(VnMedia) - Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thời gian qua một số vụ xử lý kéo dài, chưa nghiêm minh, nhiều vụ khi có ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì mới tiến hành xử lý.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chiều ngày 5/6/2018, các vấn đề liên quan tới các vụ xâm hại, bạo hành trẻ em trong thời gian qua được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Lên án mạnh mẽ vấn đề xâm hại, bạo hành trẻ em
Bức xúc về vấn đề xâm hai, bạo hành trẻ em, đại biểu Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) nói, trong số 2.000 vụ xâm hại, bạo hành trẻ em mỗi năm có 1.500 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Do vậy, cần có giải pháp mạnh mẽ của ngành lao động để "chặn đứng tình trạng này" . Bà Nga cũng hỏi đại diện ngành công an, cơ quan tư pháp, "có khó khăn gì trong chứng minh vấn đề xâm hại trẻ em?".
Đại biểu Lê Thị Nga cũng cho biết thêm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có phiên giải trình, đồng thời kiến nghị với 3 cơ quan tư pháp về một nội dung liên quan đến công tác điều tra, xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
"Chúng tôi đã kiến nghị nhưng các cơ quan tư pháp chưa trả lời. Trong buổi chất vấn này, chúng tôi kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao trả lời cụ thể về giải pháp để giải quyết bế tắc trong việc chứng minh hành vi xâm hại tình dục trẻ em".
Trả lời bổ sung thêm xung quanh vấn đề xâm hại trẻ em, ông Nguyễn Minh Trí (Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao) cho biết, vấn đề xâm hại trẻ em đang gây nhức nhối dư luận.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, đã khởi tố 711 vụ, truy tố 753 vụ, tương ứng 805 bị can; đưa ra xét xử 648 vụ với 690 bị can.
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình |
Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề này, theo ông Nguyễn Minh Trí, phải được cụ thể hóa bằng quyết tâm chính trị để làm sao hoàn thiện hệ thống pháp luật. Yêu cầu của cuộc đấu tranh này phải có sự phối hợp với các cơ quan liên quan kể cả công việc tuyên truyền, giáo dục, tạo ra sức mạnh của cả hệ thống chính trị để toàn xã hội lên án, đặc biệt khi phát hiện phải xử lý nghiêm minh.
Đối với các vụ việc này, để bảo vệ trẻ em phải làm tốt công tác phòng ngừa, khi xảy ra vụ việc phải xử lý nghiêm, kịp thời tất cả hành vi xâm hại trẻ em. Quy đinh của pháp luật, Luật trẻ em 2006, Luật tố tụng hình sự 2005, Luật dân sự đều có chương quy định cụ thể quyền trẻ em. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để bảo vệ trẻ em.
Đối với việc thực thi pháp luật, cần có sự phối hợp các cơ quan Bộ ngành. Tháng 12/2017, Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, phối hợp xây dựng Thông tư liên tịch 01, việc phối hợp nhận tin báo tố giác đối với tội xâm hại tình dục trẻ em.
Thứ 2, Viện đang chủ trì xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số luật tố tụng hình sự 2015, đối tượng tham gia tố tụng dưới 18 tuổi. Hiện nay, thông tư này đang chờ góp ý của Tòa án Nhân dân tối cao. Đầu quý 3/2018 ban hành, đây là cơ sở pháp lý hướng dẫn, thực thi nhiệm vụ khởi tố, điều tra, truy tố.
Cũng tại phiên chất vấn, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm, theo thống kê từ năm 2013-2017, tòa án giải quyết 8.100 tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em bao gồm 5 tội danh khác nhau. Tội xâm hại tình dục trẻ, Tòa đã trả hồ sơ 549 vụ (6%). Các vụ xét xử đúng người đúng tội 93%, tương đương hơn 7.600 vụ. Mặc dù số vụ trả hồ sơ chỉnh sửa không nhiều (6%), nhưng gây bức xúc xã hội, như đã nêu trong phiên chất vấn. Đây là vụ việc không khó khăn trong quá trình xét xử nhưng khó khăn trong quá trình điều tra. Đây là những vụ việc truy xét, không có người làm chứng, thời gian xảy ra xa, gia đình nạn nhân ngại che dấu không hợp tác cơ quan điều tra. Đây là việc rất khó trong quá trình điều tra, xét xử.
