(VnMedia) - Lo ngại việc kê đơn rộng rãi thuốc Tamiflu sẽ tạo nên nhu cầu tăng đột biến, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị các bệnh viện cần giám sát chặt việc kê đơn của bác sĩ với các ca mắc cúm, hạn chế kê thuốc Tamiflu, tránh kháng thuốc và tạo ra cơn sốt giả về loại thuốc này….
Trước diễn biến phức tạp của bệnh cúm ở Việt Nam và một số nước, chiều 13/2, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa, bệnh (Bộ Y tế) đã triệu tập cuộc họp khẩn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm.
Dịch cúm A lan rộng, mắc nhiều nhất là trẻ nhỏ
Theo ThS. Phạm Hùng – Trưởng Phòng Truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, so với cùng kỳ năm 2017, số ca mắc cúm ở Việt Nam đang tăng cao. Tuy nhiên, may mắn hiện chưa có ca nào mắc cúm nặng hay tử vong, cũng chưa phát hiện chủng virus cúm lạ, cúm động lực cao xâm nhập vào nước ta.
Trong khi đó, BS Nguyễn Cao Cường (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, số ca cúm ở Hà Nội không có sự biến động so với năm 2017.
Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, từ đầu tháng 12 đến nay có 820 người bệnh đến khám cúm, 383 ca nhập viện điều trị cúm, chủ yếu mắc cúm A. Tại Bệnh viện Xanh Pôn, lũy kế đến nay có 84 bệnh nhân điều trị cúm.
Là bệnh viện ở tuyến đầu của Hà Nội về chống dịch, Bệnh viện Đống Đa trung bình tiếp nhận 10 ca đến khám/ngày. Đến nay có khoảng 100 bệnh nhân đến điều trị cúm, trong đó nội trú là 73 bệnh nhân. Bệnh viện đa khoa Đức Giang hiện chưa phát hiện trường hợp cúm ở người lớn, chủ yếu là ở bệnh nhi với khoảng 121 ca. Hiện còn 12 ca vẫn nằm điều trị nội trú.
Riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, kể từ đầu mùa dịch bệnh, đã có hơn 700 ca mắc. Hiện tại, đang có 63 bệnh nhân nằm điều trị nội trú vì cúm. Hiện tại, Bệnh viện đã dành toàn bộ tầng 3 của Trung tâm Nhiệt đới dành riêng cho điều trị cúm. “Chúng tôi cố gắng phân loại bệnh nhân, giải thích và hướng dẫn cho người nhà cách chăm sóc những bệnh nhân nhẹ ở nhà để tránh lây chéo, nhiễm khuẩn bệnh viện” – đại diện Bệnh viện Nhi cho hay.
Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, số ca mắc cúm không tăng cao, nhưng trong 2 ngày gần đây có 4 thai phụ mắc cúm phải nhập viện. Những trường hợp này được theo dõi liên khoa Sản – Truyền nhiễm để hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tới sức khỏe người mẹ và bào thai.
Hiện nay, các bệnh viện tuyến Trung ương đều đã triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với dịch cúm. Bệnh viện Bạch Mai triển khai một sàn cấp cứu bệnh nhân nhi và hai sàn cấp cứu bệnh nhân người lớn; dồn máy thở cho khoa hồi sức; huy động 12 máy ecmo; dự trữ 1.260 viên tamiflu...
Các Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đống Đa cũng đã tiến hành triển khai phân luồng từ khoa khám bệnh để tránh dịch lây lan; dành riêng số giường đáng kể để điều trị cách ly các bệnh nhân mắc cúm; đồng thời huy động nhân lực, trang thiết bị và thuốc men đủ để ứng phó với dịch cúm.
Chỉ kê Tamiflu cho những bệnh nhân cúm nặng
Tamiflu là loại thuốc đặc trị bệnh cúm hiệu quả. Vì vậy, khi thấy dịch cúm có chiều hướng gia tăng, tình trạng khan hiếm thuốc Tamiflu đã khiến nhiều người dân hoang mang. Có người phải chấp nhận mua một viên thuốc với giá 500.000 nghìn đồng, một vỉ với giá 5 triệu đồng.
