- Khẳng định nguyên nhân ô nhiễm không khí ở Hà Nội chủ yếu “từ chính chúng ta”, Bộ trưởng Trần Hồng đưa ra nhiều biện pháp cấp bách, tạm thời để “cùng nhau chống đỡ, bảo vệ sức khỏe” và yêu cầu Hà Nội “làm ngay từ ngày mai”.
Đây là thông tin được đưa ra trong phần kết luận của cuộc họp về các giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí, do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức với sự có mặt của đại diện thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều bộ ngành liên quan đến vấn đề môi trường.
Theo đó, khẳng định nồng độ bụi mịn tại Hà Nội có những điểm, thời điểm vượt quy chuẩn cho phép từ 3 – 4 lần; tần xuất cũng nhiều hơn hẳn năm 2018, ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Sự lo lắng của người dân là hoàn toàn xác đáng”
Ông Hà cũng cho biết, cuộc họp đã phân tích đưa ra các nguyên nhân dễ nhận diện nhất dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng nói trên.
Theo đó, nguyên nhân số 1 được ông Hà khẳng định là do phương tiện giao thông.
“Hà Nội 2017 tăng 5,3%; 2018 tăng 4,2% và năm 2019 đột ngột tăng tới 15%. HIện, số lượng ô tô và xe máy lưu thông tại Hà Nội là 7,65 triệu, trong đó ô tô khoảng gần 8000.000 chiếc; chưa kể các xe tăng cơ học lưu thông qua Hà Nội” – ông Hà nói và cho biết thêm: “Đất nước chúng ta quy chuẩn ô tô xe máy là rất thấp so với thế giới (thế giới áp chuẩn EUR 6, trong khi chúng ta áp cho ô tô EURO 4, xe máy là EURO 2).
Nguyên nhân thứ hai, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, là Hà Nội có trên 1.000 công trình xây dựng. “Hà Nội đang là một công trường với việc làm vỉa hè, hạ tầng, đường sá nhà cao tầng. Năm 2014 kinh tế suy thoái nên không khí sạch hơn” – ông Hà nói.
Nguyên nhân thứ ba là do các cơ sở công nghiệp, dù nhà máy sản xuất lớn ở Hà Nội còn rất ít.
Thứ tư là do đốt rơm rạ, đốt rác. “Hiện nay, ngoại thành Hà Nội có nhiều nơi chủ động đốt chất thải, gây ô nhiễm bụi PM2.5 và rất nguy hiểm là chất thải nguy hại có thể phát thải Dioxin. Chúng tôi phải đề nghị xem xét trách nhiệm xem chủ ý hay vô tình" – ông Hà nói.
Cuối cùng, Bộ trưởng cho hay, theo báo cáo của Hà Nội, trên địa bàn Thành phố có khoảng 60.000 bếp than tổ ong . “Tôi không ngờ Hà Nội có tới 60.000 bếp than tổ ong” – ông Hà nói.
Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng nói đến việc quét rác, dù là bằng chổi hay có thể ô tô rất hiện đại vẫn phát tán bụi.

“Dù còn một số nguyên nhân nữa như khí hậu, có nguyên nhân ô nhiễm xuyên biên giới không ngoại trừ, như ảnh hưởng từ cháy rừng ở nước láng giềng, tuy nhiên, việc này phải có nghiên cứu kỹ lưỡng, không nên đưa vào trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí hiện nay.
“Chúng ta phải khẳng định rằng, nguyên nhân gây ra ô nhiễm trong thời gian vừa qua là từ chính chúng ta. Mà đây là những nguyên nhân mà chính Thủ tướng đã dự báo từ năm 2016 rồi” – ông Trần Hồng Hà nói.
“Thủ tướng cũng đã yêu cầu rà soát các nguồn thải; quản lý các nguồn thải (trong đó có than tổ ong, cần tăng cường năng lực quan trắc và công khai số liệu cho người dân); lộ trình và quy chuẩn trong giao thông; các thông tư quản lý chất thải xây dựng, trong đó quy định quản lý từng công trường xây dựng như thế nào” – ông Hà nêu và cho biết, “Thủ tướng đang hết sức quan tâm, hết sức lo lắng”
Về giải pháp trước mắt, ông Hà đề nghị: “Chúng ta phải có trách nhiệm tập trung nguồn lực trong giai đoạn nhạy cảm với thời tiết, khí hậu (như hiện nay). Không được tiết kiệm, bằng mọi cách bố trí ngân sách để duy trì các trạm quan trắc tự động đủ số liệu để đưa ra chính xác chất lượng không khí và cung cấp ngày 2 lần sáng và chiều cho người dân. Nếu tình trạng chất lượng không khí vượt quá quy chuẩn phải cung cấp và khuyến cáo người dân với những biện pháp mà Bộ y tế đưa ra.”
