(VnMedia) - Việc cụ thể hóa quyền con người theo quy định của Hiến pháp đối với phạm nhân phải có bước đi phù hợp để bảo đảm tính khả thi, bảo đảm khả năng đáp ứng của Nhà nước, tránh hình thức như quyền kết hôn, sinh con, quyền được gửi, lưu giữ trứng, tinh trùng...
Chiều ngày 07/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này có 16 chương, 232 điều. So với Luật Thi hành án hình sự năm 2010, dự thảo Luật mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh về thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; về thi hành bản án, quyết định về đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội; về quyền, nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp.
Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật nói trên do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày cho biết, dự thảo Luật bổ sung Điều 27 quy định 09 nhóm quyền của phạm nhân được bảo đảm và 01 nhóm quyền mang tính nguyên tắc; Theo đó, “phạm nhân được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, nhiều ý kiến trong UBTP tán thành với quy định của dự thảo Luật vì cho rằng, đối với người chấp hành án phạt tù, do họ bị cách ly khỏi xã hội, bị hạn chế quyền tự do đi lại nên có một số quyền công dân khác sẽ khó bảo đảm thực hiện được đầy đủ như đối với công dân bình thường đang ở ngoài xã hội.
Mặt khác, ngoài những quyền cơ bản, thiết yếu nhất (như quyền được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể; quyền bảo đảm chế độ ăn, mặc, ở, thăm gặp gia đình; quyền lao động, học tập, học nghề...) cần phải bảo đảm thực hiện tốt thì một số quyền khác (như quyền kết hôn, quyền sinh con, quyền được gửi, lưu giữ trứng, tinh trùng... ) đối với người chấp hành án phạt tù còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng đáp ứng của Nhà nước. Vì vậy, việc cụ thể hóa quyền con người theo quy định của Hiến pháp đối với phạm nhân phải có bước đi phù hợp để bảo đảm tính khả thi, bảo đảm khả năng đáp ứng của Nhà nước, tránh hình thức.
Về quyền, nghĩa vụ của người bị kết án tử hình trong thời gian chờ thi hành án (Điều 80), Dự thảo Luật quy định: "Chế độ quản lý giam giữ, ăn, ở, mặc, sinh hoạt, gửi, nhận thư; nhận đồ vật, tiền mặt, gặp thân nhân, chăm sóc y tế và các quyền, nghĩa vụ khác đối với người bị kết án tử hình trong thời gian chờ thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam”.
“UBTP nhận thấy, Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định về quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam có một số nội dung không phù hợp đối với người bị kết án tử hình trong thời gian chờ thi hành án. Thực tiễn quản lý người bị kết án tử hình cho thấy, một số người bị kết án tử hình đã yêu cầu thực hiện một số quyền khó bảo đảm tính khả thi trên thực tế, gây lúng túng cho cơ quan thực thi pháp luật. UBTP đề nghị Chính phủ cân nhắc, hoàn thiện quy định tại Điều 80 của dự thảo Luật để khắc phục những khó khăn, bất cập từ thực tiễn nêu trên” - Chủ nhiệm UBTP nêu rõ.
Theo dự kiến chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự án Luật này vào chiều ngày 12/11 và thảo luận toàn thể tại hội trường chiều ngày 19/11.
Xuân Hưng