(VnMedia) - “Bạo hành gia đình không giống các dạng bạo hành khác. Người đánh mình là người vẫn ôm ấp mình. Nó đánh hôm nay mai nó lại cười hiền lành xoa dầu cho mình, xin lỗi mình, tìm quà tặng mình. Và mình, lại hi vọng một ngày mai tươi sáng…”
Những ngày vừa qua, dư luận bàng hoàng, phẫn nộ khi trên mạng xuất hiện clip người chồng là một võ sư đánh đập vợ một cách tàn nhẫn khi chị đang bế trên tay đứa con nhỏ mới 2 tháng tuổi, và trước mắt cậu con trai 7 tuổi.
Sau vụ việc, kẻ côn đồ này còn tiếp tục nhắn tin đe dọa cả vợ lẫn gia đình nhà vợ với những lời lẽ cục súc, vô văn hóa. Sau khi vợ viết đơn tố cáo, người chồng vũ phu đã bị bắt tạm giam. Những tưởng đây là một cái kết đúng đắn nhất cho kẻ vừa coi thường phụ nữ, vừa coi thường pháp luật, nhưng dư luận lại một phen sốc khi chỉ một ngày sau đó, người vợ đã rút đơn tố cáo, chấp nhận hòa giải.
Với dư luận, chị nói rằng “anh ấy đã cam kết là không đánh vợ”, nhưng ai cũng hiểu, đằng sau đó còn là sự lo sợ vì bị dọa dẫm, vì nghĩ đến việc anh ta là “bố của các con mình”… Hơn ai hết, chị là người đã phải chịu đựng những trận đòn của anh ta, cũng là người đã từng nghe biết bao lời hứa sẽ “sửa sai”, và rồi trận đòn sau lại đau hơn trận đòn trước. Chắc chắn, từ nay, chị sẽ không còn tin tưởng người chồng này nữa.
Nhưng trước đó, có lẽ chị đã luôn tin anh ta sẽ thay đổi. Thế nên, dù đã li hôn, chị vẫn quay về bên anh ta, sinh thêm cho anh ta một đứa con, và chịu thêm của anh ta nhiều trận đòn mà người ngoài nhìn vào đã phải rùng mình sợ hãi.
Chị, cũng như hàng ngàn phụ nữ có chồng vũ phu khác, đã tin rằng chồng mình sẽ thay đổi. Sau trận đòn như “đòn thù” vừa rồi, chị thì bây giờ đã không còn tin nữa, nhưng ở đâu đó trên khắp đất nước Việt Nam này, hàng ngàn phụ nữ vẫn tiếp tục tin tưởng một cách vô vọng vào lời hứa của những kẻ vũ phu.
Tôi có một ông anh họ, anh ta chả làm gì cả, chỉ ở nhà ngày ngủ tối đi đánh bạc. Vợ anh ta tần tảo làm đủ mọi việc để nuôi con, nuôi chồng. Từ làm ruộng, mò cua bắt ốc, buôn đồng nát…, nhưng cứ hở ra là anh ta đánh. Không đưa tiền để đi đánh bạc: đánh! Quét nhà không sạch: đánh! Đi gội đầu lâu về: đánh! Tám chuyện với hàng xóm: đánh!
Mà anh ta đánh rất dã man, túm tóc, đập đầu chảy máu… là chuyện thường. Chị vợ nhiều lần khóc lóc bỏ đi, rồi lại quay về. Có lúc anh ta đi tìm vợ về, có lúc chị tự quay về, bảo là vì thương hai đứa con.
“Phần đông những người bị chồng bạo hành vẫn duy trì hôn nhân với chính kẻ bạo hành.” – đó là chia sẻ của bà Nguyễn Vân Anh Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA).
“Ai cũng nói: phải tôi ấy à, 1 cái tát là một đi không trở lại ngay, chứ không phải như kia đâu! Nhưng đáng tiếc, phần đông phụ nữ bị bạo hành vẫn chọn cách ở lại cuộc hôn nhân ấy.” – bà Vân Anh nói.
Theo Giám đốc CSAGA, ngoài những lý do như kinh tế, quan niệm giữ gia đình cho con, sợ bố mẹ đau khổ, sợ bị chê cười, ngại bắt đầu một cuộc sống mới chơi vơi... thì còn vì ngươì bị đánh luôn hi vọng vào sự thay đổi.
“Bạo hành gia đình không giống các dạng bạo hành khác. Người đánh mình là người vẫn ôm ấp mình. Nó đánh hôm nay mai nó lại cười hiền lành xoa dầu cho mình, xin lỗi mình, tìm quà tặng mình. Và mình, lại hi vọng một ngày mai tươi sáng. Phần lớn phụ nữ vẫn nói, trừ lúc ấy ra, nó hiền lắm, tình cảm lắm, nó thương tôi lắm...” – bà Vân Anh nói, từ kinh nghiệm tiếp xúc, tư vấn cho hàng trăm vụ việc vợ bị chồng bạo hành.
“Hi vọng cho đến khi bị đánh chết vẫn còn hi vọng! Người vợ chỉ muốn ông chồng bỏ thói xấu, chứ không muốn bỏ cả ông chồng.” – bà Vân Anh nói.
Đây là một chia sẻ mà mỗi người phụ nữ đọc được đều thấy thấm thía.
Phụ nữ, những người vợ, chỉ luôn mong mỏi, hy vọng người chồng của mình thay đổi. “Thế nên, đừng bảo họ đi hay ở. Họ đi hay ở họ cũng cần thay đổi cách để yêu cầu một cuộc sống không bạo lực. Họ cần được tư vấn, được bảo vệ.” – bà Vân Anh nêu ý kiến.
Theo Giám đốc CSAGA, kỹ năng thoát hiểm khi phải sống chung với một người chồng vũ phu, là “để không chết trước tiên phải biết chạy biết tránh, biết nghe nhạc hiệu đoán chương trình. Mọi thứ chuẩn bị cho một cuộc chạy trốn cũng luôn được sẵn sàng: giấy khai sinh của con, hộ khẩu, tiền bạc, chứng minh thư...” -
“Một lời hứa hẹn của ông chồng vũ phu có nghĩa lý gì đâu. Ghi ở đó chứ đừng tin vào đó mà có khi mất mạng.” – bà Vân Anh cảnh báo.
Từ kinh nghiệm trong quá trình làm việc, Giám đốc CSAGA cho biết, những người chồng vũ phu thường phải được điều trị, trị liệu, được tư vấn hoặc trừng phạt “một thời gian không nhanh” để thay đổi hành vi.
Đáng chú ý, theo bà Vân Anh, những người lao động giản đơn, thu nhập thấp, vị trí xã hội thấp thì thường chuyển biến nhanh hơn. Càng thành công, có vị trí, thông minh, có tiền lại càng khó thay đổi.
Tuệ Khanh