"Chẳng hạn, ngày đó (chất lượng không khí xấu - PV) đề nghị nhân dân nên chủ động để xem xét công việc, đặc biệt là trẻ em đi học, cần thiết thì để các cháu trong nhà để đảm bảo. Khi ra đường thì sử dụng khẩu trang, mặt nạ…" - ông Hà nói.
Ông Hà cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội trong những thời điểm chất lượng không khí vượt quá quy chuẩn, có nghĩa là nguy hại, thì một mặt công bố thông tin, mặt khác phải có ngay kế hoạch, bằng mọi biện pháp.
“Đơn giản là tiến hành phun nước mỗi ngày mấy lần để bụi không bay từ dưới đất lên; xem xét điều tiết luồng giao thông ở những khu vực đông dân cư và cảnh báo, nếu cần thiết thì trong những ngày ô nhiễm, các phương tiện giao thông cá nhân không đi qua khu vực mật độ quá lớn,để chia sẻ bớt nguồn thải từ giao thông” – Bộ trưởng đề xuất.
“Đây là những biện pháp bắt buộc và người dân phải ủng hộ. Khi cấm tuyến nào thì điều phương tiện công cộng nhiều hơn” – ông Hà nói.

Đối với 60.000 bếp than tổ ong, ông Hà đề nghị Hà Nội cần khuyến cáo đến bà con xem xét liệu có thể chuyển sang bếp khác, ít nhất là tạm trong vài ngày những ngày ô nhiễm nặng.
Phân luồng để những xe “mượn đường” đi qua Hà Nội thì phân làn để không đi qua Hà Nội; Với những xe đi vào Hà Nội phải có biện pháp che chắn, rửa xe.
Đối với tất cả các công trường xây dựng, ông Hà nói: "Ngay sau cuộc họp này, Bộ Tài nguyên môi trường phối hợp với Bộ xây dựng, khẩn trương có quy định quy phạm, quy định với việc bảo vệ môi trường với các khu vực công trình xây dựng, vật liệu xây dựng để đâu, chất thải xây dựng xử lý thế nào, che chắn công trình thế nào… để đảm bảo thực hiện tốt khâu xử lý chất thải từ các công trình này.”
Ông Hà cũng cho biết, Bộ TN&MT sẽ có chỉ đạo với UBND các tỉnh, thành phố xung quanh Hà Nội mà vẫn hoạt động nông nghiệp, cần cấm nhưng có biện pháp hỗ trợ để bà con nông dân sau thu hoạch không được đốt rơm rạ. Đặc biệt là sẽ kiểm tra và xử lý việc đốt chất thải vì đây là nguồn hết sức nguy hiểm.
“Đây là những việc quan trọng trước mắt tạm thời để cùng nhau chống đỡ, bảo vệ sức khỏe" – Bộ trưởng nói và nhấn mạnh, những đây là những việc mà Hà Nội phải làm “ngay từ ngày mai”.
Về lâu dài, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cần hoàn thiện cơ chế chính sách và các luật môi trường liên quan. Đối với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh lộ trình áp dụng quy chuẩn đô thị khí thải phương tiện giao thông phải nhanh hơn cả nước. Xe máy và ô tô ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh phải có quy chuẩn cao hơn nhiều so với quy chuẩn của các địa phương.
Đồng thời, nghiên cứu chính sách để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, tuyên truyền để người dân chuyển sang dùng các phương tiện chạy bằng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, Hà Nội đã cam kết sẽ chuyển đổi các hình thức xử lý rác thân thiện với môi trường; vận động và hỗ trợ người dân chuyển đổi hình thức dùng bếp than tổ ong sang các loại chất đốt khác, dự kiến đến năm 2021 sẽ chuyển đổi xong.
Bộ trưởng đề nghị các Bộ, ngành cần phối hợp để sớm có đủ năng lực đánh giá tình trạng môi trường, có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để xử lý ô nhiễm không khí.
“Chúng ta phải tính toán và đẩy nhanh lộ trình. Hà Nội, TP Hồ Chí phải đẩy nhanh lộ trình hơn cả nước, phải quy định lộ trình áp dụng quy chuẩn đối với khí thải của phương tiện giao thông. Đối với xe máy và ô tô hoạt động ở địa bàn TP Hà Nội phải cao hơn nhiều so với quy chuẩn của các địa phương. Chúng ta phải có cơ chế chính sách để bên cạnh áp dụng lộ trình nghiêm ngặt hơn. Môi trường đang ô nhiễm mà nguyên nhân từ giao thông thì không có lý do gì chúng ta giữ như thế này” – ông Hà nói cho biết sẽ báo cáo để Thủ tướng chỉ đạo.
Tinh thần của Thủ tướng là quyết liệt và khẩn trương. Tôi đề nghị các cơ quan quản lý môi trường ở Bộ TN&MT, ở các tỉnh thành phố nói chung và HN và TP Hồ Chí Minh trong thời gian này phải làm ngay việc để cung cấp thông tin đầy đủ chính xác, đồng thời với các biện pháp trong thời điểm nguy hiểm.