Theo Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, giải pháp căn cơ cơ quan phối hợp với nhau đưa ra xét xử đúng người đúng tội.Tòa đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ, xây dựng bộ giáo trình riêng, phối hợp Viện kiểm sát, Công an xây dựng thông tư liên tịch. Nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi, triển khai tập huấn cho 6.000 thẩm phán để nâng cao năng lực.
Cũng theo ông Nguyễn Hòa Bình, hiện mô hình tòa thân thiện dành cho các vụ án hôn nhân gia đình, xâm hại tình dục trẻ em cũng được xây dựng, đang đưa vào thực thi trên toàn quốc. Với những vụ án xâm hại tình dục thì xét xử kín, thậm chí không ra tòa, chỉ phỏng vấn qua micro để không ảnh hưởng tâm lý người liên quan.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung |
Một số vụ xử lý kéo dài, chưa nghiêm minh: Bộ trưởng bức xúc, đưa giải pháp
Tiếp tục tranh luận về nội dung xâm hại trẻ em, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) nêu cụ thể trường hợp khi tiếp cận và tìm hiểu một vụ xâm hại trẻ em xảy ra ở huyện Thủ Đức (TP HCM), tới nay chưa có cơ quan nào kết luận rõ ràng.
Theo đại biểu Nhưỡng, hiện có tới 17 cơ quan phụ trách liên quan tới vấn đề này, nhưng gia đình vẫn đơn độc giải quyết.
"Không nên để những câu chuyện đau lòng này tiếp tục xảy ra. Không nên để các gia đình có con em bị xâm hại cảm thấy đơn độc", đại biểu Nhưỡng nói, đồng thời đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần có thái độ rõ ràng, kiên quyết hơn vấn đề này; các cơ quan tố tụng kiên quyết phải trả lời…
Đồng quan điểm với đại biểu Nhưỡng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hệ thống pháp luật cơ bản đồng bộ, rõ trách nhiệm trong bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Theo Luật trẻ em, Bộ Công an hướng dẫn, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực, xâm hại tình dục, mua bán và tội phạm liên quan tới trẻ em; Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội là cơ quan trực tiếp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi trẻ em; UBND các cấp quản lý nhà nước ở địa phương về bảo vệ trẻ em...
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian qua một số vụ xử lý kéo dài, chưa nghiêm minh, nhiều vụ khi có ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì mới tiến hành xử lý.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, Bộ LDTB&XH đã chủ động có ý kiến về hầu hết những vụ việc xâm hại trẻ em. Có nhiều vụ, Bộ trực tiếp báo cáo Chủ tịch nước, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ có ý kiến.
Nêu ví dụ vụ việc Nguyễn Khắc Thuỷ xâm hại tình dục trẻ em ở Vũng Tàu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, ngay khi kết thúc phiên xử, Bộ trưởng đã gọi điện trực tiếp trao đổi với Viện trưởng Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao thể hiện rõ quan điểm "không đồng tình với kết quả xét xử cho bị cáo hưởng án treo, đề nghị 2 cơ quan tư pháp cần xem xét lại, và đã được ghi nhận".
Nêu thêm vụ Minh béo sau khi mãn hạn tù liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em, từ nước ngoài về nước, Minh béo vẫn tổ chức các hoạt động văn hoá nghệ thuật liên quan tới trẻ em. Thể hiện sự bức xúc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, cá nhân Bộ trưởng và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng có ý kiến vấn đề này tới các cơ quan liên quan và được chấp nhận.
Đinh Bách - Khánh An