TS Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đống Đa cho biết, tình trạng khan hiếm thuốc Tamiflu ngoài thị trường là có thật thời gian vừa qua. Hiện tại, bệnh viện Đống Đa chỉ trữ 300 viên thuốc và chỉ dành điều trị cho bệnh nhân nặng, nằm nội trú.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Xanh Pôn cách đây một tuần hoàn toàn không có viên thuốc nào dự trữ. Đến nay, bệnh viện đã có được khoảng 200 viên và cũng chỉ dành điều trị cho những ca bệnh nặng. Tình trạng khan hiếm này cũng xảy ra ở Bệnh viện đa khoa Đức Giang với khoảng 50 viên Tamiflu dành cho chống dịch.
Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương hiện là bệnh viện có lượng dự trữ thuốc Tamiflu nhiều nhất hiện nay, với số thuốc dự trữ là khoảng 35 nghìn viên. Trước tình trạng khan hiếm thuốc ở các bệnh viện khác, bệnh viện Nhiệt đới đã chi viện cho Bệnh viện Nhi Trung ương và một số cơ sở khác và hiện còn dự trữ khoảng 22 nghìn viên Tamiflu, trong đó có 6.500 viên phục vụ điều trị nội trú.
Cùng với đó, bệnh viện Bạch Mai cũng hiện đang dự trũ 1.260 viên Tamiflu để ngoài việc chủ động trong ứng phó với dịch thì còn sẵn sàng chi viện cho các bệnh viện khác.
Lãnh đạo Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tiếp tục thực hiện công tác chi viện cho những bệnh viện tuyến dưới để phục vụ công tác điều trị, chủ động ứng phó với dịch cúm, không tạo nên sự khan hiếm giả trên thị trường.
Các bệnh viện khác cũng được yêu cầu chủ động, nếu thiếu thuốc Tamiflu có thể đề nghị với Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để được chi viện thuốc, không để xảy ra dịch khi thiếu thuốc.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị, các bệnh viện không được chỉ định thuốc Tamiflu rộng rãi.
Ông Khoa cho biết, theo phác đồ điều trị cúm mà Bộ Y tế đã ban hành, bác sĩ chỉ được chỉ định thuốc Tamiflu cho những trường hợp cúm nặng, có biến chứng hoặc các đối tượng đặc biệt như có bệnh nền, mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mãn tĩnh…
Lo ngại việc chỉ định rộng rãi thuốc Tamiflu sẽ tạo nên nhu cầu tăng đột biến, ông Nguyễn Trọng Khoa đề nghị các bệnh viện cần giám sát chặt việc kê đơn của bác sĩ với các ca mắc cúm, hạn chế kê thuốc Tamiflu, tránh kháng thuốc và tạo ra cơn sốt giả về loại thuốc này.
Tại buổi họp, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị các bệnh viện tiếp tục thực hiện tốt công tác điều trị. Thực hiện thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu và phòng chống đối với các dịch bệnh có nguy cơ xảy ra vào mùa đông xuân, chú trọng kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện. Đặc biệt, các bệnh viện phải phân loại bệnh nhân tốt, sẵn sàng thuốc và trang thiết bị cho phòng chống dịch, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do mắc bệnh truyền nhiễm.
Cục Quản lý dược khuyến cáo, thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe. Do đó, khi có triệu chứng nghi là bệnh cúm hoặc nghi ngờ tiếp xúc với bệnh nhân bị cúm, người dân nên đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám, kê đơn và hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả. Hơn nữa, thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir không thay thế cho việc tiêm vaccine phòng cúm. Do đó, hằng năm người dân nên đến cơ sở tiêm chủng để tiêm vắc xin phòng cúm mùa. |
Hoàng Hải