngày 16/11/2009 của Bộ xây dựng).

- Chi phí quản lý, vận hành cụ thể:
+ Chi phí tiền lương và các khoản phụ cấp lương, chi phí BHXH, BHYT và các khoản trích nộp khác từ quỹ lương cho bộ máy thuộc đơn vị quản lý vận hành  quỹ nhà ở;
+ Chi phí cho các dịch vụ trong khu nhà ở như: bảo vệ, vệ sinh, thu gom rác thải, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, diệt côn trùng và các dịch vụ khác (nếu có) được xác định trên cơ sở khối lượng công việc cần thực hiện và mức giao khoán thoả thuận trong hợp đồng dịch vụ;
+ Chi phí văn phòng phẩm, bàn ghế văn phòng làm việc, dụng cụ, vật rẻ tiền mau hỏng của đơn vị quản lý vận hành;
+ Chi phí điện, nước sinh hoạt cho bộ máy văn phòng làm việc của đơn vị quản lý vận hành; điện chiếu sáng công cộng trong khu nhà ở; vận hành thang máy (nếu có);
+ Chi phí khấu hao TSCĐ của đơn vị quản lý vận hành như: ô tô, máy tính, máy pho to và các tài sản khác;
(Khoản 2, Điều 3 Thông tư số 15/2009/TT-BXD ngày 30/06/2009 của Bộ Xây dựng).

Câu hỏi 4 - Ngọc Thành-  Hà Nội,   hỏi: Theo ông, Hà Nội đang thực hiện chính sách nhà ở xã hội như thế nào? Đã được cho là có khả năng đáp ứng nhu cầu thực tế của người thu nhập thấp hay chưa?

  - Ông Phạm Sỹ Liêm:   Hà Nội có một số ví dụ thành công, chẳng hạn như Nhà máy bê tông đúc sẵn Xuân Mai đã làm nhà cho công nhân, kỹ sư khoảng 50 m2 , với giá khoảng dưới 5 triệu đồng/m2 (250 triệu/căn hộ), cho nên những người lao động gần như mua được ngay và yên tâm làm việc cho nhà máy.

Thứ nhất, họ không ăn lãi, thứ hai giá đất ở Xuân Mai cũng rẻ. Còn gần đây ở Đặng Xá được Bộ Xây dựng chỉ đạo, bán giá dưới 15 triệu đồng/m2 mà chất lượng vẫn tốt. Do đó, một gia đình mua căn hộ 30m2 chỉ phải trả 500 triệu đồng nên nhiều người thu nhập thấp cũng mua được. Một vài dự án khác còn cần phải xem xét, nhưng vướng mắc hiện nay theo tôi hiểu, quan điểm của những người làm chính sách và những nhà kinh doanh đang coi nhà ở chủ yếu chỉ là nơi ở, làm sao cho rẻ, nhưng không hiểu rằng nhà ở không chỉ là cái mái che lên đầu mà phải có dịch vụ kèm theo, và điều quan trọng hơn là tạo ra thu nhập cho người ở đó.

Ví dụ, hiện nay vốn ở nông thôn rộng nhưng phải bỏ vào thành phố kiếm sống. Vậy thì nếu làm nhà ở xã hội ở xa thì không phù hợp cho việc kiếm ăn của họ nên rẻ cũng không mua. Hay nhà ở nơi không có dịch vụ, không chợ, không trường học… thì rẻ cũng không mua. Hay một loại nhà khác có hàng rào xung quanh, có cổng, có bảo vệ… làm cho nó thành những doanh trại…  nên người ta không muốn ở.

Câu hỏi 4 - Ngọc Thành-  Hà Nội,   hỏi:  Vậy mô hình nhà ở xã hội ở địa phương nào đang là điểm sáng?

   - Ông Phạm Sỹ Liêm:  Tôi thấy ở Bình Dương đang có bí quyết thành công. Ngoài giá đất rẻ thì họ xây nhà theo phố, tầng một bán cho người làm kinh doanh, các tầng trên bán hoặc cho công nhân thuê ở. Doanh nghiệp kiếm lãi từ việc bán cho người mua tầng 1, phía trên bán rẻ… nên thu hồi vốn nhanh. Với Bình Dương, hòa vốn trong nhà ở là đã tốt, bởi cái lợi mang lại là thu hút người lao động đến địa phương trong điều kiện đang thiếu lao động, mà nguồn vốn đầu tư đến địa phương lại rất lớn.

Hà Nội, có người cho rằng là nơi đất chật người đông, không thể làm như Bình Dương được. Nếu muốn làm, thì Thành phố nên tạo điều kiện xây những tòa nhà 20 tầng, trong đó bán giá cao những tầng 1, 2, 3 để làm kinh doang,  rồi các tầng cao hơn bán căn hộ tương đối sang trọng, 8 tầng trên cùng làm căn  hộ nhỏ bán hòa vốn hay giá rẻ. Lấy lãi này bù cho thiệt kia. Nếu ai đưa ra dự án như vậy thì Thành phố tạo điều kiện. Tiền thuế của những tầng cao thì giảm… như vậy, tạo ra điều kiện cho người giàu và người nghèo cùng được hưởng hạ tầng xã hội như nhau. Ngoài ra, tư duy hiện nay về nhà ở trên thế giới người ta muốn cho người giàu và người nghèo ở cùng, không nên tách họ ra, tạo nên sự gắn kết chứ không phải là sự  nghi kỵ và đặc biệt là tạo điều kiện c ho người nghèo kiếm sống. Người nghèo sử dụng ít dịch vụ hơn thì trả ít tiền hơn và người nghèo có thể kiếm sống bằng cách cung cấp dịch vụ cho người giàu… Không làm cho người nghèo có cảm giác bị phân biệt đối xử. Nhưng đây mới chỉ là ý tưởng, chưa được thực hiện. Vậy, những đô thị lớn như Hà Nội hãy làm thí điểm.

Câu hỏi 4 - Nguyễn Thu Hà-  Hà Nội,   hỏi:  Hà Nội nên quy hoạch như thế nào để có thể có những ngôi nhà như Bình Dương đã làm?

   - Ông Phạm Sỹ Liêm:  Tư duy quy hoạch trên thế giới hiện nay coi trọng nguyên tắc sử dụng đất hỗn hợp đa chức năng chứ không phải chỉ là những khu nhà chỉ để ở như hiện nay. Điều này có thể chống lại sự nhàm chán như một “thành phố ngủ”. Đa chức năng tạo ra một cộng đồng gắn kết với  nhau hơn và quan trọng là tiết kiệm được thời gian đi lại, giảm bớt ách tắc giao thông, môi trường sống đảm bảo, ít tốn năng lượng và dễ thu hút người đến ở hơn, làm nâng cao giá trị bất động sản, đô thị thu được lợi, đóng góp cho ngân sách tốt hơn.

Muốn thực hiện chính sách xã hội về nhà ở phải có tầm nhìn bao quát hơn, không chỉ bó hẹp việc làm nhà ở giá rẻ.

Mặc dù còn nhiều câu hỏi của độc giả giành cho các vị khách mời, nhưng thời lượng có hạn nên VnMedia dừng cuộc giao lưu trực tuyến tại đây. Phần trả lời của khách mời chưa được đưa lên, VnMedia sẽ gửi tới địa chỉ thư điện tử của độc giả. 


Khánh An - (ảnh:Khải Hoàn)

Ý kiến bạn đọc