- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ (An Giang) khẳng định, khi các đại biểu đóng góp ý kiến xây dựng luật thì có tới 80% các bộ, ngành không muốn tiếp thu, và “khi đó, đại biểu Quốc hội chúng ta sẽ trở thành người đi chợ để trả giá, còn người đưa ra hàng có đồng ý hay không lại thuộc quyền của họ.”
Bộ, ngành "nói ngược" để bạo vệ lợi ích riêng
Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) cho biết, vấn đề tính cục bộ trong các văn bản quy phạm pháp luật là điểm trăn trở của nhiều doanh nghiệp, người dân.
Dẫn lại lời của Người phát ngôn của Chính phủ: "Trong Chính phủ vẫn đang tồn tại nhiều văn bản hướng dẫn thể hiện tính cục bộ. Tình trạng "cuốc giật vào lòng" vẫn tồn tại, tạo khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, là rào cản trong cuộc sống", ĐB Vũ Thị Lưu Mai cho biết: “Có một số trường hợp Chính phủ đã thống nhất quan điểm trình UBTVQH nhưng đại diện các bộ, ngành vẫn “nói ngược” lại để bảo vệ lợi ích riêng của ngành mình, bộ mình”.
“Để khắc phục tình trạng này, chúng ta rất cần một cơ quan độc lập về lợi ích, một cơ quan dân cử để có thể lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, của doanh nghiệp, để đưa ra những văn bản mang tính khách quan nhất” – ĐB đoàn TP Hà Nội kiến nghị.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai cũng bày tỏ mong muốn tăng cường những con người thực sự có năng lực, công tâm trong hệ thống cơ quan xây dựng pháp luật để đảm bảo hệ thống pháp luật thực sự đi vào cuộc sống.
ĐB kiêm nhiệm không có thời gian đầu tư cho công tác làm luật
Nêu quan điểm tại phiên thảo luận, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) kiến nghị, để đảm bảo chất lượng dự thảo Luật thì ban soạn thảo phải gồm hai nhóm chuyên gia về lập pháp và chuyên ngành.
"Người am hiểu chuyên ngành nhưng câu chữ viết lên không áp dụng thành pháp luật được, đưa ra tòa không xử được thì chuyên gia lập pháp phải giúp ngay từ đầu để truyền tải nội dung chuyên ngành vào điều luật", ông Nghĩa giải thích.
ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng kiến nghị phải tăng cường ĐBQH chuyên trách, giảm bớt đại biểu kiêm nhiệm.
“Làm luật có nghĩa là không phải chỉ có đọc văn bản pháp luật đó mà nhiều khi phải tìm hiểu sâu rộng hơn và tham khảo, tư vấn các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia trong xã hội. Đại biểu kiêm nhiệm thì sẽ không có nhiều thời gian để đầu tư cho công tác làm luật” – ông Nghĩa nói.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) khi phát biểu đã thẳng thắn nêu lên một thực tế, đó là, các ĐB được tạo điều kiện tốt, linh hoạt khi phát biểu, thảo luận, tranh luận ở tổ, ở hội trường, tuy nhiên, “khi tiếp thu thì một số cơ quan chủ trì đọc một văn bản được soạn sẵn”.
“Tại sao phần tiếp thu không ăn nhập gì với ý kiến và sự tranh luận của đại biểu trong phần tiếp thu đó, đại biểu có quyền đặt ra câu hỏi như thế. Vậy, sự cầu thị và thực chất trong việc tiếp thu để ý kiến, chính kiến, trí tuệ của ĐBQH được nhân dân gửi gắm vào ĐBQH rất tâm huyết phát biểu tại diễn đàn này có được tiếp thu hay không? Đấy là vấn đề tôi muốn chúng ta phải hết sức thẳng thắn để đánh giá việc chúng ta làm luật này như thế nào để xác định cơ quan nào là cơ quan chủ trì tiếp thu, phải có lý lẽ thuyết phục” – bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
ĐB như người trả giá, 80% bộ ngành không muốn tiếp thu
ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) thì khẳng định, thực tiễn hoạt động tiếp thu trong thời gian vừa qua cho thấy “có tới 80% các bộ, ngành không muốn tiếp thu” ý kiến mà các ĐB đóng góp.
“Khi đó, ĐBQH chúng ta sẽ trở thành người đi chợ để trả giá, còn người đưa ra hàng có bán hay không, đồng ý hay không lại thuộc quyền của họ” – ông Bộ ví von.
Một điều đáng buồn nữa, theo ĐB Nguyễn Mai Bộ, “có vị lãnh đạo bộ gây sức ép với ĐB khi ĐB đó phát biểu trái với quan điểm của bộ, ngành mình.”
Ông Nguyễn Mai Bộ cũng cho biết, một số Ủy ban “không mạnh dạn thực hiện kết luận của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu năm nào cũng kết luận, đó là kiên quyết trả lại luật không đảm bảo chất lượng”.
“ĐB chúng tôi phát hiện ra nhiều luật có chất lượng không bảo đảm, nhưng khi chúng tôi đề nghị thì gần như không được sự ủng hộ, cho nên bất cập ở chỗ đó” – ông Nguyễn Mai Bộ thẳng thắn nêu.
Bấm nút biểu quyết làm mất tính minh bạch
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) thì nêu lại một vấn đề mà ông cho biết “đã nói rất nhiều lần rồi”, đó là vấn đề biểu quyết thông qua Luật.
“Thí dụ biểu quyết một bộ luật trước hết ta biểu quyết một số điều luật cụ thể, có thể điều luật cụ thể là chúng tôi không tán thành. Nhưng đối với điều luật toàn bộ thì đôi khi buộc lòng phải tán thành. Như thế là có sự thỏa hiệp và chứa đựng trong luật được tán thành rất nhiều yếu tố chưa rõ ràng” – ông Quốc chỉ ra bất cập.
Theo ông Quốc, ứng dụng công nghệ bấm nút tạo ra ưu thế rất tốt, phát huy được rất nhiều lợi thế, nhưng làm mất đi tính minh bạch, không ai biết ai quan điểm như thế nào, trừ một số người có trách nhiệm có thể biết được.
“Người dân hoàn toàn không biết thái độ của các ĐBQH mình bầu ra có đồng thuận với mình không để họ có thể tín nhiệm hay không tín nhiệm” – ông Dương Trung Quốc nói.