- Dự án Luật Giáo dục đang được Thường vụ Quốc hội thảo luận quy định không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục…
Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 7, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thảo luận, cho ý kiến dự thảo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) diễn ra chiều 24/9, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh cho biết, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này đã bổ sung 2 nhóm chính sách mới so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.
Về chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục (Điều 95), Ủy ban tán thành với chính sách về học phí đối với học sinh diện phổ cập như trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).
Để chính sách ưu việt này được triển khai khả thi, có hiệu quả, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ hơn về lộ trình thực hiện chính sách, trong đó đặt ra yêu cầu, thời điểm và điều kiện triển khai chính sách học phí này đối với người học thuộc diện phổ cập giáo dục ở cả trường công lập và trường dân lập, tư thục.
Đóng góp cho dự thảo luật, nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, cần ưu tiên thực hiện những chính sách trên đối với người học ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và người học thuộc nhóm trẻ em yếu thế, nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở vùng đô thị.
Để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và kỹ thuật văn bản, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng nội dung các vấn đề dự kiến được quy định chi tiết ở các văn bản dưới Luật, nghiên cứu để đưa ngay vào Luật các nguyên tắc, làm căn cứ hướng dẫn thi hành; tiếp tục hoàn thiện dự thảo các văn bản hướng dẫn, bảo đảm đầy đủ và kịp thời; đồng thời rà soát các quy định đối với các lĩnh vực đã có luật chuyên ngành, như Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học trong quá trình sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm tính hoàn chỉnh, thống nhất của dự thảo Luật để tránh mâu thuẫn, chồng chéo.
Ngoài ra, nội dung về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; trách nhiệm của Nhà nước đối với học sinh trường công lập, tư thục; chính sách đối với nhà giáo… cũng được nhiều đại biểu quan tâm, đưa ra các quan điểm khác nhau.
Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cho rằng, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) được đa số đại biểu tán thành nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề sâu rộng hơn. Trên cơ sở kiến của các thành viên Ủy ban tại buổi làm việc hôm nay, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo thẩm tra, trình Quốc hội trong kỳ họp tới.
Trước đó, trình bày về quy định miễn học phí, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đến nay Nhà nước mới chỉ thực hiện miễn học phí đối với giáo dục Tiểu học, còn giáo dục THCS, trẻ em mầm non 5 tuổi (học sinh thuộc diện phổ cập) vẫn chưa được miễn học phí. Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Trên cơ sở đánh giá tác động chính sách và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí như đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Cụ thể, Dự thảo Luật Giáo dục quy định: “Học phí là khoản tiền người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Mức thu học phí được xác định theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo do Chính phủ quy định. Trẻ em mầm non năm tuổi, học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí. Cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở công lập được Nhà nước bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động để thực hiện phổ cập giáo dục.
“Trẻ em mầm non năm tuổi cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tương đương mức ngân sách cấp chi thường xuyên tính bình quân trên một học sinh của cơ sở giáo dục công lập cùng cấp trên địa bàn.Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc không thu học phí đối với trẻ em mầm non năm tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập; hỗ trợ tiền đóng học phí cho trẻ em mầm non năm tuổi cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường tư thục” (khoản 1 Điều 95).
Xuân Hưng