(VnMedia) - Bệnh nhân bị bạn dùng cây sắt đâm vào cổ, ngực, lưng, gây tràn khí dưới da, tràn khí màng phổi và tê tay phải...
Vào lúc 1 giờ sáng ngày 28/8, bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân nam D.V.T.D., 22 tuổi (ở Long Mỹ, Hậu Giang) được tuyến dưới chuyển đến trong tình trạng mệt, khó thở và có nhiều vết thương vùng ngực.
Đặc biệt, vết thường vùng cổ thượng đòn bên phải khoảng 2cm gây tràn khí dưới da, tràn khí màng phổi và tê tay phải, đồng thời có vết thương vùng thành ngực, vết thương cánh tay phải.
Theo người nhà bệnh nhân, cùng ngày nhập viện, bệnh nhân bị bạn dùng cây sắt đâm vào cổ, ngực, lưng và được đưa vào bệnh viện Long Mỹ. Tại đây, bệnh nhân được chụp X-quang phát hiện thấy dị vật cản quang ở lồng ngực, tràn khí màng phổi hai bên. Bệnh nhân được xử trí băng vết thương, điều trị giảm đau và nhanh chóng chuyển đến bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ.
Xác định đây là một tổn thương nặng và phức tạp nên bệnh viện đã tiến hành hội chẩn gồm nhiều chuyên khoa: Cấp cứu, Chẩn đoán hình ảnh, Ngoại Thần kinh, Ngoại Tổng quát – Lồng ngực mạch máu, Chấn thương chỉnh hình, Gây mê hồi sức.
Bệnh nhân được thực hiện các xét nghiệm, kết quả X-quang tim phổi thẳng và CT64 lát cột sống cổ không cản quang cho thấy: dị vật kim loại đường kính 0.5cm dài 10cm xuyên từ vùng cổ phải đến khe gian đốt sống D3-D4 chèn vào mặt trước ống tủy, tụ khí dưới da vùng cổ ngực hai bên, tràn khí và ít dịch màng phổi phải, tràn khí màng phổi trái.
Bệnh nhân có biểu hiện rối loạn đông máu và thiếu máu nên được xử lý điều chỉnh rối loạn đông máu bằng truyền huyết tương tươi đông lạnh đồng thời truyền hồng cầu lắng.
Kết quả hội chẩn kết luận, đây là một trường hợp vết thương tủy ngực do bị đâm biến chứng tràn khí – tràn máu màng phổi hai bên và quyết định phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân gồm 2 ê-kíp.
Ca mổ kéo dài 2 giờ đồng hồ đã cứu sống bệnh nhân.
Sáng nay 29/8/2019, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiện sinh tồn ổn định, không yếu liệt chi, đang được tiếp tục theo dõi và điều trị tại Khoa Ngoại Thần kinh.
Theo BSCKI. Nguyễn Đông Quân, khi người bị vết thương và dị vật bị đâm xuyên (thường do dao đâm hoặc vật cứng nhọn như: đinh, tre, kim loại sắc nhọn)...., thì không được tự ý rút dị vật ra, vì nếu rút ra những vết thương này có thể trở nên phức tạp và phát triển thành vết thương hở, bệnh nhân sẽ mất máu nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.
Lúc này, điều cần thiết là giữ nguyên dị vật, băng kín vết thương và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Hoàng Hải