- Cho rằng thời gian qua các số liệu về bạo lực gia đình rất khác nhau giữa các bộ, ngành, các tổ chức xã hội… Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải chấn chỉnh công tác thống kê, bởi “không đánh giá được thực trạng làm sao có giải pháp đúng?”.
Tới dự hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình sáng 12/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu chấn chỉnh công tác đánh giá, thống kê về thực trạng bạo lực gia đình ở Việt Nam.
Thông tin tại Hội nghị cho biết, theo thống kê, tại Việt Nam, bạo lực gia đình đã làm tổn hại tinh thần, ảnh hưởng tới kinh tế và năng suất lao động, ước tính gây thiệt hại khoảng 1,77% GDP mỗi năm. Các nghiên cứu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam cũng cho thấy có tới 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ đã từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực gia đình. Đặc biệt, con số thống kê cũng cho thấy gần 80% số vụ ly hôn hằng năm có nguyên nhân từ bạo lực gia đình... Trong khi đó, Luật Phòng chống bạo lực gia đình hiện nay chưa quy định rõ một số khái niệm và xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống bạo lực gia đình, các chính sách đầu tư nguồn lực từ Nhà nước và huy động xã hội hóa cũng chưa rõ điều này dẫn đến vướng mắc trong quá trình hướng dẫn, triển khai.
![]() |
Cùng với đó, việc xử phạt vi phạm hành chính mặc dù đã được thực thi song chưa tương xứng với số vụ bạo lực gia đình do tính đặc thù của đối tượng bị xử phạt. Hình thức xử phạt hành chính hiện nay chưa thực sự bảo đảm tính răn đe, giáo dục và đôi khi là rào cản cho việc phát hiện, can thiệp, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và xử lý người gây bạo lực gia đình…
Trước thực trạng nói trên, tại Hội nghị, nhiều đề xuất đã được đưa ra như: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản hướng dẫn thi hành theo chuyên đề hoặc các địa bàn là điểm nóng của bạo lực gia đình được nhân dân, xã hội quan tâm; sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo hướng quy định rõ một số khái niệm và gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở, tăng mức xử phạt và hình thức xử phạt nhằm bảo đảm tính răn đe.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng phòng, chống bạo lực gia đình là một nhiệm vụ quan trọng, nằm trong tổng thể xây dựng đời sống văn hoá, con người, là hành động cần thiết để bảo vệ quyền con người, đặc biệt bảo vệ quyền trẻ em, bình đẳng giới.
Theo Phó Thủ tướng, việc lần đầu tiên Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2008) là một nỗ lực rất lớn để luật hoá, điều chỉnh các hành vi vốn được coi là chuyện bình thường, riêng tư trong mỗi gia đình. Quá trình thực hiện Luật đã góp phần thay đổi nhận thức, nhân rộng các điển hình tốt trong tất cả các khâu phòng ngừa, hỗ trợ, xử lý, can thiệp vào các hành vi, vụ việc bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, bên cạnh kết quả đã đạt được, cần tập trung đánh giá những việc chưa làm được, chỉ ra những khâu còn yếu kém, phân tích sâu từng điều khoản để kiến nghị sửa đổi bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình mới.
Phó Thủ tướng cũng đặt vấn đề, trong thời gian chờ sửa luật, phải thực hiện tốt hơn các quy định pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay. Phó Thủ tướng dẫn chứng: Công tác thống kê số vụ việc bạo lực gia đình của ngành toà án đã khác với ngành văn hóa, thể thao và du lịch, hay số liệu từ hội phụ nữ, các đoàn thể cũng có sự khác biệt.
“Không đánh giá được thực trạng làm sao có giải pháp đúng? Cái này chúng ta phải chấn chỉnh. Cùng với đó, phải tuyên truyền rất cụ thể những hành vi bị xử lý theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói. Phó Thủ tướng cũng chỉ ra, những khảo sát của các tổ chức quốc tế còn thống kê phần trăm gia đình có bạo lực ở mức độ khác nhau chứ không chỉ là những vụ việc phải đưa ra xét xử, hoà giải.
Phó Thủ tướng nêu lên một thực tế, đó là Luật đã quy định rất cụ thể trách nhiệm cùng như công tác phối hợp giữa nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể xã hội nhưng vấn đề này chưa được nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc, không có sự phối hợp để triển khai những nhiệm vụ, chương tình mang tính dài hạn. “Phải lấy tổ chức xã hội, đoàn thể chính trị làm nòng cốt để huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng tham gia chứ không chỉ có các bộ ngành, chính quyền địa phương”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị, đối với những vụ việc, hành vi bạo lực gia định đã đến mức can thiệp thì phải xử lý nghiêm.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo kết quả một nghiên cứu gần đây, trên 90% phụ nữ Việt Nam và ít hơn 70% nam giới Việt Nam khi được hỏi đều thống nhất rằng, bạo hành trong đời sống vợ chồng đối với phụ nữ có thể được bào chữa trong rất nhiều trường hợp. Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ (MICS) ở Việt Nam năm 2014 cho thấy, tỷ lệ chấp nhận bạo lực giới tiếp tục xuất hiện ở thế hệ trẻ hơn, với 45% em gái tuổi từ 15-19 cho rằng đàn ông có quyền đánh đập vợ. Theo Rydstrom (2003), các quan niệm truyền thống về giới tại Việt Nam như nam giới thường “nóng” và phụ nữ phải “lạnh”, hành vi bạo hành phụ nữ của nam giới là “một phần tính cách của họ” và phụ nữ có trách nhiệm phải “làm hòa” với nam giới để giữ gìn yên ấm trong gia đình. Kết quả là, phụ nữ bị đổi lỗi gây ra tình trạng bạo lực gia đình và do đó cần phải chịu đựng bạo hành. (Nguồn: Hội thảo Công lý cho nạn nhân bạo lực tình dục) |
Xuân Hưng